Xoa dịu nỗi đau Sơn Mỹ

Thứ Tư, 18/03/2015, 08:53
Những ngày tháng 3 này, từng đoàn du khách thập phương tìm về Khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi). Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm hẹn của những người yêu chuộng hòa bình đến từ nhiều quốc gia. 

Với không ít du khách nước ngoài, Sơn Mỹ đã trở thành điểm đến quen thuộc mỗi khi họ trở lại Việt Nam. Họ đến để cùng sẻ chia nỗi đau và chứng kiến sự đổi thay diệu kỳ của đất và người nơi đây…                    

Trong lần đầu tiên ghé thăm Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ cách đây 4 năm, những hình ảnh tang thương mà quân đội Mỹ gây ra cho người dân Sơn Mỹ không lúc nào phai nhòa trong ký ức của du khách người Anh - ông Simon White. Và, kể từ đó, mỗi lần có dịp đến Việt Nam, ông Simon White lại đến Sơn Mỹ để cảm nhận về nghị lực vươn lên của người dân nơi đây.

Trong chuyến du lịch miền Trung, Việt Nam lần này, ông cùng những người bạn của mình đã dành thời gian về lại Sơn Mỹ. Hình ảnh những ngôi nhà bị cháy, hay những mô hình, tư liệu mới được sưu tầm, phục dựng, đã giúp ông Simon có thêm cảm nhận sâu sắc hơn về những mất mát, đau thương mà người dân nơi đây phải gánh chịu.

Ông Simon White bồi hồi xúc động: “Tôi thật sự hiểu hơn về chiến tranh ở Việt Nam. Tôi đã đến nhiều nơi, nhưng với mảnh đất này như níu chân tôi, nơi đây như một cuốn sử sống về chiến tranh Việt Nam. Tôi thật sự khâm phục người dân Việt Nam!...”.

Còn với vợ chồng bà Beck Seillert đến từ Cộng hòa Liên bang Đức thì đây là lần đầu tiên họ đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ. Từ chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh, nạn nhân bị lính Mỹ sát hại; chiếc áo, đôi dép, của những nạn nhân; đến những mô hình… tái hiện sự dã man của vụ thảm sát cách đây 45 năm…

Cựu chiến binh Mỹ Mike Boehm dùng tiếng đàn violon như một lời sám hối cho lỗi lầm mà quân đội Mỹ gây ra 47 năm trước và cầu nguyện cho thế giới luôn hòa bình.

Đặc biệt là những hình ảnh trong cuộc thảm sát sáng 16/3/1968, do chính phóng viên Ronald Haeberle và lính Mỹ chụp lại cảnh các nạn nhân bị lính Mỹ sát hại; trong đó chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già. Những tư liệu, hình ảnh  trong nhà  trưng bày khu chứng tích đã thực sự gây cảm xúc mạnh đối với bà Beck Seillert.

“Trước khi đến đây, tôi đã từng biết về Sơn Mỹ qua các phương tiện truyền thông, nhưng tôi vẫn không tin vào mắt mình khi được tận mắt nhìn thấy những gì còn lưu lại trên chính mảnh đất này”, bà Beck Seillert bày tỏ.

Ông Phạm Thành Công, một nạn nhân còn sống sau vụ thảm sát, hiện là Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ, cho biết:  Năm 2014, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón hơn 60.000 du khách nước ngoài đến từ 73 quốc gia khác nhau. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã có trên 2.500 khách nước ngoài đến viếng thăm nơi đây, trong số đó có không ít những cựu binh Mỹ. Những cái tên Hugh Thompson và Lawrence Colburn hay Mike Boehm đã trở nên khá thân thuộc với  người dân Sơn Mỹ hôm nay.

“Đối với khách tham quan nước ngoài - người ta đến đây để chia sẻ với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Sơn Mỹ nói riêng. Nhiều du khách đến thăm nhà trưng bày, các điểm di tích và nghe hướng dẫn viên thuyết trình về vụ thảm sát Sơn Mỹ; có những khách đã day dứt, rồi ngất xỉu tại nhà trưng bày mà chúng tôi phải sơ cấp cứu. Nhiều đoàn gây cho chúng tôi ấn tượng, trân trọng với nghĩa cử và tình cảm sâu nặng giữa các bạn nước ngoài đối với di tích và người dân Sơn Mỹ”.

“Một hồi ức đầy xúc động về tội ác của loài người. Chúng ta hãy cùng làm việc để hiểu biết hơn về ước muốn và nhu cầu của nhau để tránh xung đột, mâu thuẫn và tội ác bẩn thỉu như những hành động khủng khiếp đã xảy ra tại Sơn Mỹ vào ngày 16/3/1968”- những dòng lưu bút của ông Ben Fawcett, du khách người Anh, một trong số hàng vạn dòng lưu niệm của du khách nước ngoài đã từng đến thăm Sơn Mỹ.

Những du khách nước ngoài đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ, điều trước tiên là để sẻ chia những đau thương mất mát năm xưa. Và sau đó, chứng kiến sự hồi sinh của Sơn Mỹ hôm nay, họ càng cảm phục sức sống kỳ diệu của miền đất mang ký ức buồn đau khôn nguôi về vụ thảm sát đã cướp đi sinh mạng của 504 thường dân vô tội cách đây 47 năm…

Sáng 16/3, tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 47 năm ngày giặc Mỹ gây ra vụ thảm sát 504 người dân vô tội ở Sơn Mỹ (16/3/1968 – 16/3/2015). Đến dự lễ có lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền địa phương, các nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát, cùng đông đảo nhân nhân, học sinh, du khách trong và ngoài nước. Mở đầu buổi lễ, phút mặc niệm tưởng nhớ đến hương hồn của 504 dân thường bị sát hại vào đúng ngày này 47 năm trước là 5 hồi và 4 tiếng chuông và tiếng đàn violon của ông Mike Boehm, người cựu chiến binh Mỹ. Thông qua tiếng đàn của mình, ông Mike Boehm cầu nguyện cho thế giới luôn hòa bình để không còn xảy ra những tội ác chiến tranh như ở Sơn Mỹ. Ngày 16/3, hằng năm luôn là ngày mà người dân Sơn Mỹ không bao giờ quên. Họ nhắc về vụ thảm sát này không phải để gây hận thù mà như một lời nhắn gửi thế hệ mai sau hãy lấy đó làm tấm gương để không xảy ra những vụ thảm sát đau thương như vậy nữa. “Biến đau thương thành hành động”, 47 năm qua, người dân Sơn Mỹ đã đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương. Nhân lễ tưởng niệm, tổ chức Madison Quakers đã tặng 54 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng, cho học sinh Sơn Mỹ.
Anh Thư
.
.
.