Vì sao giới trẻ lại ưa sử dụng cần sa?

Thứ Ba, 25/06/2019, 19:11
Cần sa là một loại cây nhỏ, có hoa, tên khoa học là Conlabis Sativa. Phần lá và hoa của nó được phơi khô để hút hoặc nhai, làm cho cơ thể say sưa quên thực tại. Nhựa, lá và hoa của cần sa được chiết ra, cô lại thành từng bánh dùng để hút, có tác dụng mạnh hơn nhiều việc sử dụng ở trên. 

Cần sa có tới 400 hóa chất và khi hút thì có 160 chất sẽ theo khói vào phổi và cơ thể, chủ yếu là chất gây nghiện của loại ma túy…Cần sa là chất độc làm hủy hoại cơ thể và nhân cách.

6 tháng đầu năm 2019, theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, tại TP Hà Nội đã phát hiện và xử lý khoảng 150 vụ việc liên quan đến hành vi mua, bán trái phép, tàng trữ, sử dụng cần sa (là ma túy cấm). 
Cơ quan Công an thu giữ 2 loại bánh chứa chất cần sa.

Trong đó, chủ yếu tập trung tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy (chiếm tới 70 đến 80 vụ). Trong số này, đối tượng sử dụng từ 18 đến 24 tuổi. 

Lý giải điều này, Công an Hà Nội cho biết, do những quận này tập trung nhiều học sinh, sinh viên; đồng thời mua, bán cần sa ở đây giá rẻ, tiện lợi.

Theo dân nghiên, dân chơi khi sử dụng cần sa gọi bằng tiếng “lóng” là “pin”. Nếu sử dụng khô chỉ cần dùng bằng chiếc điếu cày bên quán trà đá là có thể dễ dàng sử dụng được cần sa. Ngoài ra, một số đối tượng mua bán, còn chế biến cần sa dưới dạng bánh quy, bánh ngọt để che giấu, tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. 

Điển hình, ngày 13-5, tại khu đô thị Goldmark City, phường Phú Diễn, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện, kiểm tra đối tượng Tô Minh Long (SN 2000), trú tại Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà  Nội và Nguyễn Hoàng Duy (SN 2000), trú tại Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân (Hà Nội). 

Cơ quan Công an thu giữ tại chỗ 4 hộp giấy, bên trong chứa 33 viên hình tròn, màu xanh, có kích thước 3x3cm, 3x6cm là ma túy loại có chất Delta-9-Tetrahydrocanabinol (chất này có trong lá cần sa) với tổng khối lượng hơn 400g. Ngoài ra, tổ công tác tiếp tục thu giữ  3 chiếc bánh màu nâu chứa trong các túi màu vàng (có chất ma túy loại Delta... nêu trên). 

Mở rộng điều tra, khám xét nơi ở thu giữ 11 hộp giấy màu vàng chứa 66 viên hình tròn màu xanh, nâu đều có chất ma túy, với khối lượng là hơn 900g và 3 bánh màu nâu hình tròn; thu 3 hộp nhựa, bên trong chứa 33 viên tròn màu xanh, nâu (có khối lượng 300g)… 

Vụ thứ 2, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Cầu Giấy kiểm tra tại khu vực đầu ngõ 118 Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy). 

Tại đây, tổ công tác kiểm tra đối tượng Nguyễn Hữu Nam Hùng (SN 1999), trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, thu giữ 8 túi đều là cần sa và 3 bánh hình tròn màu nâu đều có ma túy loại Delta... 

Cơ quan điều tra cho biết, 2 loại bánh hình tròn và hình chữ nhật này là loại bánh ngọt đã được các đối tượng tẩm cần sa, khi giới trẻ ăn vào cũng như sử dụng ma túy.

Đáng chú ý, Đội CSĐT tội phạm ma túy Công an quận Hoàn Kiếm bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình, nhân viên quán Bar JoJo, (ngõ Đào Duy Từ), đang bán cần sa cho khách. 

Tại thời điểm kiểm tra, có một nữ khách hàng đang sử dụng cần sa ngay tại quầy Bar. Mở rộng điều tra, được biết do kinh doanh không hiệu quả, nên Jonanthan (chủ quán Bar JoJo) đã tìm cách bán cần sa để hút khách giới trẻ.

Các đối tượng Trần Tuấn Minh, (trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương và Nguyễn Thanh Bình (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) tham gia buôn bán cần sa. Bằng hoạt động "kinh doanh" vi phạm pháp luật nêu trên, Jonanthan thu lợi mỗi tháng gần 100 triệu đồng. Số lợi nhuận này được chia cho Bình 20 triệu đồng và trả công cho Minh 5 triệu đồng. 

Theo khai nhận của Jonanthan, số cần sa được mua của một nam thanh niên không rõ danh tính với giá 2 triệu đồng 100 gam, về chia lẻ mỗi gói 5 gam bán với giá 200 ngàn đồng.

Ở Hà Nội, giới trẻ sử dụng cần sa “pin” vừa dễ mua, vừa rẻ tiền nhưng lại thể hiện “đẳng cấp”, tò mò, muốn kích thích cơ thể để xem sự phản ứng thế nào.

M.Khoa – M.Hiền
.
.
.