Theo chân những người lính rà phá bom mìn

Thứ Năm, 05/11/2009, 08:37

Chiến tranh đã lùi xa gần 35 năm, nhưng trên mảnh đất A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế, vùng đất được mệnh danh "một thời đạn bom" vẫn còn rất nhiều bom, mìn và các loại vật liệu nổ khác đang nằm trong lòng đất. Ngày lại ngày, lực lượng công binh vẫn thầm lặng dò tìm, xử lý bom mìn để cho những vùng "đất chết" được hồi sinh...

An táng… "thần chết"

Chúng tôi có dịp cùng Thượng tá Lê Quang Bình, Trưởng ban Khoa học-công nghệ và môi trường thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra công tác rà phá bom mìn ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Trời nắng nóng, tôi theo chân Trung tá Mai Xuân Kỳ, đội trưởng đội rà phá bom mìn - người đã có thâm niên trong nghề ra hiện trường để chứng kiến các chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Dọc đường đi, anh Kỳ cho biết, đơn vị thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn thường ở những địa bàn rừng núi, sông suối hiểm trở. Dù thời tiết mưa hay nắng, lạnh hay nóng, anh em cũng cố gắng thực hiện với hiệu quả cao và an toàn nhất. Cái khó và nguy hiểm luôn rình rập là các loại bom, mìn và vật liệu nổ đã bị hoen rỉ vì thời gian nằm dưới lòng đất quá lâu. Một số loại như mìn định hướng, lựu đạn cài đã mở chốt an toàn, đầu M79 bắn ra nhưng do lỗi kỹ thuật nên chưa nổ, bom từ trường, bom hoá học... khi phát hiện, nếu trong thao tác tháo gỡ và tiêu hủy chỉ cần một động tác bất cẩn, sai qui trình thì hậu quả thật khó lường. Do đó, đối với cán bộ, chiến sĩ công binh thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, lúc nào cũng đặt "hiệu quả, an toàn" lên trên hết.

Anh Kỳ cho biết thêm, có hôm đang làm nhiệm vụ ở Hương Lâm, anh em đào phải một quả bom hoá học. Khí độc xì ra rất nguy hiểm nhưng các anh đã nhanh trí dùng bùn và bao ni lông gói kỹ rồi đưa xuống một cái hồ nước an toàn. 

Các chiến sĩ công binh cẩn thận di chuyển một quả bom vừa tìm được.

Tại triền đồi thuộc xã Đông Sơn, chúng tôi thấy một tổ công binh đang làm nhiệm vụ. Dụng cụ mang theo để xử lý là một chiếc xô nhựa đựng một ít cát, một chiếc xẻng và một con dao đeo bên mình. Chiến sĩ Nguyễn Trung Việt đi trước dò mìn, theo sau là chiến sĩ Đặng Quốc Tuấn. Vừa điều khiển chiếc máy quét, Việt vừa nói: "Dò tìm phải bám theo tuyến, tay cầm máy phải nhẹ nhàng đưa qua đưa lại bàn quét tín hiệu. Các động tác tiến hành phải theo thứ tự, mỗi khi chiếc đĩa trên đầu máy dò mìn phát ra tiếng "bíp, bíp..." báo hiệu có vật kim loại trong lòng đất thì cắm cờ đuôi nheo hoặc cọc chuẩn để đánh dấu. Sau đó, người đi sau dùng dao dò tìm vật liệu nổ rồi mới từ từ khơi chúng lên và dùng chốt kẹp xử lý, rút ngòi nổ".

Các vật liệu nổ được thu gom cẩn thận vào một cái thùng gỗ chắc chắn được lót cát mịn dưới đáy để vận chuyển an toàn về khu vực riêng. Từ đây, tuỳ theo từng loại bom, mìn mà có cách vận chuyển và tiêu huỷ an toàn. Tại thôn A So 1, xã Hương Lâm, chúng tôi chứng kiến những người lính công binh đang xử lý một quả bom 750 bảng Anh còn nguyên vẹn nằm sâu dưới gốc một bụi tre gần khu vực dân cư sinh sống. Để tháo gỡ an toàn, chỉ huy đơn vị đã phân công các đồng chí nhiều kinh nghiệm và thống nhất phân loại bom qua ký hiệu, đầu đạn để xác định phương pháp tháo gỡ...

Do đã nắm chắc nguyên lý về tháo gỡ bom nên các chiến sĩ công binh đã tháo gỡ 2 ngòi nổ thành công. Ông Hồ Cơ có nhà ở cách đó chừng 50m cho biết, tui ở đây mấy chục năm mà không biết gần vườn mình vẫn còn bom. Nay, các chú bộ đội về tìm kiếm, lấy đi, chúng tôi thật sự biết ơn các anh. Thượng tá Lê Quang Bình cho biết, xác định nhiệm vụ rà phá bom mìn có tính chất đặc biệt nguy hiểm nên khi vào công việc cụ thể, mọi người đều phải tập trung cao độ. Phải nắm vững nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn và không cho phép một sơ suất nhỏ nào, để bảo đảm an toàn tính mạng cho mình, đồng đội và nhân dân xung quanh khu vực có bom.

Dò tìm, tháo gỡ bom mìn đã nguy hiểm, nhưng quy trình xử lý hủy nổ lại càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Để vận chuyển một lượng lớn bom mìn đến nơi phá hủy phải đi đoạn đường từ 10 đến 20km, đường rừng lắc lư, xe nghiêng phải, nghiêng trái, nên phải làm tốt công tác sắp xếp, bố trí hợp lý để tránh phát nổ. Vất vả, gian khổ là vậy nhưng người lính công binh lúc nào cũng lạc quan. Các anh luôn nghĩ, những vùng đất đầy bom đạn gieo rắc tang thương bất cứ lúc nào được "làm sạch", nhân dân yên tâm lao động sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học... mọc lên là thấy hạnh phúc và mãn nguyện rồi.

Trả lại màu xanh cho những vùng "đất chết"

Đến nay, cán bộ, chiến sĩ công binh đã đến các xã thuộc huyện A Lưới để dò tìm và phá hủy an toàn hàng chục tấn bom mìn, vật liệu nổ. Những thôn làng, nương rẫy các anh đi qua, cuộc sống thanh bình của người dân, màu xanh cây trái đã hồi sinh trở lại. Những khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp mọc lên báo hiệu sự phát triển ngày mai của huyện vùng cao A Lưới. Đại tá Thái Vĩnh Tính, đơn vị thi công thuộc Binh đoàn Trường Sơn tâm sự: "Thừa Thiên - Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là địa bàn trong chiến tranh hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn Mỹ - quân đội Sài Gòn dội xuống.

Chỉ tính trong vài năm trở lại đây cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã "làm sạch" được hàng nghìn héc-ta đất.Với tinh thần an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, có lúc chúng tôi huy động 50 đội dò tìm với gần 1.000 người tham gia tìm kiếm bom mìn. Các anh đã xử lý an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã làm tốt công tác dân vận; giúp bà con thu hoạch lúa mùa, tổ chức cho bộ đội giúp dân khi mưa lũ; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí".

Đồng chí Lê Tiến Sáu, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Bắc xúc động nói: “Chúng tôi đang thiếu đất canh tác, nhưng những người lính công binh đã giúp "làm sạch" thêm 220ha đất, thật biết ơn các anh vô cùng”. Đồng chí Hồ Chí Thời, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thì không giấu nổi niềm vui nói: “Bom đạn còn lại ở A Lưới rất nhiều. Nay được các đơn vị quân đội rà phá, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ, chúng tôi rất biết ơn những người lính công binh. Qua nhiều đợt tổ chức triển khai dự án rà phá bom mìn, lực lượng công binh đã giúp huyện nhà giải phóng hàng ngàn héc-ta đất. Có đất, chúng tôi lại phân bổ để địa phương tái định cư, nhân dân mở rộng sản xuất”.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở A Lưới, chúng tôi thật cảm kích trước những việc làm của họ trên "mặt trận không tiếng súng" và hiểu rằng trong sự phát triển của quê hương, đất nước hôm nay có một phần đóng góp công sức và hy sinh thầm lặng của các anh.

Theo ước tính, hiện còn khoảng 350.000 - 800.000 tấn bom mìn và các vật liệu nổ từ thời chiến tranh vẫn còn nằm trong lòng đất trên khắp đất nước. Cho đến nay, đã có 38.849 người bị thiệt mạng và 65.752 người khác bị thương do bom mìn và các vật liệu nổ chưa được tháo gỡ kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ vào năm 1975

Công Bình
.
.
.