Trắng tay vì thủy điện xả lũ

Thứ Hai, 24/07/2017, 07:50
Mấy hôm nay, con đường cái dẫn vào xóm Tân Thành, xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, chạy dọc theo sông Đà như bị ngộp thở bởi mùi tanh nồng từ các lồng cá đưa lại. Các hộ nuôi cá chạy đôn, chạy đáo, dùng đủ các phương tiện chở cá bị ngạt đi bán.


Ngã ba, ngã tư nào cũng có người dân của xóm Tân Thành bày bán cá. Những con cá trắm, cá chiên - từng là đặc sản và là món hàng luôn bán chạy, vậy mà giờ bà con bán rẻ như bèo vẫn ít người mua…

Mất tiền tỷ sau một đêm

Trời nhá nhem mặt người, anh Ngô Đức Tuấn ở xóm Tân Thành vẫn hớt hải bên lồng cá. Nhìn mực nước sông Đà đỏ ngầu chảy cuồn cuộn mà lòng anh xót như muối bóp.

Con sông Đà từng bao năm nay nuôi sống gia đình anh, vậy mà Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ lần này, anh Tuấn lại trắng tay sau một đêm. Anh chạy vạy vay mượn khắp nơi và dày công lắm mới dựng được mấy lồng cá, vậy mà giờ nó bỗng biến thành đống nợ.

“Cá chiên, cá trắm tự nhiên ngạt thở ngoi lên mặt nước rồi chết nhanh như có người thả độc ấy. Sau nhiều năm nuôi cá, chưa bao giờ tôi rơi vào thảm cảnh này. Nhìn của nả trôi theo dòng nước mà tôi không tìm cách gì cứu vãn nổi…”, anh Tuấn buồn rầu nói.

Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến mấy chục hộ nuôi cá lồng bị ảnh hưởng.

Không riêng gì anh Tuấn, mấy chục hộ nuôi cá lồng trên sông Đà ở xóm Tân Thành đang khóc dở, mếu dở vì cá lồng. Ông Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm HTX nông lâm thủy sản Kỳ Sơn, đứng bên lồng cá mà khuôn mặt như hóa đá. Ông chủ nhiệm năng nổ, quyết đoán và giỏi giang ngày nào, ngồi buồn so.

Suốt mấy ngày vừa qua, ông ăn không ngon, ngủ không yên vì có trong lồng đang quẫy ầm ầm, bỗng dưng ngoi lên mặt nước cả loạt. “Hôm qua tôi chỉ thấy lác đác vài con ngoi ngóp, nên tôi gọi bán được một ít. Đến sáng nay, ngủ dậy tôi không tin vào mắt mình nữa, cá chết nổi kín lồng như bị ai đánh mìn vậy”, ông Bảo thẫn thờ nói.

HTX nông lâm thủy sản Kỳ Sơn có 15 xã viên với gần trăm lồng cá. Sau cả năm chăm bẵm cá trong lồng đã đạt trọng lượng từ 2-3kg. Nếu bà con nuôi đến cuối năm, cá trắm đạt trọng lượng 5-7kg, mỗi con cá bán đi, người nuôi thu được cả tiền triệu cũng không ít.

Giờ chúng chết đồng loạt khiến ông càng thêm phần hoang mang. Riêng gia đình ông mất khoảng 80 tấn. Mấy ngày qua, ông gọi điện đi khắp nơi cầu cứu thương lái, nhờ họ đến mua giúp số cá còn sống, nhưng ông cũng chỉ vớt vát được chút ít.

Ông Bảo đã đầu tư cho lồng cá cả tỷ đồng. Dự kiến, cuối năm nay bán cá, ông sẽ trả nợ hết, nào ngờ từ hôm thủy điện xả lũ biến ông thành người trắng tay.

Theo tính toán của ông Bảo thiệt hại ban đầu lên đến vài tỷ đồng. Hầu như nhà nào cũng bị ảnh hưởng. Gia đình chị Nguyễn Thị Mùi sống gần sông Đà. Nhận thấy tiềm năng từ nghề nuôi cá lồng, chị đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm 4 lồng cá hết hơn 100 triệu đồng.

Vốn chịu thương chịu khó, chị trồng cỏ trên đồi; ngày ngày chị cắt cỏ cho cá ăn. Năm đầu tiên chị cũng thu được ít vốn. Năm thứ hai, gia đình mạnh dạn mở rộng quy mô, đàn cá rô, cá trắm đang phát triển tốt. Mỗi đêm ngủ trông cá trên bè, thấy chúng quẫy ầm ầm, chị nhẩm tính, đến cuối năm nay gia đình sẽ trả hết nợ. Bao hy vọng của gia đình chị bỗng tan biến sau một đêm theo mùa xả lũ.

Trở tay không kịp

Sáng 23-7, Nhà máy thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở cửa xả đáy số 3. Nước sông Đà mỗi lúc một dâng cao như xát muối vào lòng người nuôi cá. Chiều 18-7, bà con có nghe thủy điện thông báo xả lũ. Bà con ở thành phố nô nức kéo nhau lên chân đập xem sự kiện này vì suốt từ năm 2008 đến nay, thủy điện chưa hề xả lũ.

Người nuôi cá vẫn ung dung, không ai nghĩ việc xả lũ sẽ ảnh hưởng đến đàn cá trong lồng. Nước dâng đến đâu thì lồng cá sẽ nâng lên theo đó. Nào ngờ, chỉ sau một đêm xả lũ, bà con phát hiện cá trong lồng liên tục ngoi lên mặt nước. Mọi người mới tá hỏa tìm cách cứu đàn cá, mọi chuyện đã muộn. Lượng cá trong lồng chết mỗi lúc một nhiều hơn.

Sau nhiều năm nuôi cá, đây là lần đầu tiên bà con nuôi cá ở xã Hợp Thành bị thiệt hại nặng đến vậy. Theo ông Bảo, do thủy điện xả lũ liên tục, nên mực nước dâng cao, môi trường nước trong lồng thay đổi đột ngột, nên cá mới bị ngạt thở. “Chúng tôi không kịp trở tay khi cá cứ ngoi ngóp rồi chết dần”, ông Bảo cho biết.

Do chưa gặp phải sự cố lớn như thế này bao giờ, nên bà con cũng không có phương án đối phó. Anh Ngô Đức Tuấn cũng đã có phản ứng nhanh là hạ sâu lưới trong lồng xuống. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ giúp đàn cá của anh Tuấn kéo dài thời gian sống với điều kiện việc xả lũ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Với tình hình như hiện nay, mực nước trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình đang ở ngưỡng không an toàn, việc xả lũ dài ngày là không thể tránh khỏi.

Theo thống kê của UBND xã Hợp Thành, xã có 90 lồng nuôi cá ở các xóm Tân Thành, xóm Nhả và xóm Giếng. Trong đó, số lồng có diện tích khoảng 36m2 là 45 lồng, số lồng có diện tích 16m2 là 45 lồng. Tính đến ngày 23-7, có 33 hộ dân và HTX nông lâm thuỷ sản Kì Sơn bị thiệt hại nặng. Tổng thiệt hại lên đến cả chục tỷ đồng. 

“Bà con bán tống, bán tháo suốt mấy hôm rồi mà cũng chưa tiêu thụ hết. Cá sống còn bán được, chứ cá chết rất khó bán. Chúng tôi cũng mong UBND huyện Kỳ Sơn sớm có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, nhà máy thủy điện Hòa Bình sớm có hỗ trợ, giúp bà con nuôi cá lồng bớt phần khó khăn”, ông Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư xã Hợp Thành cho biết.

Ngay sau khi nhận được tin báo của bà con nuôi cá lồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn đã xuống kiểm tra và đưa ra nhận định: Việc mở các cửa xả đáy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các lồng nuôi cá. Có thể là trong quá trình xả lũ đã có một lượng lớn bùn theo nước lũ chảy về hạ lưu làm môi trường nước thay đổi đột ngột, nên đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Hàng trăm lồng cá ở Phú Thọ bị chết vì thủy điện xả lũ

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 7h sáng 23-7 mực nước tại hồ Hoà Bình là 105,92 m, giảm chút ít so với thời điểm mở cửa xả đầu tiên vào ngày 18-7, nhưng vẫn cao hơn mức cho phép 4,92m. Còn hồ Sơn La duy trì một cửa xả và cao hơn giới hạn cho phép 3,7m.

Nguyên  nhân theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, do lưu lượng nước về hồ Hòa Bình hiện vẫn rất lớn. Cụ thể, lưu lượng nước xả ra vào 7h sáng 23-7 đạt 7.240m3/s (tổng cả 3 cửa xả) thì lưu lượng nước về hồ cùng thời điểm cũng đạt 6.200m3/s.

Bên cạnh đó, thủy điện Tuyên Quang cũng đã mở 1 cửa xả đáy vào 14h ngày 22-7 với lưu lượng 993m3/s vào lúc 7h sáng 23-7. Vì vậy tuỳ tình hình mưa, các hồ thuỷ điện trên hệ thống sông Hồng có thể vẫn phải mở cửa xả để đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Những ngày qua, việc Nhà máy thủy điện Hòa Bình tăng lượng xả lũ đã và đang gây ra thiệt hại cho người dân vùng hạ du, điển hình là các hộ dân nuôi cá lồng ở Phú Thọ và Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ trắng tay.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại các xã nuôi cá lồng bị chết và đã lấy mẫu nước để gửi đi xét nghiệm tìm ra nguyên nhân. Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thống kê tổng hợp các hộ bị thiệt hại để đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ.

Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu được xác định là do Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa đáy xả lũ khiến lượng bùn tăng lên làm cá bị ngạt khí. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 444 lồng cá của các hộ dân thuộc hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy; đến ngày 22-7 đã có khoảng 200 lồng cá bị chết, thiệt hại khoảng 350 tấn. (Ngọc Yến)

Thanh Vân
.
.
.