Trái tim nóng của "Những việc cần làm ngay"

Chủ Nhật, 20/06/2010, 12:04
"Trong suy nghĩ và tình cảm của cán bộ và nhân dân, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn gắn với sự nghiệp đổi mới của đất nước; tận tâm, tận lực với sự nghiệp cách mạng. Còn với anh em Cảnh vệ chúng tôi, bác Mười Cúc như một người thân thiết trong gia đình rất có trách nhiệm với mọi người. Chúng tôi vẫn nhớ mãi và tự hào về những năm tháng được bảo vệ bác Mười Cúc..." - Trung tá Hoàng Duy Đức (cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) từng là cận vệ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tâm sự.

Bồi hồi dòng kí ức về vị Tổng Bí thư của thời kì đổi mới, Đại tá Nguyễn Văn Thanh mở đầu câu chuyện bằng kỉ niệm được giao nhiệm vụ phụ trách bộ phận trực tiếp bảo vệ bác Mười Cúc. Đôi bàn tay run run của người cựu sĩ quan Cảnh vệ cẩn thận gỡ chiếc khung ảnh treo trên tường, chỉ cho tôi xem bức ảnh màu được chụp với đồng chí Nguyễn Văn Linh, ép plastic cẩn thận. Quê ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An), ông Thanh sớm tham gia công tác ở địa phương.

Năm 1959, đang là Phó Bí thư đoàn xã Nghi Yên, ông được tuyển vào Công an. "Đợt ấy, cả xã chỉ có mình tôi được tuyển vào Cảnh vệ!" - ông Thanh tự hào. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo K9 của C500 (Trường Công an Trung ương, khi đó đóng tại thị xã Hà Đông), ông chính thức về công tác tại Cục Cảnh vệ cho đến khi nghỉ hưu năm 1995.

Bằng chất giọng xứ Nghệ, ông thong thả kể lại những kỉ niệm không thể phai mờ. "Chúng tôi thân mật gọi đồng chí Tổng Bí thư là "Anh Mười Cúc", anh gọi chúng tôi là đồng chí hoặc cậu, tùy theo tuổi tác và tính chất công việc từng lúc. Anh là người trầm tĩnh, nhưng rất kiên định và quyết đoán. Trong công tác Cảnh vệ, anh Mười Cúc luôn nhắc nhở chúng tôi phải thận trọng nhưng cần tránh phô trương, hình thức...

Tôi nhớ, sau khi anh Mười Cúc được Đại hội VI của Đảng bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư, Cục trưởng Cục Cảnh vệ lúc đó là anh Phan Văn Xoàn đã xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng về yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của công tác bảo vệ đồng chí Tổng Bí thư. Sau đó, tôi được tín nhiệm giao nhiệm vụ phụ trách bộ phận bảo vệ tiếp cận, những sĩ quan cận vệ có các đồng chí Đức, Thành, Sơn...”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh từng có nhiều năm hoạt động ở chiến trường Nam bộ, được nhân dân đùm bọc, che chở nên đồng chí rất thấu hiểu, nếu tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, thì mọi việc sẽ thành công. Ông luôn nhắc nhở công tác cảnh vệ cũng phải dựa vào dân, dân mình rất tốt, rất cách mạng. Không được vì yêu cầu bảo vệ mà làm ồn ào, phô trương hình thức gây phiền toái đến dân. Có lẽ, những yêu cầu này xuất phát từ tính cách trầm tĩnh, sâu sắc của bác Mười Cúc hình thành trong những năm tháng hoạt động bí mật, được nhân dân đùm bọc, che chở... Từ người chỉ huy cao nhất của lực lượng Cảnh vệ lúc đó như đồng chí Phan Văn Xoàn, đến những sĩ quan Cảnh vệ như ông Thanh, ông Đức đều hiểu, thấm nhuần yêu cầu và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.

"Lần ấy, anh Mười Cúc thăm cán bộ và nhân dân một tỉnh biên giới - ông Thanh kể. Chúng tôi đi tiền trạm để phối hợp với địa phương triển khai phương án bảo vệ. Do tình hình quân sự, an ninh của địa phương khi đó còn khá phức tạp, nên tỉnh đã chủ động bố trí lực lượng bảo vệ rầm rộ, huy động bộ đội, công an đứng dọc các tuyến đường, trang bị cả vũ khí mạnh. Chúng tôi khảo sát kĩ, thấy nếu theo phương án của địa phương thì không ổn, sẽ bị Tổng Bí thư phê bình...

Sau khi nghe chúng tôi trình bày, anh Mười Cúc thường hay nhắc trong công tác bảo vệ, đặc biệt là phải tránh phô trương, hình thức; các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nhất trí điều chỉnh phương án theo đề xuất của chúng tôi. Chuyến thăm đó của đồng chí Tổng Bí thư diễn ra tốt đẹp và chúng tôi có thêm bài học sâu sắc về công tác cảnh vệ".

Trong số những người lính cận vệ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung tá Hoàng Duy Đức (hiện là cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), là người có nhiều kỉ niệm với bác Mười Cúc. Chàng trai quê lụa Hà Tây năm xưa được tuyển vào lực lượng Cảnh vệ từ cuối năm 1979, công tác tại Đội 475 của Cục Cảnh vệ tại TP HCM. Từ năm 1980 - 1991, ông là bảo vệ tiếp cận của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Trung tá Đức kể: Bác Mười Cúc rất cẩn trọng trong mọi việc. Lúc đầu chúng tôi mới vào bảo vệ bác, bác gọi chúng tôi đến nhắc nhở: Tuyệt đối không lợi dụng nhiệm vụ của mình để làm việc gì sai trái, phải giữ cho trong sạch. Gia đình, vợ con nếu có gì khó khăn, cứ nói với bác, giúp được thì bác sẽ giúp...

Sau khi bác Mười Cúc trở thành Tổng Bí thư, tôi cũng chuyển công tác từ TP HCM ra Hà Nội, tiếp tục bảo vệ bác. Bác Mười Cúc thường tâm sự với anh em Cảnh vệ: "Tôi ở trong Nam nhiều năm, giờ giữ trọng trách mới, phải năng đi cơ sở tìm hiểu, nắm tình hình thực tế". Và trong những năm tháng ấy, bác dành nhiều thời gian đi kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngày chủ nhật nếu ở Hà Nội, bác thích dạo phố hòa vào dòng người vãn cảnh hoặc đi chợ để hiểu rõ, hiểu đúng đời sống của người dân. Từ nhà công vụ, chúng tôi đưa bác đi qua các đường phố Hà Nội. Xe đỗ trong một phố nhỏ nào đấy thì bác và chúng tôi xuống đi bộ.

"Vậy những lần như thế, bác Mười Cúc có hóa trang không?" - tôi hỏi. Trung tá Thanh cười, khẳng định: Bác Mười Cúc không hóa trang, chỉ đeo kính mát và đội thêm chiếc mũ vải. Còn quần áo bác mặc, thì cũng bình thường như bao người khác thôi. Có lần, bác Mười Cúc đi chợ Đồng Xuân,  tôi và một đồng chí bác sĩ nữa đi cùng. Bác ghé vào một hàng sành sứ, ngắm hồi lâu thấy đa phần là hàng của nước ngoài, đôi mắt bác đượm buồn. Rồi bác cầm một chiếc bát sứ Hải Dương, hỏi người bán hàng về chất lượng, giá cả; bác hỏi sao hàng mình sản xuất không bán được nhiều?... Đến lúc này, thì chị bán hàng mới nhận ra vị khách đặc biệt, nên rất xúc động thưa chuyện với bác.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và CBCS Cảnh vệ (Đại tá Nguyễn Văn Thanh thứ 2, Trung tá Hoàng Duy Đức thứ 4 từ trái qua).

Một kỉ niệm sâu sắc với Trung tá Đức khi được bảo vệ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm CHDC Đức (tháng 10/1989). Đây là thời điểm Đông Âu đang dồn dập diễn ra các biến thiên chính trị, xã hội. Do phải làm việc nhiều và bao trăn trở, lo toan nên sức khỏe bác Mười Cúc bị ảnh hưởng, lại thêm bị cảm nên các bác sĩ bạn yêu cầu bác ở lại điều trị một tuần, trong khi hầu hết các thành viên trong đoàn đã về nước.

Trung tá Đức nhớ lại: "Hôm ấy, từ trong nước có điện sang báo cáo xin ý kiến: ở miền Nam được mùa rất lớn. Các kho chứa thóc đã kín chỗ, trong khi lúa ngoài đồng chưa gặt còn rất nhiều. Đề nghị cho xuất khẩu gạo. Bác Mười Cúc rất trăn trở, bởi lẽ sau bao năm đất nước đói kém, liên tục phải nhập khẩu lương thực, nay mới có dư một chút mà xuất khẩu thì liệu có an toàn về an ninh lương thực? Suy nghĩ kĩ, bác điện chỉ đạo: Đồng ý cho xuất khẩu. Số ngoại tệ thu được phải quản lí chặt chẽ, đề phòng thất bát thì lại nhập lương thực cứu đói cho dân... Tấm lòng của bác Mười Cúc là vậy, luôn trăn trở, một lòng vì nước, vì dân". Chúng ta đều biết, đó là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu lương thực, một thành quả và là minh chứng sinh động của thành tựu Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người có vai trò rất lớn.

Cuộc đời và con người bác Mười Cúc, luôn trọn nghĩa vẹn tình với đồng chí, đồng bào. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, trong hồi ức của mình đã kể lại: Một lần ông về quê (Vinh - Nghệ An) được nghe câu chuyện cảm động. Thời kì đồng chí Nguyễn Văn Linh hoạt động ở Vinh, có lần đi cơ sở thì bị lính tuần truy đuổi, có thể do chúng nghi ngờ người lạ chứ chưa biết anh là ai. Một anh nông dân đang làm đồng, thấy vậy cũng đuổi theo và hô hoán: "Kẻ trộm, bắt kẻ trộm". Bọn tuần đinh đuổi một lúc thì bắt được đồng chí Nguyễn Văn Linh, đưa về tra khảo. Nhớ đến lời hô hoán của người nông dân, anh một mực khai: Tôi đói quá, vào ruộng nhổ khoai ăn.

Khám người anh, bọn chúng không thu được gì nên thả anh ra, không đưa sang Sở Liêm phóng; nếu đưa sang, chắc chắn tung tích của anh sẽ bị lộ. Nhưng người nông dân nọ (tên là Khang, cũng là cán bộ hoạt động ở địa phương) thì bị chi bộ kiểm điểm, khai trừ Đảng, vì bị cho là vô tình để địch bắt giữ cán bộ ta. Ông Khang trình bày thế nào, chi bộ cũng nhất quyết kỷ luật.

Khi làm Tổng Bí thư, nhân một lần về thăm cơ sở cũ, đồng chí Nguyễn Văn Linh có kể lại chuyện mình bị bắt ở cánh đồng xã cho các đồng chí Đảng ủy xã nghe và hỏi người nông dân đó nay làm gì, chính nhờ anh ấy hô "kẻ trộm" mà tôi thoát không bị đưa sang Sở Liêm phóng. Các đồng chí trong Đảng ủy xã tìm hỏi những đảng viên lão thành mới biết người đó là ông Khang, nay đã già yếu.

Nghe báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Linh thốt lên: "Thế thì oan cho đồng chí ấy quá. Tội nghiệp đồng chí ấy mấy chục năm bị oan ức mà tôi không hề biết. Đề nghị các đồng chí sớm khôi phục Đảng tịch cho đồng chí ấy, chuyển lời tôi cảm ơn đồng chí ấy cùng một món quà". Sau đó không lâu, ông Khang được khôi phục Đảng; ngày nhận quyết định, ông xúc động nói: "Cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư, cảm ơn anh Linh đã cho tôi được sống lại".

Nói tới Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời kì đổi mới, những người làm báo đều trân trọng cống hiến của ông. Với những bài báo ngắn gọn, súc tích nhưng đầy tính chiến đấu của tác giả N.V.L, một luồng sinh khí đã thổi vào hoạt động báo chí, mở đầu cho giai đoạn đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ của báo chí nước nhà sau năm 1986.

Theo nhà báo Hữu Thọ, khi đó là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, thì: "Đồng chí đã từng mở chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân một thời kỳ, nhấn mạnh lời nói đi đôi với việc làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trong đó có việc đấu tranh chống tham nhũng, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong Đảng và trong xã hội".

Bài báo đầu tiên của tác giả kí tên N.V.L xuất hiện trên Báo Nhân Dân ngày 25/5/1987, với tít "Những việc cần làm ngay". Chỉ khoảng 400 chữ, nhưng bài báo đã mở ra chuyên mục nổi tiếng của Báo Nhân Dân, được cán bộ và người dân quan tâm theo dõi. Ai cũng đoán rồi ngờ ngợ tác giả là ai, bởi những vấn đề bài báo nêu ra có tác động to lớn đến thế. Có lần, trả lời báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói "N.V.L là Nói và Làm". Có thể khẳng định, cho đến nay, dư âm những bài báo của tác giả N.V.L vẫn còn; thể hiện ở hoạt động đa dạng và sinh động của báo chí với tư cách là phản biện xã hội, vừa phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt, vừa cương quyết đấu tranh với cái xấu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Duy Hiển
.
.
.