Xe hết hạn sử dụng và những nẻo đường trốn...“khai tử”
Đã và đang có một cuộc "đào tẩu" mạnh mẽ của các loại xe "quá đát" mà đường thoát lớn nhất là "chạy" về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa "cư trú" và hoạt động để tránh sự truy lùng gắt gao của các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực đô thị, đồng bằng.
Trung bình mỗi ngày cả nước có 85 người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT). TNGT đang gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất nghiêm trọng với mức tăng 20% so với tháng trước, đó là con số thống kê đau lòng của tháng 2 vừa qua. Quá nhiều biện pháp hạn chế, chấn chỉnh đã được áp dụng song hiệu quả còn hết sức mờ nhạt...
Hiểm họa từ những khối sắt vụn... biết đi
Điển hình có thể nhắc tới là Tp.HCM, nơi có số lượng xe ô tô lớn nhất toàn quốc, với hơn 13,8 vạn đầu xe, chiếm 26,4% lượng xe hiện có của cả nước. Chưa kể trung bình mỗi tháng, tại địa bàn này có thêm khoảng 400 đầu xe ô tô được "khai sinh" khiến con số gia tăng càng lúc càng lớn. Theo tỷ lệ, dĩ nhiên Tp.HCM cũng là nơi có lượng xe phải thanh loại thuộc hàng lớn nhất nước.
Theo Nghị định 23 của Chính phủ, việc loại bỏ xe quá hạn sẽ thực hiện theo lộ trình: Năm 2005, loại bỏ xe tải có niên hạn sử dụng trên 29 năm, xe khách có niên hạn sử dụng trên 23 năm; năm 2007 loại bỏ xe tải có niên hạn sử dụng trên 28 năm, xe khách có niên hạn sử dụng trên 21 năm. Trên thực tế, nhiều xe tải, xe khách có tuổi thọ gấp 1,5 đến 2 lần thời hạn này vẫn đang lưu hành dưới nhiều hình thức, kể cả việc chủ xe cho đại tu, sửa chữa trông như… mới! |
Một cán bộ kiểm lâm ở Hạt Kiểm tra lâm sản Nầm, Hương Sơn (Hà Tĩnh) phàn nàn: Không hiểu vì sao, xe chở gỗ "hệ 4 không" ở vùng cao dạo này nhiều đến thế!. “Bốn không" đó là không đăng kí, không đăng kiểm, không gương kính và… không thèm tiếc! Chúng là lực lượng vận chuyển đường ngắn, chủ yếu loanh quanh trong địa bàn, "ăn hàng" tại các bãi gỗ, các bìa rừng, khi có "động", chủ phương tiện sẵn sàng bỏ xe lại để tháo thân.
Xe "quá đát", trăm nẻo đường... "lách"!
Tính đến đầu tháng 3 này, quy định cấm lưu hành đối với các loại xe ôtô quá niên hạn sử dụng của Chính phủ đã thực hiện được 1 tháng. Nếu theo như tiêu chí của Nghị định 23/CP của Chính phủ thì riêng năm 2005 này sẽ có 17.678 chiếc xe tải, 1.869 chiếc xe chở người nằm trong diện phải… khai tử. Nếu tính cả số 1.226 xe khách phải loại bỏ theo như Nghị định 92/CP trước đó thì số xe phải buộc biến mất khỏi cuộc sống cũng đã lên tới con số hơn 2 vạn chiếc.
Chủ trương là vậy song quá trình thực hiện trên thực tế xem ra không hề "xuôi chèo mát mái" tí nào. Theo Cục Đăng kiểm Việt
Trở lại với địa bàn Tp.HCM, qua hơn 1 tháng thực hiện quy định loại bỏ xe "quá đát" của Chính phủ, cơ quan chức năng đã phát hiện có hơn 3.000 chiếc xe ôtô đã bỏ 2 kì kiểm định (6 tháng). Theo như quy định thì cứ 3 tháng, các xe ôtô đều phải đến Trung tâm kiểm định để được kiểm định an toàn và cấp sổ, tem kiểm định lưu hành. Sở dĩ có hiện tượng trốn kiểm định đó là do các chủ phương tiện có xe sắp đến hạn "khai tử" nắm được quy định thanh loại xe này đã "lờ" đi nhằm tiện bề chui lủi hoạt động.
Gần đây, những vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm tại Lâm Đồng và Đắk Lắk cho thấy, gỗ khai thác trái phép từ rừng cấm đều được chất lên xe cũ nát, nhả khói mù mịt nhưng tuyệt nhiên không thấy cơ quan nào hỏi và truy thu những phương tiện vận tải quá hạn này?! Một số cuộc kiểm tra của lực lượng CSGT phối hợp với cơ quan đăng kiểm, kiểm lâm tại tỉnh Quảng Nam mới đây cũng đã phát hiện được 19 chiếc xe chuyên chở gỗ lậu. Khi sự việc bại lộ, chủ xe bỏ phương tiện chạy trốn, các cơ quan chức năng xem xét mới biết rằng, số xe này đều có độ tuổi trên 30 năm, nằm trong diện thanh loại. Tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Bắc Kạn… từ giai đoạn giữa đến cuối năm 2004 cũng đã xuất hiện hiện tượng nhiều "đại gia" tìm về thị trường ôtô cũ ở Hà Nội mua xe lên bán lại.
Khi lợi nhuận lộ rõ mười mươi, chủ phương tiện sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mình mà đi ngược lại lợi ích to lớn của cộng đồng, của đất nước. Cũng khi đó, cuộc trốn chạy "khai tử" của xe quá "đát" vẫn diễn ra ồ ạt và vô số những hậu họa vẫn tiếp tục có đất sống