Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ & những dòng thơ viết giữa rừng
Nhận tập tuyển “Thi tướng Chiến khu xanh” của nhà nghiên cứu Nguyên Hùng, do Nhà xuất bản CAND phát hành, dày 266 trang, từ tay anh Huỳnh Văn Nam, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP HCM - con trai của tướng Huỳnh Văn Nghệ - không ai lại ngờ rằng cuộc đời một tướng quân lại phong phú đời thơ thế. Và khi cầm trong tay cuốn sách này, ai lại không muốn đọc thơ của người lính cũng như nhiều trang thơ viết ở rừng… ra xem. Ở đây dũng tướng Huỳnh Văn Nghệ tuy đang hàng ngày làm nhiệm vụ giữa rừng sâu, song tâm hồn người lính đó thì hoà vào với muôn vàn nỗi lo người lính chân chất, mộc mạc, nghĩa tình… đều viết trong rừng sâu.
Đây, ta hãy nghe tướng quân Huỳnh Văn Nghệ, khi nhớ về xứ đất Bắc, nơi thiêng liêng tấm lòng bà con đất Bắc, mà ông đã từng được ra để học tập: “Buổi sáng chào cờ nhìn về xứ ấy/ Thề lấy lại những gì đã mất/ Máu xâm lăng phải tưới đỏ quê hương/ Giải phóng đồng bào trăm nhớ ngàn thương…” (Bức thư nhà). Hay khi hồi âm nhớ đất Bắc: “Vẫn nghe trong máu buồn xa xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương/ Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long…”. (Nhớ Bắc).
Thật là hồn thơ rộng mở của người dũng tướng khi trong rừng sâu chỉ huy hàng đoàn quân, đánh giặc xâm lăng mà tướng Huỳnh Văn Nghệ lại nghĩ thật như lòng mong mỏi của toàn dân ta: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long…”. Thật cao cả song rất tình người - mang gươm đi mở cõi song không bao giờ quên được “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” nơi ấy là tổ tiên của dân tộc, là nơi mà hình bóng của Bác Hồ kính yêu luôn nhìn và nghĩ về miền Nam, mà mỗi ngày trong ông, hình bóng đó như nhắc nhở người cầm quân: “Nhớ ngày đầu kháng chiến/ Giữa thành phố Sài Gòn/ Một chiến sĩ bị thương/ Lấy máu mình đang chảy/ Tô lên tường năm chữ/ “Thành phố Hồ Chí Minh” – như vậy cái tên của thành phố Hồ Chí Minh từ ngày đầu đánh Pháp, Tư lệnh Nam Bộ đã có ý định đặt cho thành phố mang tên Người – ơi Người ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc ta.
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ khi là Khu trưởng Khu 7 (ảnh của gia đình). |
Tuy nhiên, nhớ về thơ của dũng tướng Huỳnh Văn Nghệ là ta nhớ về những điều bình dị như cuộc đời người lính giữa rừng. Bài thơ “Tiếng hát giữa rừng”, khi ông đang là tướng lĩnh cầm quân, lại như là người lính dung dị như bao người lính: “Ngựa hồng dừng chân/ Bên quân y viện/ Giật mình nghe tiếng Quốc ca vang/ Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng/ Hay hội nghị cơ quan?/ Sao chỉ có một người cất giọng/ Ai hát đi hát lại nhiều lần/ Xuống ngựa buộc cương/ Hỏi ra mới biết/ Bác sĩ đang cưa chân/ Một thương binh bằng cưa thợ mộc/ Bác sĩ vừa cưa, vừa khóc/ Chị cứu thương nước mắt tràn trề/ Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre/ Người chiến sĩ vẫn mải mê hát/ Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi từng giọt đỏ bông…”. Hay là khi một mình nghe ông tự sự với cánh rừng già mà ông đang đóng quân: “Rừng đẹp như một bài thơ cổ/ Cành cao, vượn hú/ Ríu rít tổ chim/ Bờ suối đổ hoa sim/ Thảm cỏ xanh điểm vàng quá bứa/ Đêm trăng một người một ngựa/ Lóng cương cho gió ráo mồ hôi”…(Rừng đẹp).
Thật là một tâm hồn phong phú, đầy nhạy cảm của một vị tướng quân, khi nhìn thấy từ cái thảm cỏ xanh, con vượn hú… đến những vàng quá bứa, chua mà ngọt tình rừng với lính đang trong rừng sâu, giúp ông và những người lính làm bổn phận của chính mình. Hay là nói về tình nghĩa giữa người lính và đất rừng, khi người lính ngã xuống, mà một tướng lĩnh cầm quân, ai lại không đau lòng, như ông thấy một hành động quả cảm vô song của người lính: “Nhớ ngày đầu kháng chiến/ Giữa thành phố Sài Gòn/ Một chiến sĩ bị thương/ Lấy máu mình đang chảy/ Tô lên tường 5 chữ/ Thành phố Hồ Chí Minh/ Rồi mới đành lòng tắt thở…” (Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ).
Tuy đến nay do nhiều lý do, những bài thơ của tướng Huỳnh Văn Nghệ vẫn chưa sưu tầm hết trong đời lính tại chiến trường gian khổ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Song những gì mà ông tâm huyết, để lại cho đời vẫn nung nấu cho những người đọc, người cầm bút hôm nay. Ta hãy nghe ông tâm sự, như nói với mai sau: “Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ/ Gót Cà Mau đầu tận Ải Nam Quan/ Cửu Long Giang buông dài dòng sóng tóc/ Dựa Trường Sơn đứng gác Thái Bình Dương/… Giặc cướp nước đánh hơi từ 4 phía/ Kéo về đây thực hiện mộng tham tàn/ Tên núi tên sông trở thành tên chiến địa/ Chống xâm lăng thành truyền thống nhân dân/ Gặp thời loạn mẹ phất cờ khởi nghĩa/ Bầy con ngoan đứng dậy diệt quân thù…” (Mẹ Việt Nam)
Đọc “Thi tướng Chiến khu xanh” ta như thấy tâm hồn người lính hoà vào hồn của Tổ quốc non sông, mà ý chí những người lính Cụ Hồ đã hoà cả vào người tướng lĩnh đang cầm quân từ Khu trưởng Khu 7, rồi đến Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 7, thủ lĩnh Tỉnh đội Thủ Biên và về Trung ương Cục miền Nam. Ngày 17/4/2010, ông đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nay tuy ông đã mất hơn 40 năm, nhưng mỗi khi đọc lại những dòng thơ đó, ta như lạc vào những tâm sự của đời lính thật mộc mạc, chân chất… của ông là một Huỳnh Văn Nghệ, từ nhiệm vụ người chiến sĩ và sứ mệnh thi sĩ đã hoà quyện với nhau, như chính lời ông viết:
...Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,
Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.
Đời chiến sĩ máu hoà lệ, mực
Còn yêu thương là chiến đấu không thôi
Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi
Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.
Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,
Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…” (Thi tướng Chiến khu xanh)