Từ trẻ lang thang thành bác sĩ cứu người

Thứ Năm, 14/08/2008, 08:36
Điểm xuất phát cơ hàn nhưng nhờ nỗ lực của bản thân, cậu bé mồ côi Trần Thế Dũng nay đã là bác sĩ. Thành tài, không quên quá khứ cơ hàn, anh dang rộng vòng tay với những trẻ em bụi đời, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối và nhiều cảnh đời khốn khổ.

Bán đĩa làm từ thiện

Tôi gặp bác sĩ Trần Thế Dũng nhân chuyến anh làm Trưởng đoàn y bác sĩ thiện nguyện đến khám và chữa bệnh cho bà con người dân tộc H'rê ở xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Ấn tượng về một bác sĩ không ít lần chìa số điện thoại, địa chỉ cho những bệnh nhân nghèo kèm lời dặn "nếu có khó khăn hãy cứ alô" đã thu hút sự chú ý của nhiều người trong đoàn.

Bác sĩ Trang Xuân Chi (Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định), bật mí: "Đây là lần thứ 3 bác sĩ Dũng đến khám chữa bệnh từ thiện tại Bình Định. Đoàn của bác sĩ gồm những y bác sĩ đang hoạt động tại các phòng khám, bệnh viện tranh thủ thời gian rỗi vào cuối tuần tìm đến những vùng gian khó, nơi điều kiện y tế còn khó khăn đặng chăm lo cho sức khỏe đồng bào".

Bác sĩ Dũng cho biết: "5 tuổi trở thành cô nhi và được nuôi dưỡng tại Cô nhi viện Quế Sơn (Đà Nẵng). 10 tuổi rời cô nhi viện sống nơi đầu đường xó chợ. Hằng ngày, ngoài thời gian đi chăn trâu, chăn bò, tôi còn kiếm sống bằng việc đi thu nhặt ve chai. 12 năm học phổ thông, tôi chưa một lần cắp cặp đến lớp. Một chị ở gần nhà thấy tôi có hoàn cảnh đáng thương và hiếu học đã âm thầm kèm cặp, đến kỳ thi chị giúp làm các thủ tục đi thi".

Học xong lớp 12 và thi đậu vào Trường Y dược Đà Nẵng, sau khi ra trường, Dũng khăn gói vào Sài Gòn học chuyên tu. Đến năm 2004, anh ra trường. Ra trường, trong khi nhiều bạn đồng nghiệp tìm kiếm công việc ổn định ở các bệnh viện lớn thì bác sĩ Dũng xin làm không lương cho một phòng khám tư nhân với nhiệm vụ tư vấn, khám chữa bệnh cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Bên trong phòng mạch dột nát nhưng tràn ngập tình yêu thương. Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Miệt mài rong ruổi ở những nơi gian khó khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo, thật bất ngờ khi chúng tôi biết khoản kinh phí thực hiện các chuyến đi đều do bác sĩ Dũng bỏ tiền túi. "Bác sĩ làm không lương, vậy lấy tiền đâu làm từ thiện?". Nghe hỏi, anh cười: "Hồi còn là sinh viên và hiện tại, tôi có mở một tiệm kinh doanh băng đĩa lấy tên Sinh Viên. Có lẽ do trời thương nên tiệm kinh doanh cũng khá. Nhờ vậy tôi mới có điều kiện lo cho gia đình và giúp đỡ những người khác".

Phòng mạch có một không hai

Tiệm đĩa Sinh Viên của bác sĩ Dũng nằm trên đường Bạch Đằng, quận Gò Vấp. Đây cũng chính là phòng mạch của anh. Điều kỳ ngộ ở chỗ phòng mạch này chỉ đón tiếp những bệnh nhân khó khăn. Họ là người ở xứ Quảng quê anh, cũng có khi là bệnh nhân nghèo khó được bác sĩ giàu lòng nhân ái "nhặt" tại các bệnh viện hay do ai đó ký gửi. Hôm chúng tôi ghé thăm, phòng mạch của anh có một bệnh nhân 18 tuổi tên Hải bị ung thư máu, quê ở Bến Tre lưu trú.

"Bố mẹ làm thuê, nhà thằng bé lại đông anh em nên không có điều kiện chăm sóc, chữa bệnh cho cháu. Mình có quen một số bác sĩ chuyên về lĩnh vực này nên giữ thằng bé lại đặng xem có cách nào giúp cháu không?".

Ông Lê Phùng, hàng xóm lúc ghé thăm, lắc đầu: "Phòng mạch này có lúc nào ngớt người đâu. Vòng ngoài khách lựa đĩa, vòng trong chủ tiệm khám bệnh, dỗ dành bệnh nhân. Lúc đầu, thấy phòng mạch mà lại kinh doanh băng đĩa, còn bệnh nhân thì già trẻ lớn bé lúc nhúc nên bà con sinh nghi nói với Cảnh sát khu vực. Chừng biết rồi ai cũng ủng hộ bác sĩ Dũng".

Cũng vì ở gần nên ông Phùng biết nhiều chuyện có liên quan đến bác sĩ Dũng mà đã có lúc ông cho là kỳ quái. "Sau giờ bán đĩa, khi nhà nhà đóng cửa tắt đèn thì bác sĩ Dũng phóng xe đến các trung tâm HIV/AIDS đến 2-3h sáng mới về. Còn chuyện đưa trẻ bụi đời về nhà thì rất thường xuyên".

Chị Huỳnh Kiều, hiện đang công tác tại Văn phòng luật sư Hợp Danh Ecolaw, một trong những người thường xuyên sát cánh cùng anh trong các chuyến rong ruổi đường xa, tâm tình: "Không chỉ chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại các trung tâm, anh còn trực tiếp đưa họ về nhà khám chữa trị. Mình đã đi qua nhiều phòng mạch nhưng chưa thấy nơi đâu lạ như phòng mạch của bác sĩ Dũng. Nơi đó chứa đựng ân tình và sự đồng cảm sâu sắc của bác sĩ với những thân phận cơ hàn, yếu đuối mà chỉ những người trải qua năm dài tháng rộng với điều đó mới có sự đồng cảm mãnh liệt như vậy".

Người cha thầm lặng

Xúc động nhất khi chúng tôi biết được thông tin bác sĩ Dũng làm cha nuôi, cha đỡ đầu của nhiều đứa con. Anh tâm tình: "Tôi xuất thân từ trẻ mồ côi nên hiểu những đứa trẻ đồng cảnh luôn khát khao được gọi "mẹ, cha" như thế nào. Từ điểm xuất phát và do biết tôi có hấp lực với đám trẻ nên người phụ trách các cô nhi viện, cơ sở chăm nuôi trẻ mồ côi, trẻ nhiễm HIV/AIDS thường mời tôi làm cha đỡ đầu cho các em.

Tiếng là làm cha nhưng tôi không thể chăm lo cho đàn con chu đáo được. Có cháu tôi chỉ làm người giám hộ về mặt tinh thần, có cháu tôi gửi một phần chi phí trông nuôi. Sức mình đến đâu thì lo cho các cháu đến đấy".

Câu chuyện với bác sĩ Dũng gián đoạn vì đến giờ bác sĩ phải đến Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh uống thuốc chống phơi nhiễm. Hỏi ra mới biết đây là lần thứ 2 bác sĩ đứng trước tình thế lâm nguy vì bị tai nạn trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Dũng tâm sự, anh đang có kế hoạch thành lập một cô nhi viện để có điều kiện giúp đỡ nhiều cô nhi hơn. Chỉ vào 2 trẻ em mồ côi đang được chăm sóc tại nhà, anh thở dài: "Do nhà cửa chật hẹp nên sau khi đưa các cháu từ đường phố về đây, tôi đành gửi các cháu vào cô nhi viện để có điều kiện đưa các cháu khác về. Các cháu quyến luyến không muốn rời xa. Có một mái nhà riêng, tôi sẽ không phải xót xa nhìn các cháu khóc khi được về nơi ở mới"

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.