Vực dậy tiềm năng du lịch trên quê “ông già Ba Tri”

Thứ Năm, 29/04/2021, 20:10
Ba Tri là nơi có nhiều điểm đến rất hấp dẫn, gắn với đó là những câu chuyện kể làm say lòng du khách. Để vực dậy tiềm năng du lịch trên vùng đất nằm cuối cù lao Bảo, còn nhiều việc phải làm và làm một cách quyết liệt. Xuất phát với Bình Đại - Thạnh Phú cùng hướng mũi ra biển, “con tàu” Ba Tri đang vững lái, hiện thực hóa khát vọng làm giàu về hướng Đông và sẽ đến đích đúng hẹn…


Chuyện trăm năm vẫn say lòng người

“Thấy người dân ở chợ… chồm hổm, đội nắng mưa vất vả, ông cho dựng ngay một nhà lồng chợ, rồi cho nạo vét kênh rạch, làm đường phẳng phiu để bà con tiện đi đứng, lưu chuyển hàng hóa. Chẳng lâu sau, cái chợ này nhộn nhịp, đông đúc, trong khi cái chợ phía ngoài, xa trung tâm hơn ngày càng thưa thớt. Có người tức giận, liền cho đốn cây, đắp đập ngăn con rạch, không cho dân thương hồ từ ngoài sông lớn đi vào.

Thấy dân bỗng gặp khó vì chuyện này, ông đâm đơn đi kiện. Có điều, từ “huyện” tới “tỉnh”, ông đều bị xử thua. Bức quá, ông đi… bộ mất đứt 3 tháng ròng, ra tận “trung ương” để kêu oan. Chẳng uổng công ông khi “bề trên” quan tâm, soi xét thấu đáo và xử ông thắng, yêu cầu dỡ bỏ ngay con đập ngăn sông, cấm chợ bởi lý lẽ: Làng riêng nhưng rạch thì chung”.

Bối cảnh được cho là xảy ra cách nay… 215 năm (năm Gia Long thứ 5 - 1806) nhưng được kể bằng ngôn từ hôm nay khiến người nghe thích thú. Và ai cũng muốn nghe thêm giai thoại hấp dẫn khác về cụ Thái Hữu Kiểm – người có công sửa làng, giúp nước, lập chợ,... mà suốt hơn 2 thế kỷ qua được người dân quen gọi là “ông già Ba Tri”.

“Bây giờ tôi kể cho anh chị nghe về người được cho là từng làm sui với “ông già Ba Tri”. Chuyện này ít người biết hơn nè!”, giọng dí dỏm của một người đàn ông là dân địa phương xin “hầu chuyện” về cụ Trần Văn Hạc. “Khi trốn quân Tây Sơn về đây, gặp phải đất bãi bồi sình lầy, rễ bần (thủy liễu), lại mọc ngược chôm chổm như chông, Gia Long không lội được nên ông Hạc đã ghé lưng cõng. Nhớ công này, tới ngày thống nhất sơn hà, vua Gia Long cho phong chức nhưng ông Hạc không nhận…”. 

Câu chuyện cụ Hạc gắn với ngôi miếu thờ Lang Lại Đại Tướng Quân (là tên mà vua gọi phong cho loài Rái cá do đã có công lấp dấu vết trên bãi bồi). Miếu thờ này hiện ở cù lao Đất – dãy đất rộng chỉ 200ha nằm giữa dòng hạ lưu sông Hàm Luông, thuộc xã An Hiệp, cách cửa biển khoảng 10 cây số.

“Thực tế Ba Tri là xứ có nhiều điểm đến rất hấp dẫn, gắn với đó những câu chuyện kể làm say lòng du khách”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tri Bùi Thành Dương cho biết. Hôm về Ba Tri, chúng tôi chứng kiến nhóm du khách trẻ đến từ Hà Nội rất xúc động khi được biết thêm vùng đất nằm cuối cù lao Bảo – một trong 3 cù lao hợp thành xứ Dừa, là vùng đất hội tụ của nhiều bậc danh nhân, học sĩ, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản và anh hùng đánh Pháp như Phan Ngọc Tòng, Tán Kế, Phan Liêm, Phan Tôn… Tư tưởng, đạo đức, nhân cách của các bậc danh nhân đã thẩm thấu, lan tỏa qua nhiều thế hệ, góp phần quan trọng hun đúc và xây dựng con người Ba Tri dần toàn diện với các đức tính: yêu nước, cần cù, hiếu học, trọng nghĩa tình, ý thức thượng tôn pháp luật...

Vững tin về hướng biển

Thực hiện nghị quyết phát triển về hướng Đông, Ba Tri vừa hoàn tất Chương trình hành động cụ thể với quan điểm mở ra không gian phát triển mới, trong đó ưu tiên gắn kết, phát triển du lịch. Để đạt các mục tiêu cơ bản, trong đó đón ít nhất thu hút 70.000 lượt khách du lịch vào năm 2025 và 150.000 lượt 5 năm tiếp theo; du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ba Tri sẽ tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch biển, trước mắt là hoàn thành dự án Kè chắn sóng và tuyến đường vành đai ven biển liên xã Bảo Thuận - Tân Thủy - An Thủy, đường từ Ngã 3 cầu Ngang đến biển Cồn Ngoài xã Bảo Thuận.

Để du khách được trải nghiệm “cùng làm với dân”, huyện sẽ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống như đan đát (Phước Ngãi), nấu rượu (Phú Lễ), làm bánh phồng (Phước Ngãi), sản xuất muối (Bảo Thạnh), làm hải sản khô (An Thủy); phát triển mô hình du lịch homestay ở Vĩnh An, Phú Lễ, An Hiệp (trong đó ưu tiên thu hút nguồn lực thực hiện Đề án phát triển du lịch Cồn Đất), khu vực hồ chứa nước ngọt, kênh lấp xã Tân Xuân, Phước Ngãi kết hợp với tham quan, trải nghiệm làm sản phẩm thủ công tại các làng nghề truyền thống vừa kể. Sẽ hình thành các resort ven biển, du lịch biển gắn với tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; phát triển mô hình du lịch sinh thái - nông trại Vàm Hồ...

Cùng với phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh; xây dựng sản phẩm đặc thù, thương hiệu du lịch tạo sức hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng; huyện sẽ sớm thực hiện dự án xây dựng đô thị biển và resort để phát triển du lịch biển xã Bảo Thuận, tiếp đó là An Thủy bằng việc khẩn trương xúc tiến kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật. “Tới đây, tại các bãi nuôi nghêu thịt nổi tiếng của Ba Tri, du khách sẽ được tận tay bắt nghêu, tự câu cua, câu cá… và chế biến ăn tại chỗ”, lãnh đạo huyện nói.

Có một tiềm năng lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, đó là văn hóa ẩm thực đặc trưng. Ít ai biết rằng Ba Tri là địa phương có đàn bò đông hàng nhất nhì miền Tây; thịt bò nơi đây ngon có tiếng. “Thế nhưng, món ngon bò tơ Ba Tri cũng tựa “số phận” như nhiều món ngon được chế biến từ sản vật nuôi trồng, khai thác tại địa phương như: nghêu hấp dừa, cá lóc nướng bằng rơm, dưa hấu cồn Hố, rau thủy canh, rau rừng… chưa được biết đến nhiều”, một lãnh đạo huyện cho biết .

Còn nhiều điều phải dồn sức làm ngay từ bây giờ để vực dậy tiềm năng du lịch trên quê “ông già Ba Tri”. Vấn đề cốt tử còn lại chính là sự quyết liệt – đồng lòng. “Xuất phát với Bình Đại - Thạnh Phú cùng hướng mũi ra biển, “con tàu” Ba Tri vững lái, đang hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ hướng Đông và sẽ tới đích đúng hẹn”, Phó Bí thư Thường trực Bùi Thành Dương bộc bạch kỳ vọng

Ba Tri còn là đất hội tụ nhiều di tích. Toàn huyện hiện có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (trong đó Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt), 9 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (trong đó có di tích Cây Da đôi, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh) và nhiều bia chiến thắng, tượng đài anh hùng. Hằng năm, gắn với Ngày hội truyền thống văn hóa 1-7, lễ hội nghinh Ông xã An Thủy, lễ hội đình Phú Lễ và các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày mất các bậc danh nhân, anh hùng, du khách về Ba Tri rất thích thú với các loại hình văn hóa, văn nghệ sôi nổi, như: Hát sắc bùa, đờn ca tài tử, nói thơ Lục Vân Tiên, giới thiệu ẩm thực, trưng bày, triển lãm hình ảnh về đất và người Ba Tri...
Bình Thái
.
.
.