Trận tuyến thầm lặng trong trại Davis

Thứ Năm, 28/04/2011, 18:00
Hơn 2 năm kiên cường đấu tranh với Mỹ - ngụy, phái đoàn ta tại trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975. Đóng góp vào thắng lợi đó, công tác bảo vệ an ninh tại trại Davis có vai trò rất quan trọng…

Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, đầu tháng 2/1973, hai phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời (CMLT) Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt tại Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris. Hơn 2 năm kiên cường đấu tranh với Mỹ - ngụy, phái đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975. Đóng góp vào thắng lợi đó, công tác bảo vệ an ninh tại trại Davis có vai trò rất quan trọng…

Trưởng ban bảo vệ an ninh của phái đoàn ta ở trại Davis năm ấy là đồng chí Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả), năm nay bước vào tuổi 84. Cũng như mọi năm, gần dịp kỉ niệm Giải phóng miền Nam, trong căn nhà của Đại tá Vũ Nam Bình trên phố Lý Nam Đế, các cựu thành viên phái đoàn trại Davis lại họp mặt, cùng ôn lại những kỷ niệm.

Nhớ lại 823 ngày đêm (từ tháng 2/1973 đến tháng 4/1975) bền gan, mưu trí đấu tranh với những thủ đoạn của các cơ quan tình báo, gián điệp Mỹ, nguỵ hòng phá hoại, cản trở hoạt động của phái đoàn ta; Đại tá Vũ Nam Bình kể: Phái đoàn ta có khá đông cán bộ, nhân viên, trong đó nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an hoạt động với tư cách nhân viên quân sự.

Sau khi hai phái đoàn ta vào Trại Davis, Ban bảo vệ an ninh tiến hành ngay các biện pháp bảo đảm an ninh và chính trị nội bộ, vốn đã được xây dựng chu đáo từ vài tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Chúng tôi thu được một số thiết bị điện tử địch cài trong các phòng họp, phòng làm việc, thậm chí cả phòng ngủ... Chúng tôi buộc phải xây dựng mới nhiều phòng làm việc bằng vật liệu sẵn có.

Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi biết địch có kế hoạch rất chi tiết nhằm theo dõi, kiểm soát hoạt động của đoàn ta. Địch sẽ triệt để khai thác sơ hở của ta, dùng tâm lý chiến móc nối, lôi kéo, thậm chí bắt cóc người của ta rồi khống chế, vu khống là chiêu hồi. Hầu hết các nhân viên tạp vụ, lái xe, điện nước... đều là người của cơ quan an ninh, tình báo ngụy cài vào "phục vụ" phái đoàn ta.

Sĩ quan QĐND Việt Nam và QGP miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên trung ương giám sát quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, Nguyễn Văn Học, nguyên Đại tá, Trưởng phòng Phản tình báo Cục an ninh Quân đội ngụy, đã khai nhận đúng như vậy. Chúng có kế hoạch tình báo hỗn hợp để "đánh vào hai phái đoàn Việt cộng và Bắc Việt". Địch cho rằng, những thành viên của hai phái đoàn ta chắc chắn đã được lựa chọn rất kỹ, hầu hết là những "phần tử trung kiên" nên không dễ dàng bị lôi kéo. Song có thể, một số thành viên của phái đoàn có người thân thích, ruột thịt đang làm việc cho địch, hoặc sống tại vùng địch kiểm soát. Hơn nữa, sau bao năm gian khổ kháng chiến, giờ được sống giữa TP Sài Gòn, biết đâu sẽ có người dao động trước những cám dỗ...

Nguyễn Văn Học còn khai thêm những âm mưu, thủ đoạn hết sức manh động và hèn hạ của các cơ quan an ninh, tình báo ngụy. Song với bản lĩnh của từng thành viên trong phái đoàn ta và nghiệp vụ dày dạn của các cán bộ làm công tác an ninh, mọi âm mưu, thủ đoạn của địch đều gặp phải những "bức tường thép".

Địch thường nhắm đến các sĩ quan trẻ của ta để tác động, lôi kéo; vì chúng cho rằng họ còn ít kinh nghiệm và chưa được tôi luyện, thử thách nhiều qua chiến đấu. Hôm ấy, nhân giờ giải lao của cuộc họp bàn về trao trả tù binh, viên thiếu tá ngụy Đinh Công Chất (Tiểu ban trao trả) lại gần một thiếu úy trẻ của ta làm quen. Khi câu chuyện đã bớt phần khách khí, viên sĩ quan ngụy chặc lưỡi và nheo mắt nửa đùa, nửa thật: "Sang với tụi này đi, sung sướng lắm; đủ cả các mùi, các vị...". Đồng chí thiếu úy trẻ của ta quắc mắt lên, đốp trả: "Này, chiến tranh tâm lí kiểu gì đấy? Có mà vứt vào sọt rác thôi!". Thiếu tá Chất tẽn tò, vội chuồn thẳng…

Đại tá Vũ Nam Bình cười rổn rảng, nhắc lại lời thú nhận của Đại tá tình báo nguỵ Nguyễn Văn Học: "Chúng tôi đã gặp một đối thủ quá cứng rắn. Tất cả những lần tiếp xúc thông thường thì không sao, nhưng khi đụng vào những nội dung cần thiết thì đều bị đánh bật ra; khiến những sĩ quan có hạng của chúng tôi cũng phải lắc đầu...".

Các thành viên Trại Davis trong một lần họp mặt tại Hà Nội (Đại tá Vũ Nam Bình đứng thứ 3 từ trái qua).

Một kỷ niệm sâu sắc với Đại tá Vũ Nam Bình, là cuộc đấu trí giữa Đại tá Võ Đông Giang, Phó Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời với Chuẩn tướng Phan Hoà Hiệp, Trưởng phái đoàn ngụy quyền Sài Gòn. Hôm ấy vào cuộc họp, Phan Hòa Hiệp đắc chí đưa ra một đề tài hoàn toàn không liên quan đến nội dung làm việc. Hiệp thao thao kể về lý lịch của đồng chí Võ Đông Giang và chốt lại: "Ông Phó đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời mang tên Võ Đông Giang nhưng ông không phải là Võ Đông Giang, ông cũng không phải là đại tá. Chính ông tên là Phan Bá, ông là Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao Bắc Việt. Trong thời kháng Pháp, ông là liên Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai - Kon Tum, rồi ông ra miền Bắc làm ngoại giao. Ông không ở trong quân đội ngày nào"…

Phan Hòa Hiệp tưởng rằng với ngón đòn này, đồng chí Võ Đông Giang sẽ lúng túng, mất thế chủ động; nhưng ông vẫn bình thản ngồi nghe. Rồi với tài liệu được chuẩn bị tức thời của bộ phận bảo vệ An ninh trại Davis, bản lý lịch của Phan Hòa Hiệp cũng được phơi bày.

Hiệp có cha là người Pháp, mẹ người Việt. Sau cách mạng Tháng Tám, Hiệp là lính của Đệ tam sư đoàn. Khi Pháp tái xâm lược, Hiệp đầu hàng Pháp và bắt đầu ôm chân thực dân, bán nước… Đến lượt mình phát biểu, đồng chí Võ Đông Giang đanh thép đáp lại: Trước hết và ngay lập tức sau cuộc họp này, ông Phan Hoà Hiệp, Chuẩn tướng của quân đội Việt Nam cộng hoà hãy cách chức tất cả những tên tình báo nào đã đưa cho ông cái tin về lai lịch của tôi mà ông vừa nói. Đây là tin bịa đặt nên phải cách chức những tên đưa tin đó…

Đồng chí Võ Đông Giang nhấn thêm: Và tôi cũng sẽ trình bày tại đây và ngay bây giờ về lai lịch của ông Chuẩn tướng. Xin nói rằng lai lịch của ông Chuẩn tướng không đẹp đẽ gì đâu. Và tôi cũng dám chắc rằng nhiều người bên quý vị và ngay những người của phía quý vị ngồi tại đây cũng không hiểu rõ lai lịch chính trị của ông Chuẩn tướng đâu…

Ngón đòn cao tay này của đồng chí Võ Đông Giang khiến Phan Hòa Hiệp và các thành viên phái đoàn của ông ta ngồi im phăng phắc chịu trận. Đến giờ giải lao, Phan Hoà Hiệp đến gặp đồng chí Võ Đông Giang và tỏ ý hối hận: "Các ông phê phán tôi dữ quá. Tôi chỉ là lính đánh nhau, là loại võ biền thôi chứ đâu có được làm ngoại giao như Đại tá".

Câu chuyện về những kỷ niệm tại trại Davis giữa chúng tôi với Đại tá Vũ Nam Bình kéo dài đến tận buổi trưa. Trước lúc từ biệt ông, tôi được Đại tá Vũ Nam Bình phấn khởi thông báo: "Hiện tại, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đang xem xét, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam"

Trần Duy Hiển
.
.
.