Voi Buôn Đôn chết vì “làm du lịch”

Thứ Năm, 04/08/2005, 09:57

"Thương hiệu" voi Buôn Đôn đã thu hút một lượng khách đáng kể đến vùng du lịch sinh thái này. Người ta bắt chúng phải kiếm tiền để tự nuôi mình và nuôi chủ. Tuổi thọ của một chú voi trung bình khoảng 70 đến 90 năm thế mà chuyện voi chết yểu không phải là hiếm ở Buôn Đôn nữa.

“Con Pọc nhà Ma Den vừa chết, nó làm ma to lắm, A Ma Kông đang cúng”, H'Nhiu rỉ tai tôi: “Mày đến không, tao đưa đi”. Thế là tôi có mặt ở ngôi nhà sàn cũ kỹ của Ma Den, từ ngoài vào trong, sàn nhà rộng khoảng 60 m2 đầy chật người là người. Người già, đàn ông tập trung bên ngoài uống rượu cần, ăn thịt heo và an ủi ông chủ con voi xấu số. Bên trong, phụ nữ và trẻ con cũng túm năm tụm ba nhìn ra ngoài.

“Tiếc con voi một thì cũng lo cho cuộc sống một thôi”, Ma Den sụt sùi, “Nó là lao động chính, kiếm tiền nuôi cả nhà tao mà. Bây giờ không tìm đâu được nữa rồi, ơi Pọc là Pọc ơi”. A Ma Kông, ông “vua” voi không vương miện với thành tích 298 con voi rừng bị khuất phục dưới đôi tay của ông về Buôn Đôn làm thành đàn “thú” khổng lồ giờ cũng có mặt trong ngôi nhà Ma Den. Voi không chỉ là con vật nuôi thân thuộc, nó trở thành linh vật đối với người Buôn Đôn rồi.

Ngà ngà say, Ma Tun rỉ tai: “Ngoài lễ làm ma voi, Ma Den nó còn phải làm thêm hai cái lễ nữa. Một là tạ lỗi với các thần, với buôn làng vì để voi chết trong rừng, bị lấy trộm mất cái đuôi, hai là cảm ơn người làng đã đến chia sẻ lúc hoạn nạn”. Trong ba lần hành lễ này, lễ cúng ma cho voi là tốn kém nhất, thường là một con trâu và hàng chục vò rượu..., còn hai lễ kia thì chỉ 1 - 2 chú heo cỡ chừng dăm, bảy kilô.

Con Pọc được Ma Den mua về chục năm nay, nó giúp nhà Ma Den kiếm được bao nhiêu là tiền nên làm ma cho nó kể có tốn kém một chút cũng không sao. Nhưng từ nay không có nó đi tour, Công ty Du lịch Biệt Điện, nơi có hợp đồng với Pọc cũng mất một “voi lực” đáng kể.

A Ma Kông, nay đã 90 tuổi, có lẽ là người già nhất còn lại ở Buôn Đôn gắn bó với những con voi từ lúc chúng “chưa có ngà” và bị bắt về buôn. Từ ngày đôi tay không còn cầm được sợi dây chão bện bằng da của ba con trâu lớn để đi bắt voi rừng, A Ma Kông chú tâm hơn vào nghiên cứu các bài thuốc và các bài “thần chú” cúng voi. Nôm na là cúng voi chứ ông cúng tất tần tật các thứ có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi: Yàng, thần rừng, thần sông, ma núi, lá cây, ngọn cỏ; cúng lễ hội, ma chay, lễ xuất quân... voi mùa du lịch, ai mời ông cũng đi.

Căn nhà nhỏ của ông trên đường vào khu du lịch Buôn Đôn giống như một bảo tàng với hàng trăm bức ảnh chụp ông và... voi. Ngoài ra, ngôi nhà cũng là một hiệu thuốc đông y với phương thuốc nổi tiếng nhất là “Tráng dương ích thận”, người dân khắp nơi gọi nôm na là thuốc A Ma Kông, ông “Vua” một thời vẫn gắng đem chút sức tàn gợi lại những ngày huy hoàng của Buôn Đôn, của những đàn voi hoành tráng bước đi dưới bóng rừng già.

Voi Buôn Đôn sắp biến mất trên bản đồ voi Tây Nguyên?

Nghề săn bắt voi ở Buôn Đôn đã có từ lâu rồi, từ thời những nhóm người Lào di cư sang bám vào ven dòng Sêrêpôk và chọn nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng làm kế sinh nhai. Một người có thành tích bắt và thuần hóa hơn 340 con voi được “phong vương” - Khun Ju Nốp tên là N'Thu Knul, hay còn gọi là Y Thu. “Vua” voi cũng là người mang đến cho các lễ hội của người Ê Đê, Gia Rai, Mơ Nông... bản địa những hình thái mới mà nhân tố quan trọng đó là sự xuất hiện của những con vật vốn không thuộc về các buôn làng bé nhỏ.

Cháu của “vua” Y Thu là Y Prông Êban cũng theo nghiệp ông mình đưa được 302 con voi rừng về nhà. “Thời các cụ ấy và cả đến thời tôi còn trẻ, đi bắt voi để mang sang Lào, Miến Điện, Thái Lan bán hoặc đổi lấy trâu, bò cho buôn làng, người nào có nhiều voi là những người giàu có”.

Từ thời những chú voi bị đưa đi làm du lịch, chỉ thấy người ta nhắc đến chuyện làm thế nào để quy hoạch đường tour cho voi đi được nhanh, được nhiều chuyến và làm bành cho voi chở được nhiều người chứ không thấy ai bàn đến cách để giữ và phát triển đàn voi nhà còn lại. 5 năm trước, con voi Khâm Thương của A Ma Kông chết già, năm sau, con voi nhà Ma Nhít bị sụp hầm trên sông, chết ngạt, năm nay đến lượt voi nhà Ma Den...--PageBreak--

Chuyện con voi nhà Ma Den thật thương tâm, nó đã chết hụt một lần vào năm kia khi Ma Den buộc nó gần suối trong rừng. Nước lũ về, ngập đến mang tai, nó vươn vòi rú thảm thiết, may là Ma Den ra kịp, lặn xuống tháo xích cứu được. Còn năm nay, mới có 2 hôm không ra thăm, con Pọc đã lăn ra chết, kẻ xấu thấy được đã chặt mất cái đuôi. Không hiểu những chiếc nhẫn lông đuôi voi bày bán đầy các điểm du lịch, khách sạn ở Đắk Lắk có chiếc nào của nó không?

Trước hết, phải có kế hoạch bảo tồn đàn voi nhà, A Ma Kông nói lại lần nữa. Còn nhớ, năm 2002, khi lên Truyền hình Việt Nam trong mục “Người đương thời”, ông cũng đề cập đến chuyện này. Mấy năm rồi, có ai chịu nghe lời tâm huyết ấy của ông “vua” voi đâu. Người ta cứ coi con voi là của riêng người Buôn Đôn mà nghiễm nhiên khai thác đến hết sức voi thì thôi, còn chăm sóc, bảo vệ voi là việc của người chủ sở hữu nó.

Thời huy hoàng nơi đây có hàng trăm thớt voi, nhiều khi tổ chức vài ba đội săn, những nhà giàu có hàng chục thớt voi, hàng trăm bộ cồng chiêng... mà chẳng ai phải lo thức ăn cho voi như bây giờ. Ký hợp đồng với các công ty du lịch, chủ voi đành lấy tiền ấy nuôi voi và đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Du khách cũng vì thế mà được thưởng thức thú cưỡi voi đi thăm rừng, lội sông Sêrêpôk... Nhưng chẳng biết còn đến lúc nào, bởi những chú voi con Buôn Đôn ngày nào đã lên lão mất rồi.

“Nói thật ra, nếu như được phép thì rừng đại ngàn cũng chẳng còn nhiều voi để người Buôn Đôn đi bắt”, A Ma Kông buồn rầu tâm sự, “Vừa rồi tôi vào rừng tìm cây thuốc, thấy rừng mất nhiều quá, còn đâu chỗ cho voi ở nữa. Tôi buồn rơi nước mắt, sợ cho con voi sắp biến mất rồi”.

Và có lẽ cứ đà này, thế hệ sau tôi đến Buôn Đôn có căng mắt ra cũng chẳng thấy bóng voi đâu...

Trần Hồng Giang
.
.
.