Vụ án Minh Phụng - Epco sau 10 năm nhìn lại (Phần 3)

Thứ Năm, 27/12/2007, 09:45
Kết quả định giá khối tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco từng gây nên cuộc tranh luận rất gay gắt trong quá trình tố tụng, chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã rơi lệ cay đắng ngay trong phiên tòa khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì "mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem"(?).

>> Vụ án Minh Phụng - Epco sau 10 nhìn lại (Phần 2)

Nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới có thể thấy, trong điều kiện thị trường cạnh tranh hết sức khốc liệt, sự phá sản của các doanh nghiệp là chuyện cơm bữa hằng ngày, ngay cả các tập đoàn kinh tế lớn cũng không phải là ngoại lệ, chẳng hạn như các trường hợp phá sản của Tập đoàn Enron (Mỹ), Tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc)…

Trong các vụ việc này vai trò can thiệp của Nhà nước bằng các công cụ kinh tế, thậm chí về hành chính là rất quan trọng và hiệu quả.

Hẳn chúng ta còn nhớ vụ Tập đoàn Năng lượng Enron (Mỹ) tuyên bố phá sản cuối năm 2001. Theo luật về phá sản của Mỹ, bất kỳ công ty nào của Mỹ tuyên bố phá sản đúng trình tự pháp luật đều sẽ được Chính phủ giúp đỡ.

Việc phá sản của Enron cũng mang tính chất hình sự, Chủ tịch HĐQT của Enron là Kenneth Lay và các nhân vật chủ chốt của tập đoàn này đều phải hầu tòa.

Nhưng riêng đối với doanh nghiệp, để tránh cho thị trường chứng khoán Mỹ khỏi cơn chao đảo, đồng thời giúp hơn 30.000 nhân viên của Tập đoàn Enron thoát cảnh "đứng đường", Chính phủ Mỹ đã trích ngân khố mua lại toàn bộ tập đoàn này, nhờ đó mà hiện Enron đã hoàn toàn hồi phục và phát triển, vững bước cùng sánh vai với các đại gia ngành năng lượng Mỹ và thế giới.

Mọi sự so sánh đều là khập khễnh, có thể các cơ quan Nhà nước của Việt Nam chưa đủ tiềm lực như Mỹ, để có thể hào phóng bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, tuy nhiên, trong hoàn cảnh của Việt Nam, các hình thức hỗ trợ hoặc tác động gián tiếp khác cũng có tác động tích cực không kém.

Chẳng hạn, sau vụ án Minh Phụng - Epco, việc xử lý nợ của Công ty Huy Hoàng (doanh nghiệp này cũng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ và có tính chất tương tự như Minh Phụng, nhưng tất nhiên số nợ nhỏ hơn nhiều), đã tỏ ra rất hiệu quả, không chỉ thu hồi đủ nợ mà còn tránh phải xử lý vụ việc theo trình tự tố tụng, ngăn ngừa những tác động xấu về kinh tế - xã hội có thể xảy ra nếu phải xử lý vụ việc theo phương thức này.

Nhưng bài học đắt giá qua vụ án này không chỉ dừng lại ở vai trò việc can thiệp của Nhà nước, ở phạm vi hẹp hơn chúng tôi cho rằng việc áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các vụ án kinh tế lớn, thậm chí các cơ chế được coi là "đặc biệt" khi Tòa án vận dụng để xử lý vụ án Minh Phụng - Epco cũng cần được nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm.

Nguyên tắc tố tụng từ trước tới nay, khi xét xử các vụ án hình sự, Tòa án có quyền giải quyết đồng thời về dân sự, hầu hết các vụ án hình sự đều áp dụng nguyên tắc xử lý này.

Bên cạnh vụ án Minh Phụng - Epco có thể kể rất nhiều vụ án kinh tế có tính chất phức tạp như: "Nước hoa Thanh Hương", "Tamexco", Mai Văn Huy" và sau này là các vụ án "Ngân hàng Việt Hoa", "Ngân hàng Nam Đô" v.v...

Việc áp dụng quy định về giải quyết trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự có ưu điểm là rút ngắn được tiến trình tố tụng, làm giảm chi phí về tiền bạc, công sức, thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các đương sự.

Tuy nhiên, trong các vụ án lớn, phức tạp, nếu chỉ vì muốn đáp ứng yêu cầu về "tiến độ" đưa ra xét xử đối với các bị cáo, mà phải hoàn tất toàn bộ hồ sơ vụ án để giải quyết phần tài sản và trách nhiệm dân sự ngay trong vụ án hình sự, thì nhiều khi những hậu quả xấu về pháp lý còn nguy hại hơn rất nhiều, điều này có thể thấy rất rõ ngay trong vụ án Minh Phụng - Epco.

Một vụ án mà bên cạnh tính chất đặc biệt nghiêm trọng như chúng tôi đã nêu, tổng số nợ phải thu nếu quy đổi trị giá vào thời điểm đó trên 500 triệu USD, với hàng trăm hợp đồng, khế ước, hằng trăm đương sự với vô số mối quan hệ phức tạp về dân sự, kinh doanh - thương mại, tài chính - tín dụng, đất đai... Vậy mà các Thẩm phán hình sự vừa xét xử về hình sự vừa phải giải quyết ngay về dân sự, chứ không tách riêng ra để giải quyết bằng vụ dân sự khác.

Chính vì lẽ đó phần quyết định về tài sản có rất nhiều sai sót. Ví như tài sản giao cho ngân hàng xử lý có cả phần tài sản (quyền sử dụng đất) chồng lấn diện tích, ranh giới với tài sản của vụ án lớn khác; hoặc có doanh nghiệp phải dở khóc dở mếu vì nếu chiểu theo phán quyết của Tòa phải trả nợ đến hai lần, vì Tòa "quên" khoản nợ đó đã được cấn trừ tài sản, rồi hàng loạt các trường hợp tài sản đã được tuyên xử lý nhưng trong quá trình thi hành án, TAND Tối cao phải ra quyết định Giám đốc thẩm và tái thẩm tuyên hủy.

Và cho đến thời điểm hiện tại, khi phần quyết định về tài sản trong vụ án Minh Phụng - Epco đã có hiệu lực thi hành đã hơn bảy năm, vẫn có nhiều khoản tuyên về tài sản đang được xem xét lại.

Trớ trêu hơn, có trường hợp phần tuyên của Tòa về trách nhiệm thu hồi khoản đầu tư của một doanh nghiệp có độ dài không quá ba dòng, nhưng Tòa án đã có tới bốn, năm lần ra văn bản giải thích nội dung thi hành, văn bản giải thích sau lại "đá" văn bản trước, làm cho cơ quan thi hành án dân sự cũng như các bên có nghĩa vụ chẳng biết đâu mà lần.

Thậm chí như Báo Lao động bình luận, theo văn bản giải thích trước thì chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ phải "xộ khám", nhưng đến văn bản giải thích sau, thì sẽ lại kẻ khác (phía doanh nghiệp) có nguy cơ đi tù(!?).

Kể ra điều này, chúng tôi hoàn toàn không có ý đánh giá thấp cơ quan xét xử và các Thẩm phán, mà chỉ muốn lưu ý rằng, dù xuất phát từ tính chất hình sự hay tranh chấp dân sự thông thường, các quan hệ tài sản mang những đặc trưng riêng và hết sức phức tạp, nhất là các quan hệ về tài chính - tín dụng, kinh doanh, thương mại hay đất đai, đòi hỏi phải có thời gian và thủ tục giải quyết riêng.

Hơn nữa, việc cân nhắc, đánh giá chứng cứ để đi đến quyết định về trách nhiệm dân sự hoàn toàn khác với đánh giá chứng cứ về hình sự nhằm định tội và lượng hình. Với những vụ án có quy mô và tính chất như Minh Phụng - Epco, nếu giải quyết cả về hình sự và dân sự trong một vụ án, thì có tài ba đến mấy, người cầm cân nảy mực cũng khó tránh được sai lầm.

So sánh với pháp luật tố tụng của nhiều nước, thì hầu như tất cả các quốc gia đều có quy định phần bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm tài sản trong vụ án hình sự, các bên phải khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác, chứ không giải quyết ngay trong bản án hình sự.

Về vấn đề định giá tài sản và giao tài sản để cấn trừ nợ trong vụ án Minh Phụng - Epco, đây được coi như một án lệ tiêu biểu, một "cơ chế xử lý đặc biệt" được Tòa án áp dụng riêng trong vụ án này.

Như chúng tôi đã đề cập, toàn bộ khối tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco đã được các cơ quan chức năng định giá rất cẩn trọng (có cả hội đồng với đủ đại diện các cơ quan có thẩm quyền).

Kết quả định giá này đã từng gây nên cuộc tranh luận rất gay gắt trong quá trình tố tụng, chắc hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã rơi lệ cay đắng ngay trong phiên tòa khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì "mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem"(?).

Nhưng dù có thế nào, về mặt hình sự kết quả thẩm định giá là một trong các chứng cứ quan trọng để định tội.

Cụ thể là đối với các bị cáo thuộc hai nhóm Minh Phụng và Epco, cùng các hành vi về mặt khách quan khác, giá trị khối tài sản thế chấp theo kết quả định giá thấp hơn rất nhiều so với tổng khoản nợ vay ngân hàng, là một trong các căn cứ kết án bị cáo phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Về dân sự, Tòa án cũng căn cứ giá trị tài sản để áp dụng phương thức xử lý nợ của hai nhóm Minh Phụng và Epco.

Theo đó, tổng số nợ theo các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh hoặc khoản nợ vay khác của 6 ngân hàng được cấn trừ bằng giá trị tài sản thế chấp trên 2.232 tỷ đồng. Số nợ còn lại (khoảng trên 4.000 tỷ đồng) bản án xác định "là số nợ còn thiếu sau khi cấn trừ tài sản thế chấp", do vậy các bị cáo và các doanh nghiệp của các bị cáo phải bồi thường.

 Điều đặc biệt là trong vụ án này, Tòa án đã tuyên giao toàn bộ số tài sản thế chấp cho các ngân hàng để quản lý, khai thác, phát mại thu hồi nợ.

Xin không bình luận về phần hình sự, riêng phần dân sự qua thực tiễn tổ chức thi hành án, quyết định của Tòa án về xử lý cấn trừ nợ và giao xử lý tài sản như vừa nêu, chúng tôi thấy rất đáng bàn.

Một là, quyết định của Tòa án cấn trừ nợ bằng giá trị tài sản thẩm định tại thời điểm xét xử vụ án, theo chúng tôi xét trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn, là điều rất bất hợp lý.

Có lẽ tất cả những người có kiến thức tối thiểu về kinh tế cũng đều sẽ ngạc nhiên là tại sao cả khối tài sản khổng lồ với trên 390 danh mục đất đai, nhà xưởng, kho tàng, biệt thự, văn phòng, v.v lại được Tòa án quy ra bằng một lượng tiền mặt cố định để cấn trừ nợ, hoàn toàn không tính đến những yếu tố biến động về giá trị, không đặt tài sản trong mối quan hệ thị trường, giá trị về khai thác, sử dụng và các giá trị gia tăng khác v.v và v.v.

Nói một cách nôm na, đến thế kỷ XXI, dường như Tòa án vẫn áp dụng phương thức cổ điển nhất của loài người về trao đổi giá trị, mà theo đó, hàng trăm danh mục bất động sản kể trên cũng chẳng khác gì những chiếc vỏ sò mà người nguyên thủy đã từng dùng để trao đổi hàng vạn năm về trước!

Lẽ ra, trường hợp này, trên cơ sở xác định tổng số nợ, Tòa án phải tuyên phương thức thu hồi nợ căn cứ vào giá trị thực tế tài sản thời điểm xử lý, cộng với giá trị khai thác, sử dụng v.v  thì mới bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên (các ngân hàng và hai nhóm bị cáo)

Nguyễn Công Long (Còn nữa)
.
.
.