Từ bến sông La ra đường đua xanh quốc tế
Có lẽ hiếm có một vận động viên nào mà cả cuộc hành trình chinh phục đấu trường bơi lội trong nước và quốc tế lại được bắt đầu và gắn liền với một dòng sông như VĐV khuyết tật Trần Văn Công. Em vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và được bình chọn là 1 trong 10 VĐV xuất sắc nhất năm 2006.
Đến trường trên… lưng mẹ và bạn
Trần Văn Công sinh năm 1981 trong một gia đình nghèo ở xóm 2, Liên Minh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, cả bố và mẹ đều là bộ đội phục viên. Khi lên 7 tuổi, trong một lần cùng với lũ bạn nghịch ngợm leo lên máy làm gạch chơi, người phụ trách máy không biết nên Công đã bị máy cuốn vào, nát cả hai chân.
Không thể đi lại được, Công phải ngồi một chỗ và nghỉ học liên tục 4 năm liền. Năm 11 tuổi, gia đình quyết định cho Công quay lại trường học.
Ròng rã suốt 4 năm trời, ngày nào Công cũng phải đến trường… trên lưng mẹ và các bạn. Người mẹ nghèo thương con ham học đã phải bỏ việc đồng ruộng, chợ búa, dù nắng hay mưa cũng ngày hai buổi cõng con đi 2km đến trường. Có những ngày mẹ Công bị ốm, nằm liệt giường, bố lại đi làm thuê ở xa nên Công đã phải nghỉ học.
Thương bạn đã không may mắn, nghỉ học nhiều sợ lại không theo kịp chương trình nên hai người bạn thân nhất, gắn bó với Công từ những ngày còn bé là Trần Văn Viết và Nguyễn Canh Nông đã tự nguyện thay phiên nhau cõng Công đến trường.
Ngày đó, xe đạp còn hiếm, đường đất, trời mưa là bùn ngập quá mắt cá chân, cả Viết và Nông đều nhỏ nên ngã suốt. Có hôm đến lớp, đứa nào đứa nấy quần áo đều lấm lem bùn đất.
Mơ ước có một đôi chân giả để bớt nhọc nhằn cho gia đình và các bạn, để có thể tự đi trên chính đôi chân mình của Trần Văn Công cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực khi năm lên lớp 7, Công được Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Thọ cùng một số tổ chức quốc tế cho vào Trung tâm Chỉnh hình Vinh, Nghệ An điều trị và lắp chân giả.
Cũng từ đây, Công bắt đầu những ngày khập khiễng đi bộ đến trường suốt những năm học THCS. Vào THPT, trường cách nhà 20km nên trên chiếc xe đạp cũ, Viết và Nông lại vẫn tiếp tục hành trình ngày ngày chở Công đến trường.
Trưởng thành từ bến sông quê
Cho đến một ngày, bố mẹ và bạn bè đã thuyết phục và lấy hết can đảm bế Công ra sông rồi quẳng xuống nước để mong Công tìm lại cảm giác khi tiếp xúc với dòng nước chảy xiết. Ban đầu, Công bơi bằng tay, toàn bộ cơ thể dồn hết vào hai tay nên bơi được một lúc là Công mệt lử, mọi người lại phải nhấc lên bờ.
Cứ kiên trì, bền bỉ như thế, thời gian và quãng đường bơi của Công mỗi ngày nhích dần lên, từ 10m lên 20m và cuối cùng là có thể bơi qua sông rồi lại quay về (500m).
Câu chuyện về cậu bé cụt hai chân nhưng bơi giỏi từ bến sông La đã lan truyền ra cả huyện rồi tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1997, Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất với gia đình cho Công tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Huế.
Thật bất ngờ, trong lần cọ xát đầu tiên trên đấu trường quốc gia, Công đã giành được 1 HCB. Năm 2003, Giải tiền Paragame tổ chức tại Hà Nội, Công đã mang về 2 HCV và 7 HCB. Cùng năm đó, tại Giải thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam, Công tiếp tục đoạt 3 HCV ở 3 nội dung 50m, 100m và 200m bơi ngửa. Năm 2004, tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, Công đã giành 3 HCV cho cả 3 nội dung trên.
Tiếp tục duy trì phong độ ổn định, năm 2006, tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Công lại tiếp tục mang về 3 HCV cho đoàn Hà Tĩnh.
Lần đầu tiên tham gia giải Paragame khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Philippines năm 2005, xác định là sẽ rất khó tranh tài với các VĐV đến từ các nước trong khu vực nhưng thật bất ngờ, Công đã bỏ xa các VĐV khác để về đích trước và đoạt HCV, khiến tất cả các thầy cô trong Ban huấn luyện ngồi trên khán đài trong cuộc thi năm ấy đều bật khóc vì vui mừng và xúc động.
Năm 2006, tại giải Paragame khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ở Malaysia, Trần Văn Công lại tiếp tục vượt qua các đối thủ mạnh của Trung Quốc, New Zealand để về đích trước nhất với 3HCV.
Với những thành tích xuất sắc, Trần Văn Công đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen và Ủy ban Thể dục Thể thao tôn vinh là 1 trong 10 VĐV xuất sắc nhất năm 2006.
Mơ về một mái nhà không còn dột nát
Công nói rằng, mỗi khi đứng trên bục vinh quang nhìn lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên vị trí cao nhất ở đấu trường trong và ngoài nước, trong sâu thẳm tâm hồn em vẫn luôn thường trực nỗi ám ảnh về mái nhà dột nát của gia đình.
Bố mẹ đều làm nông nghiệp. Bản thân Công là con trai cả lại tàn tật, em thứ hai học giữa chừng thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Em thứ ba bị bại liệt 1 tay, còn em út thì đang tuổi ăn tuổi học. Bao nhiêu năm qua, ngôi nhà cũ đã hư hỏng và dột nát đi nhiều mà vẫn chưa có điều kiện để sửa sang, ngày mưa lũ, nước tràn vào tứ phía. Vì vậy, tất cả số tiền thưởng có được sau mỗi tấm huy chương, Công đều dành dụm với mong ước có thể giúp bố mẹ sửa sang lại ngôi nhà.
Sau các đợt tập huấn chuẩn bị cho mùa giải mới kết thúc, Công lại về quê xin một chân phụ cắt chữ máy tính và kẻ bảng quảng cáo để kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ giúp thêm bố mẹ nuôi em.
Bất kể ngày nắng hay mưa, những lúc cần tập luyện, Công lại ra sông La ngụp lặn. Bây giờ bố mẹ Công đã sửa được nhà, dẫu cũng chỉ mới là vá víu nhưng dù sao, cả gia đình cũng có cái chỗ lành lặn để có thể trú nắng, trú mưa. Tạm thời quên đi được một nỗi lo, Công có thể chuyên tâm vào tập luyện để chuẩn bị cho một mùa giải mới