"Thế giới chìm" của đồng tính nữ
Nếu như với người ĐT nam, xã hội bắt đầu hiểu hơn về họ thông qua các nghiên cứu, các can thiệp nhằm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử; thì với ĐT nữ, thế giới của họ gần như còn hoàn toàn chìm. Chưa có một nghiên cứu sâu nào về giới ĐT nữ ở Việt
Chấp nhận ở trong bóng tối, sống hai cuộc đời hay đứng lên lập thân lập nghiệp?
Theo một nghiên cứu chưa đầy đủ của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) về người ĐT nữ ở Hà Nội, hầu như không thể tiếp cận và tìm kiếm người ĐT nữ ở thế hệ 7X. Đa số người được tiếp cận thuộc thế hệ 8X và 9X. Đây cũng là thế hệ được xem là cởi mở và bạo dạn hơn đối với các quan hệ tình dục.
Một điều đáng nói là trong gia đình của người ĐT nữ 8X, 9X, các anh chị em là người dễ thông cảm, chia sẻ với con người thật của họ, còn cha mẹ thường giận dữ, la mắng, cấm đoán và đẩy con cái đến cảnh phải giấu giếm giới tính của mình. Thế giới người ĐT nữ 8X và 9X tạm phân chia theo khuôn mẫu B, SB và fem. Trong đó, B tạm dịch là người nam tính, SB là nam "mềm" hơn và fem là người nữ tính.
B và SB thường yêu fem và ngược lại fem yêu B hoặc SB, nhưng đôi khi cũng có sự pha trộn. Khi yêu nhau, B và SB đóng vai trò tương tự vai trò nam truyền thống, thường là người chủ động "tấn công", nếu đi chung xe thì là người cầm lái, đi uống nước thì trả tiền… Ngược lại, fem đóng vai trò như người nữ truyền thống, thường chăm sóc, dịu dàng với B và SB.
Tuy nhiên, ngoài một số ít những người ĐT nữ trẻ dám sống đúng với xu hướng tình dục của mình, thì với nhiều người ĐT nữ khác lớn tuổi hơn, ngay cả với chính mình, họ cũng không muốn thừa nhận mình là người ĐT. Họ không chấp nhận điều đó và chấp nhận sống hoàn toàn trong bóng tối.
Một số khác chấp nhận sống hai cuộc đời, một mặt vẫn hoàn thành sứ mạng làm vợ làm mẹ như bao người phụ nữ khác, một mặt vẫn có cuộc sống tình dục bí mật với người tình đồng giới. Có người cho rằng, có thể người ĐT nữ dễ chấp nhận im lặng, cam chịu chung sống với người chồng dị tính hơn người ĐT nam là do đặc điểm sinh lý. Người nữ không yêu chồng, thậm chí căm ghét chồng vẫn có thể hoàn thành nghĩa vụ làm vợ, nhưng người nam thì khó khăn hơn khi phải làm nhiệm vụ trái với xu hướng tình dục của mình.
Có một điều rất ấn tượng ở những người ĐT nữ so với người phụ nữ thông thường, là hình dung về hạnh phúc. Với quan niệm phổ biến trong xã hội, "đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm", một người nữ có thể chỉ cần lấy một người chồng tốt, biết nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình, có một công việc ổn định để không bị lạc hậu với thời cuộc… đã là người hạnh phúc và trong suốt cuộc đời, họ luôn nhận được sự giúp đỡ của chồng, gia đình và người xung quanh.
Nhưng với người ĐT nữ, hạnh phúc có nghĩa là phải tự đứng lên lập thân lập nghiệp, tự mua nhà, độc lập về kinh tế, không dựa dẫm vào cha mẹ. Có như thế, họ mới giành được cơ hội yêu và sống với người họ thật sự mong muốn. Cho dù để có được hạnh phúc đó, họ phải có một ý chí mạnh mẽ bên trong thân thể cũng "chân yếu tay mềm" như những phụ nữ khác.
Ước mơ mái nhà có hai người mẹ
Đó là dự định hoàn toàn nghiêm túc trong vài năm tới của hai cô gái V. và L. - thành viên nhóm ICS tại TP HCM. V. và L. đã chung sống hòa hợp với nhau được một thời gian và mong muốn sẽ có một trong hai người mang thai, sinh con.
Như tất cả mọi người, người ĐT cũng muốn có một gia đình hạnh phúc với người mình yêu, có con cái và cùng nhau nuôi chúng lớn lên. Trong giới, đã có cặp đôi là người ĐT nữ chung sống với nhau từ cả chục năm nay và đã có con. Đó là nguồn động viên lớn với người ĐT.
Nhưng V. và L. đều là hai cô gái mới tốt nghiệp ra trường, để nuôi con, cần chuẩn bị vững vàng thêm về kinh tế. Rồi cả hai còn có mối lo lắng chung, đứa bé có lớn lên đủ đầy, công bằng như bao đứa trẻ khác, khi mà gia đình chỉ có hai bà mẹ hay không? Hơn nữa, cả V. và L. đều trong tình trạng "bán công khai", bạn bè và nhiều người trong giới đã biết hai bạn là người ĐT và yêu nhau, nhưng gia đình hai bên thì tuyệt nhiên không biết.
V. dự định năm 2010 sẽ nói cho mẹ biết, sau đó là ba và thuyết phục cả gia đình chấp nhận, vui vẻ với giới tính của V. V. là người hiểu rõ ba mẹ nhất và tin rằng, ba mẹ sẽ hiểu và thông cảm với mình. Nói tới đây, V. lại trầm tư, mình nghĩ như vậy, nhưng không thể chắc chắn ba mẹ sẽ phản ứng thế nào. Vả lại, hạnh phúc của người ĐT rất mong manh. Dự định, ước mơ là như thế, nhưng không biết nó có trở thành hiện thực hay không.
Dưới mái nhà của người ĐT nữ, fem thường là người sinh con, còn B và SB đóng vai trò như một ông bố. Tuy vậy, trong cả tình yêu lẫn đời sống hàng ngày, B và SB, đặc biệt là B - những cô gái có vẻ bề ngoài rất nam tính, tính cách mạnh mẽ, nhiều người thể hiện như một người nam - dường như lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Do dáng vẻ như nam giới, B dễ lộ diện trong đám đông và thường bị xì xào, kỳ thị, thường khó xin việc hoặc bị từ chối, tìm lý do cho nghỉ việc. Khi yêu, B luôn là người sống trong nỗi lo sợ bị mất người yêu. Vì người yêu của họ - fem thường là các cô gái rất nữ tính, có những người nam dị tính khác yêu mến và dễ bị gia đình "lôi kéo", bắt ép lấy chồng. Một tình yêu lâu dài đã là điều khó với người ĐT, chứ chưa nói tới ước mơ "ngôi nhà và những đứa trẻ".
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng rộng mở và cuộc sống được chấp nhận đa dạng như nó vốn có. Nếu như cách đây chỉ vài chục năm, người Mỹ chỉ chấp nhận mô hình gia đình truyền thống với một ông bố, một bà mẹ và con cái, thì ngày nay, kiểu gia đình "kết hợp dân sự" giữa những người bất kể giới tính và quan hệ huyết thống đã được luật pháp chính thức công nhận.
Điều quan trọng nhất là gia đình "kết hợp dân sự" cũng yêu thương nhau, cùng chăm sóc, làm cho các thành viên sống chung hạnh phúc, không vi phạm pháp luật và có trách nhiệm nuôi dạy con cái… như các gia đình kiểu truyền thống khác. Giống như một nhà thơ đã viết "Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy/ Không chỉ để dành cho một riêng ai"
Mặc dù theo ước tính của các nhà khoa học, trong một cộng đồng, tỷ lệ người đồng tính (ĐT) nữ tương đương với ĐT nam, nhưng trên thực tế, số người ĐT nữ lộ diện trong thế giới thứ 3 luôn ít hơn nhiều so với ĐT nam. Có ai đó nói rằng, ngoài xã hội người dị tính, người nam luôn chủ động, mạnh dạn hơn trong việc tìm kiếm người yêu, thì trong cộng đồng đồng tính, người nam dường như cũng táo bạo hơn trong việc lộ diện và sống thật với xu hướng tình dục của mình. Làm người ĐT nam đã khó khăn và dễ bị kỳ thị nặng nề, thì làm người ĐT nữ còn có những khía cạnh khắc nghiệt hơn nhiều, khi mà quan niệm chung trong xã hội còn nhiều định kiến với những người phụ nữ dám đòi hỏi một cuộc sống tình dục theo ý riêng của mình. |