Trở lại Vườn Mận

Thứ Năm, 08/02/2018, 07:41
Căn cứ Vườn Mận là “Địa đạo lòng dân” cắm ngay yết hầu kẻ địch, gắn liền với truyền thống 3 đơn vị Anh hùng LLVTND. 50 năm sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 người lính năm xưa đã trở về.

1. “Năm nào tôi cũng về đây để nhớ lại bạn bè anh em thời khói lửa, nhớ về những tấm lòng sâu đậm của bà con”, Đại tá Võ Tấn Dũng (Tư Dũng), nguyên Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) bồi hồi.

Căn cứ lõm Vườn Mận trước đây là khu vườn cây ăn trái thuộc ấp Lợi Dũ A, xã An Bình (nay thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nằm ngay tuyến Lộ Vòng Cung huyền thoại “Đạn chen đầu đạn bom kề hố bom”. Căn cứ chỉ cách trung tâm thành phố 5,5km, cách chợ Cái Răng 2km; có 9 đồn bao quanh, trong đó đồn chỉ cách hơn 400m.

“Thế nhưng địa hình Vườn Mận hiểm yếu, nằm giữa cánh đồng 2 rạch Cái Sơn và Rau Râm lại có thế liên hoàn, sông rạch bao quanh rất tiện cho ta xây dựng căn cứ làm bàn đạp đánh ngay trong hậu phương địch”, ông Tư Dũng nói vậy.

Nơi đây ta và địch giành giật ác liệt, “ngày địch đêm ta”.

Càng khốc liệt càng nổi rõ lòng dân. Ngay trong đêm 29 Tết Mậu Thân 1968, bà con dùng xuồng đưa hàng ngàn bộ đội lọt qua Lộ Vòng Cung an toàn giữa hệ thống đồn bót dày đặc. Vô xã An Bình, tới xóm ấp nào cũng có người ra đón, dẫn đường cho bộ đội. Nhờ dân nên dù anh em tản trong nhiều nhà dân, có nơi ăn ở công khai áp sát ngay tỉnh lỵ Phong Dinh (Cần Thơ nay) và Bộ Tư lệnh Vùng IV chiến thuật mà địch không hay biết gì.

 Ông nhắc hoài về vợ chồng ông bà Lê Văn Tiểu - Tạ Thị Phi (thím Hai Tiểu), chủ khu Vườn Mận này. Trong Tết Mậu Thân 1968, chính nơi đây là Sở chỉ huy tiền phương của Khu 9 và tỉnh Cần Thơ (cũ) với sự hiện diện của Bí thư khu ủy Khu 9 Vũ Đình Liệu cùng nhiều lãnh đạo Khu ủy, Tỉnh ủy, Thành đội Cần Thơ...

“Đây là 1 gia đình nuôi chứa cách mạng gần suốt thời kỳ chống Mỹ. Chồng bà hy sinh đầu năm 1969, ngay trên tuyến Lộ Vòng cung, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Bà hy sinh tháng 11-1974, ngay trong Vườn Mận. Buổi chiều hôm đó bà lo cơm chiều cho tổ biệt động thành, vừa quay ra canh gác thì bất ngờ giặc ập đến. Bà chỉ kịp la lớn “Chú Năm! Lính tới! Lính tới...” thì chúng đã xả đạn xối xả. Bà gục xuống, vẫn hướng về phía anh em mình. Cả chục anh em chạy thoát nhờ sự lanh trí, dũng cảm của bà”.

Ông Tư Dũng kể bà mất rồi mà kẻ địch vẫn làm khó dễ nên phải chôn bà ở nhị tì Cái Sơn, cách đó mấy cây số. Sau giải phóng ta tổ chức đưa bà về nghĩa trang Long Tuyền. Chồng và con đều là liệt sĩ, bà Hai Tiểu được Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (1992).

Ông Tư Dũng (trái) và ông Tấy, hai người còn lại của Tiểu đội Kinh Tài.

“3 năm chúng tôi ở căn cứ Vườn Mận (1969 - 1971), má Hai Tiểu giúp nhiều lắm. Tụi tui cần gì cứ ghi vô tờ giấy, đặt vào một chỗ là mấy hôm sau khó mấy bà con cũng tìm cách qua mắt giặc chuyển vô”, Đại tá Võ Tấn Dũng khi đó là Phó Chính trị viên Đại đội biệt động bám trụ tại đây nhớ lại. Khi căng thẳng, bà con bị đuổi dạt vô trong nhưng vẫn lợi dụng thế hợp pháp “thăm ruộng thăm vườn” tiếp tế cho ta. Người dân tự nguyện hiến đất hiến vườn, đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ ngay trong nhà; cung cấp tin tức, thuốc men, nhu yếu phẩm; dẫn đường, cứu chữa thương, bệnh binh…

“Lộ Vòng Cung có nhiều, rất nhiều “Má Hai Tiểu”. Ông bà Mười Đèo nhà cách Vườn Mận gần cây số kịp báo để tôi chạy thoát khi cách địch có mấy mét; hai gia đình cơ sở ở Cái Sơn kiếm ván đóng hòm cho tử sĩ chứ nhất quyết không quấn vải tăng, khi chết có dân cũng khác…”. Nhân dân đã dâng hiến cho cách mạng cả những điều cao quý nhất. Má Lê Thị Huyền lần lượt giao 13 đứa con cho cách mạng; ông Lê Văn Huấn có 5 con kế tiếp nhau hy sinh…

Ngay đầu tuyến Lộ Vòng Cung, xã An Bình (khi chưa tách), hai lần Anh hùng đã có 125 gia đình liệt sĩ. Xã Long Tuyền 409 gia đình liệt sĩ, 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ấp Lợi Nguyên có 394 nóc gia thì có 402 lượt người bị cầm tù, 75 gia đình liệt sĩ…

2. Vườn Mận còn nặng tình đồng chí, đồng đội. Những ngày vớt cá mò cua chống đói, truyền nhau đọc tác phẩm "Sống Như Anh" trên cây vú sữa... Ông Tư Dũng kể chỉ một câu “Anh em sống chết có nhau không lẽ mầy bỏ tao sao?” mà một đồng đội tiếp tục ở lại chiến đấu và hy sinh rất anh dũng. Bị địch phục kích bắn đổ ruột còn cố bắn cản không cho giặc lấy xác hai đồng đội hy sinh trước. Sau đó ráng lết lên miếng vạt của ông chủ đất, dựng khẩu AK ngay ngắn bên cạnh rồi mới chịu ra đi...

Sau Tết Mậu Thân 1968, Lộ Vòng Cung thành “Vành đai lửa”. Ông Dũng khẳng định nếu không có một tập thể kiên định, đoàn kết đã không thể trụ được ở Vườn Mận. Biết bao lần bị địch đánh “tróc” khỏi căn cứ, rồi lại lộn về bám địa bàn. Cũng không thể chiến thắng trong trận phòng ngự ác liệt giữ căn cứ Vườn Mận suốt 6 ngày đêm (28-9 – 3-10-1970). Chỉ 45 cán bộ chiến sĩ chiến đấu độc lập trong hậu phương địch vẫn khiến hàng trăm tên lính với sự hỗ trợ tối đa của không quân, pháo binh, công binh, tàu sắt và cố vấn Mỹ “quét không được, lấn không xong”; 74 tên chết và bị thương.

Chiến tranh đã cướp đi bao đồng đội của tôi, ông Tư Dũng ngậm ngùi. “Thanh Bình, Tư Lắm, Ngàn, Năm Có/Dũng, Võ, Sơn, Bình, Tấy, Hoàng, Phong”. Câu thơ ông làm để nhớ về 11 người trong “Tiểu đội kinh tài” (đều từ Ban kinh tài tỉnh Cần Thơ ra đi). “Chúng tôi cùng nhập ngũ năm 1968 vào Tiểu đoàn Tây Đô. Kết thúc cuộc chiến, 9 người đã nằm xuống, trong đó 7 người ngay trong năm 1968, 2 người năm tiếp theo. Kết thúc chiến tranh chỉ còn sót lại tôi và anh Huỳnh Văn Tấy (Út Tấy), gặp nhau là khóc vì nhớ đến đồng đội.

“Lúc vô chiến dịch Mậu Thân có đơn vị cả mấy chục người sau chiến dịch đếm lại ứa nước mắt anh à”. Trong đêm giao thừa (Mùng 1 Tết Mậu Thân) có 13 đồng chí biệt động tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV thì 8 đồng chí hy sinh, 01 bị thương địch bắt, chỉ 4 người về được căn cứ...

Từng thước đất nơi đây đều trộn máu xương của bao đồng chí, đồng bào. Đồng đội tôi khi nằm xuống còn trẻ lắm, chỉ mười tám đôi mươi, chưa từng được nắm tay một người con gái, đôi mắt người lính già ngấn nước. Chiến tranh là như vậy đó. “Tổ quốc gọi tên mình” là chúng tôi đi, không đắn đo, nghĩ suy nhiều.

3. Quảng Bình - Vĩnh Linh, đất thép Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) có địa đạo dưới đất; Cà Mau có Làng rừng… thì Cần Thơ, trung tâm “Vùng IV chiến thuật” có “Địa đạo lòng dân”. Đó là sáng tạo tuyệt vời của “Chiến tranh nhân dân”, ông Tư Dũng hào hứng khẳng định.

50 năm trôi qua, cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới càng rõ hơn “Thế trận lòng dân'”, “Căn cứ lòng dân”, yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn đến thắng lợi của Xuân Mậu Thân 1968 cũng như cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân 1968 đến nhà vẫn thấy ông nằm xoài trên căn gác chật hẹp lọ mọ bên tấm bản đồ xưa. Dịp này ông trao tặng cho Bảo tàng Cần Thơ chiếc Radio Standard nghe Bác Hồ chúc Tết năm Mậu Thân 1968 và chiếc Radio National nghe tin chiến thắng 30-4-1975; bao súng K54, dây nịt (thắt lưng), túi đạn, đèn pin USA... Nhiều năm liền ông đi tìm gia đình các đồng đội đã mất, sưu tập tư liệu cũ, vận động xây nhà tình nghĩa tình thương; giao lưu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ... Đó là những ngày rất vui, ông nói vậy.

Người con của đất Thường Thạnh (Cần Thơ), Đại tá Võ Tấn Dũng vẫn tiếp nối truyền thống gia đình. Cha mẹ ông từng là cơ sở nuôi chứa cán bộ suốt hai mùa kháng chiến. Từ nhỏ ông đã biết cột bẹo làm ám hiệu, canh giặc lùng sục truy bắt cán bộ rồi. Và nay con ruột, con rể đều là sĩ quan quân đội.

Căn cứ Vườn Mận gắn với truyền thống 3 đơn vị Anh hùng LLVTND (Đại đội biệt động 823, nhân dân và LLVT hai phường An Bình, Long Tuyền); trở thành di tích lịch sử thành phố. Mận trong vườn trĩu trái, đỏ rực hơn xưa. Con đường dẫn vô căn cứ xưa mang tên má Hai Tiểu, đường Tạ Thị Phi, hoa bung nở rực rỡ đón xuân về. “Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi/Quân phục xanh đồng sắc với chân trời” (Trần Mạnh Hảo), ông Tư Dũng rất thích những câu thơ này. Và ông thanh thản sống với niềm vui đó.

Vũ Thống Nhất
.
.
.