Vĩnh biệt những mùa hoa thuốc phiện (tiếp theo và hết)
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi Cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát biểu: "Cuối cùng tôi đề nghị cấm hút thuốc phiện".
Cùng với chính sách dùng thuốc phiện để mê hoặc và nô dịch người dân Đông Dương, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách nguy hiểm, thâm độc “Chia để trị” và hình thành hàng loạt ông vua ở vùng Việt Bắc, Tây Bắc Việt Nam, các vùng núi cao Lào: “vua” Thái Đèo Văn Long với xứ Thái ở Sơn La, Lai Châu, vua Mông Hoàng A Tưởng ở Lào Cai, vua Mông Vương Chí Sình ở Đồng Văn, Hà Giang, vua Tubi Lyphong ở Xiêng Khoảng, Lào, v.v... Mỗi ông vua này được người Pháp giao toàn quyền cai quản chính quyền và nhân dân trong khu vực tự trị của mình, đồng thời cũng toàn quyền cai quản việc canh tác và thu mua thuốc phiện.
Một trong những sĩ quan Pháp là Đại úy Roger Trinquier đã tổ chức những chiến dịch, dùng không lực Pháp chở thuốc phiện từ Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam về Sài Gòn. Tại đây, thuốc phiện được bán cho quân đội Bình Xuyên và các tổ chức mafia gốc Corse. Năm 1954, Thủ tướng chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm cho phép tướng Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) thủ lĩnh Bình Xuyên tự do buôn bán thuốc phiện, tổ chức mại dâm và cờ bạc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện"
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước nhiều thứ giặc đã và đang đe dọa sự trường tồn của dân tộc và vận mệnh của đất nước, đã nhấn mạnh: "Cuối cùng tôi đề nghị cấm hút thuốc phiện" và xác định phòng chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền mới.
Ngày 5/3/1952, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 150/TTg quy định việc xử lý đối với những hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện. Điều 1, 2, 3, 4 của Nghị định này quy định khoanh vùng trồng cây thuốc phiện. Người trồng cây thuốc phiện có nghĩa vụ nộp thuế bằng hiện vật là 1/3 số thuốc phiện nhựa, phần còn lại phải bán toàn bộ cho mậu dịch quốc doanh. Nghiêm cấm việc tàng trữ, vận chuyển nhựa thuốc phiện.
Cocain dạng bột. |
Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 225/TTg ngày 22/12/1952 quy định những người có hành vi vi phạm việc quản lý thuốc phiện sẽ bị xử lý như: tịch thu thuốc phiện tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép; phạt tiền từ 1 đến 5 lần trị giá số thuốc phiện lậu. Người vi phạm có thể bị truy tố trước Tòa án nhân dân.
Từ 1954 ngay khi hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng hệ thống pháp luật mới, trong đó có công tác phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu ma túy, phòng chống thuốc phiện. Sau ngày miền Bắc giải phóng, Nhà nước đã có chủ trương hạn chế trồng cây thuốc phiện. Nhưng từ năm 1965 đến 1966 trở đi do nhu cầu dược liệu trong nước, cây thuốc phiện đã được trồng trở lại ở 12 tỉnh, 63 huyện, 643 xã với hơn 268.000 hộ dân.
Vào vụ thuốc phiện năm 1985-1986, diện tích trồng cây thuốc phiện đã lên tới con số cao nhất 19.000 ha với sản lượng thu hoạch mỗi năm là 53-54 tấn. 6 tỉnh trồng cây thuốc phiện nhiều nhất, trên 1.000 ha, là Hà Giang với 4.563 ha, Sơn La với 3.552 ha, Nghệ An với 3.328 ha, Lai Châu (cũ) với 2.121 ha, Cao Bằng với 1.671 ha, Yên Bái với 1.540 ha.
Từ thứ “vàng đen” này, đã nảy sinh ra biết bao nhiêu điều: chỉ trong 643 xã trồng cây thuốc phiện đã có tới 30.028 người nghiện hút ma túy, chiếm 0,24% dân số của 643 xã này. Phần lớn số người nghiện ma túy trong lứa tuổi lao động từ 30 - 59, cá biệt có cả trẻ em dưới 10 tuổi cũng nghiện ma túy. Hầu hết các hộ trồng cây thuốc phiện thuộc loại trung bình và nghèo, 83,3% đồng bào trồng cây thuốc phiện không có điện. Vùng cao nơi đồng bào có tập quán trồng cây thuốc phiện là nơi có tỉ lệ đói nghèo cao nhất so với các vùng khác trong cả nước (40%).
Vì mục tiêu: Việt nam không còn cây thuốc phiện vào năm 2006
Nghị quyết 06/CP của Chính phủ ngày 29/1/1993 về Tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, đã đánh dấu một bước chuyển mới của 12 tỉnh miền núi trồng cây thuốc phiện. Chính phủ đã thực hiện Chương trình quốc gia 06/CP về phòng chống và kiểm soát ma túy với nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu quan trọng: xóa bỏ hoàn toàn và phát triển thay thế cây thuốc phiện ở nước ta.--PageBreak--
Hơn 10 năm qua, công tác giải quyết vấn đề cây thuốc phiện đã được Đảng và Nhà nước ta đặt thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vừa phá bỏ, loại trừ triệt để cây thuốc phiện, vừa tiến hành chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thay thế cây trồng, vật nuôi. Từ 19.000 ha diện tích trồng cây thuốc phiện vụ 1985-1986, đến vụ 2004-2005 cả nước chỉ còn hơn 30 ha trồng cây thuốc phiện ở vùng sâu, vùng xa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, từ 2002 - 2004, toàn tỉnh chỉ có 9 xã thuộc 3 huyện giáp ranh là Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Căng Chải tái trồng cây thuốc phiện nhưng với diện tích cây thuốc phiện tái trồng lên đến gần 30 ha. Cụ thể: 6 xã Tà Xí Láng, Làng Nhì, Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái), bà con dân tộc đã tái trồng 39,9 ha thuốc phiện; Xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) tái trồng 0,25 ha...
Những xã này đều là những xã giáp ranh với các tỉnh Sơn La, Lào Cai, heo hút, xa trung tâm nên khi phát hiện cây thuốc phiện thì biện pháp gần như là duy nhất của lực lượng chức năng là triệt phá chứ không thể xử lý được đối tượng nào. Phải nỗ lực lắm, trong 2 năm qua, các lực lượng chức năng Yên Bái mới phát hiện được một trường hợp dân xã Khe On (Than Uyên, Lào Cai) sang xã Chế Cu Nha (Mù Căng Chải, Yên Bái) trồng 1.650 m2 cây thuốc phiện và một trường hợp dân xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) vượt sang xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) lén lút trồng 1.750 m2 cây thuốc phiện. Đó là những trường hợp bị phát hiện. Còn lại những trường hợp khác, chính quyền chỉ còn biết vận động, giáo dục người dân.
Nguyên nhân dẫn đến việc tái trồng thuốc phiện chính là trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở các xã giáp ranh. Do chính quyền buông lỏng quản lý, lại thấy cái lợi trước mắt, nhiều bà con đã lợi dụng địa hình, địa thế tái trồng cây thuốc phiện. Thêm nữa, việc giáo dục tuyên truyền, vận động cho bà con về tác hại của việc trồng cây thuốc phiện ở một số nơi còn làm chưa chặt chẽ. Việc xóa bỏ cây thuốc phiện chưa làm đồng bộ giữa các xã, huyện, tỉnh giáp ranh.
UBND 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La thống nhất phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc quản lý địa bàn giáp ranh: Khảo sát, nắm tình hình các xã có hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện để thống nhất biện pháp xử lý. ở đây, vai trò của đội ngũ cán bộ xã là chủ yếu. Họ phải tuyên truyền, vận động cho người dân, tổ chức ký cam kết không trồng cây thuốc phiện, không xâm canh sang tỉnh khác trồng cây thuốc phiện, đồng thời tổ chức các biện pháp chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xóa bỏ ngay diện tích thuốc phiện mới trồng. Các xã giáp ranh có trách nhiệm phối hợp, thông tin về việc tái trồng, xâm canh trồng cây thuốc phiện trong địa bàn của nhau...
Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái Nguyễn Hoàng Hà cho biết: “Việc ra đời quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La chưa thể làm dừng ngay quá trình tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn giáp ranh 3 tỉnh nhưng đó là một phương hướng chỉ đạo tốt. Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành cần nghiên cứu, đầu tư thoả đáng cho các xã giáp ranh này nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chỉ khi người dân có được cuộc sống tương đối ổn định thì việc tái trồng cây thuốc phiện sẽ không còn”.
Đây không chỉ là kiến nghị mà cũng là băn khoăn của những người cán bộ tâm huyết với sự nghiệp phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi. Cần tiếp tục thực thi một chính sách đồng bộ, bền vững, ổn định đối với đồng bào dân tộc vùng cao, vùng sâu vùng xa để họ yên tâm sản xuất, không vướng vào các hủ tục lạc hậu hay vi phạm pháp pháp luật trong việc trồng, tái trồng, xâm canh cây thuốc phiện như thời gian qua ở 60.000 - 62.000 hộ nông dân là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 186 xã tái trồng cây thuốc phiện trong 3 năm gần đây thuộc địa bàn 41 huyện của 10 tỉnh miền núi và có miền núi; chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú...