Thiếu sân chơi cho trẻ trong ngày hè
Trong khi đó, các dịch vụ game oline, đồ chơi Trung Quốc mang tính bạo lực vẫn được bày bán tràn lan ngoài thị trường đã cuốn hút một bộ phận lớn các em thiếu nhi lao vào các trò chơi vô bổ, độc hại khiến các bậc phụ huynh phải đau đầu khi tìm sân chơi thích hợp cho trẻ trong những ngày hè.
Cần nhiều trò chơi vận động, phong phú cho trẻ
Các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ tại các nhà văn hóa thiếu nhi tại các quận, huyện phường xã cũng chỉ xoay quanh với các lớp bồi dưỡng năng khiếu, luyện chữ đẹp, thi văn nghệ… khiến trẻ có cảm giác như đang bước vào một học kì thứ 3 ngay trong dịp hè. Trong khi đó, nhiều phụ huynh phải đỏ mắt tìm sân chơi thích hợp cho trẻ, thậm chí tốn tiền triệu cho các chương trình sinh hoạt hè sinh động nhưng cũng không phải ai cũng có thể đáp ứng được.
Ghi nhận tại các khu vui chơi miễn phí, không gian dành cho thiếu nhi cũng chỉ với các trò chơi đơn giản: nhà banh, cầu tuột, ống trượt, nhà hơi... đã thực sự không cuốn hút được các em thiếu nhi.
Công viên Khánh Hội (quận 4, với diện tích 13.000m2), được xem là mô hình mẫu để xây dựng và thiết kế các trò chơi vận động cho trẻ với hơn 20 trò chơi vận động ngoài trời và trong nhà được đưa vào sử dụng cuối năm 2009 thu hút nhiều phụ huynh đưa con tới đây vui chơi.
Các em thiếu nhi trong CLB Sao Bắc Đẩu đang tập kỹ năng sơ cứu vết thương trong một buổi sinh hoạt. |
Ngoài khu vực vui chơi dành cho trẻ từ 10 tuổi trở xuống thì còn có các trò chơi vận động cho trẻ ngoài trời như: Đá bóng trên cát, đi cầu khỉ, vượt địa hình... thu hút khá đông các em từ lứa tuổi 12-16 tham gia. Trong những ngày cuối tuần phụ huynh đưa con từ các quận 1, 3, 5… đến đây rất đông khiến công viên luôn ở trong tình trạng quá tải sau hơn một năm đưa vào hoạt động.
Để đáp ứng nhu cầu của các em thiếu nhi, Công ty Dịch vụ công ích quận 4 tiếp tục đưa vào khai thác thêm một khu vui chơi nằm trên đường Tôn Thất Huyết (phường 6, quận 4) nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng phần nào cho các em trong phường 6 và các phường lân cận. Nhiều đơn vị, cá nhân đã đứng ra tổ chức các khu vui chơi, với các trò chơi sinh động, thu phí cao nhưng lại chưa đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia. Nhiều chỗ, sân chơi được tận dụng, tổ chức trên những bãi đất trống ghồ ghề, các trò chơi đã cũ kĩ, rỉ sét, nền cát để bảo vệ trẻ rất bẩn lẫn chung với rác thải.
Công viên bị chiếm dụng phục vụ cho người lớn
Sân chơi cho trẻ bị hạn chế đã đành, nhiều công viên còn bị lấn chiếm để phục vụ các hoạt động kinh doanh nhà hàng, sân quần vợt thu hẹp dần diện tích, sân chơi cho trẻ. Tại công viên Lê Thị Riêng (quận 10), tình trạng chiếm dụng khuôn viên diễn ra khá nghiêm trọng. Hai mặt tiền của công viên phía đường Trường Sơn và Cách Mạng Tháng Tám trở thành điểm bày bán lý tưởng cho các hộ kinh doanh cây cảnh, bãi giữ xe, siêu thị. Đi sâu vào bên trong, khuôn viên cũng bị "chia năm xẻ bảy" để làm sân khấu ca nhạc, nhà hàng, sân quần vợt dành cho người lớn.
Chưa kể, một 'đội quân" bán hàng rong luôn túc trực phía trước mặt công viên gây mất ANTT, rác thải xả bừa bãi. Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội, tiêm chích ma túy, mại dâm vẫn len lỏi diễn ra hằng ngày tại một số công viên khiến phụ huynh cũng lo ngại khi đưa con tới đây, phần nào khiến sân chơi của trẻ cũng bị thu hẹp lại trong 4 bức tường ở nhà. Vào sâu trong công viên Gia Định, rất nhiều kim tiêm, bao cao su vứt vương vãi nằm lẫn trong thảm cỏ. Phía đường Hoàng Minh Giám cũng bị một đội ngũ hàng rong "che lấp" mặt tiền công viên.
Năm 2011 được chọn là "Năm vì trẻ em", TP HCM sẽ đưa vào sử dụng 10 khu vui chơi cho trẻ em. Tính đến nay, một nửa số khu vui chơi đã đưa vào sử dụng tại công viên Tao Đàn, công viên Phú Lâm, công viên văn hóa xã Bình Chánh, Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu niên huyện Nhà Bè… tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi. Các khu vui chơi còn lại còn lại sẽ được đưa vào sử dụng nhân dịp Trung thu sắp tới sẽ phần nào giải tỏa được cơn khát sân chơi cho trẻ hiện nay. Tuy nhiên, ngoài việc dành mặt bằng, không gian riêng cho trẻ em thì cũng cần lắm những sân chơi tinh thần, góp phần rèn luyện kĩ năng sống bồi dưỡng tâm hồn cho trẻ