Tháng 8 ở Nha Công an Trung ương

Thứ Ba, 20/08/2013, 13:58
Mặt trời dần tròn trên đầu người. Cái nóng hầm hập như táp vào mặt người. Dòng người đổ về Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam - Nha Công an Trung ương tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương - Tuyên Quang) mỗi lúc một đông.

Với nén tâm nhang thành kính trên tay, mọi người đến đây với tâm trạng bồi hồi, tưởng nhớ những anh lính CAND đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền Tổ quốc. Những ký ức về một quá khứ oai hùng lại được dội về qua chứng tích lịch sử, lời kể của cán bộ hướng dẫn viên khu di tích.

Hướng về nguồn cội

Khuôn viên Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam - Nha Công an Trung ương vào những ngày này rộn rã lạ thường. Khắp mọi ngả đường, các đoàn du khách trong và ngoài nước lại đổ về đây.

Về đây để sống lại không khí hào hùng của lực lượng CAND một thời. Không khí hân hoan mừng đón kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2013), thắng lợi Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 lộ rõ trên khuôn mặt các học viên Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang (Bộ Công an).

Lần đầu được tận mắt chứng kiến kỷ vật, các gian phòng làm việc của Nha Công an Trung ương (cơ quan tiền thân của Bộ Công an ngày nay), học viên Dương Văn Thanh, quê ở Bố Trạch (Quảng Bình) đang theo học lớp B4C7 Khoa Bảo vệ mục tiêu, không giấu được sự kính trọng và cảm phục.

Học viên Thanh bảo rằng, được nhà trường tạo điều kiện, ngày hôm nay, 17/8, khi dịp kỷ niệm Ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam 19/8 đang đến gần, bản thân đã cùng các bạn trong Khoa trở về nguồn, về để tham quan căn cứ địa CAND một thời để lại.

Đợt sinh hoạt chính trị lần này tại Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam đã giúp cho những học viên Cảnh sát như Thanh thêm hiểu hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của các bậc cha anh đi trước.

Nữ học viên cơ yếu, Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND, Dương Thị Ngọc Hoa háo hức lắm khi Trung úy Nguyễn Như Trang – cán bộ hướng dẫn tham quan của Khu di tích giới thiệu về các kỷ vật, hình ảnh được phục dựng, còn lưu giữ đến thời điểm hiện tại về điểm di tích – Nhà Thông tin điện đài.

Nhà Thôn tin điện đài được dựng bằng tre, nứa, lá, cọ, chính là nơi mà cán bộ, chiến sĩ thông tin điện đài làm việc, liên lạc với các cơ quan Trung ương ở căn cứ cách mạng Tân Trào. Đây chính là đầu mối thông tin liên lạc quan trọng nhất để phục vụ trực tiếp cho Nha Công an Trung ương và khối cơ quan Chính phủ đóng trên địa bàn An toàn khu Tân Trào.

Nữ học viên Hoa tâm sự: “Nghe cán bộ hướng dẫn kể về sự khó khăn vất vả trong quá trình hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc thời bấy giờ, em thấy mình thật nhỏ bé. Thời đó, các bác, các cô, các chú chỉ với những phương tiện giao thông, liên lạc đơn giản như: xe đạp, ngựa, thuyền, đi bộ, điện thoại hữu tuyến… mà đã làm nên những chiến thắng oai hùng, ghi danh lịch sử. Chúng em – những học viên CAND chuyên ngành Cơ yếu, thông tin liên lạc không nỗ lực sao được!”.

Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn, Phó trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử CAND Việt Nam cho hay, trong mấy ngày qua – khi mà ngày kỷ niệm truyền thống lực lượng CAND – 19/8 đang đến gần, Khu Di tích đã đón gần chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước. Trong đó, chiếm đa phần đến từ đơn vị Công an các địa phương, nhà trường – học viện đào tạo người lính CAND. Tất cả đến đây đều có chung một mục đích đó là để báo công, ôn lại lịch sử hào hùng một thời của lực lượng CAND và tự nhủ sẽ phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình đối với công cuộc gìn giữ ANTT, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Học viên Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND tham quan tại Bảo tàng lịch sử CAND tại Khu Di tích lịch sử CAND Việt Nam.

Kế tục truyền thống anh hùng

Vâng, đối với những học viên CAND đang theo học trên ghế nhà trường, tâm trạng là vậy, còn với những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm trực tiếp chiến đấu, góp yên bình cho cuộc sống người dân thì sao? Thật khó kể xiết suy tư của các anh.

Cùng đi với đoàn công tác của Công an TP Hải Phòng lên Nha Công an Trung ương thắp hương tưởng niệm, ôn lại truyền thống lịch sử nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng CAND, Trung tá Hoàng Kim Cương, cán bộ Văn phòng Công an TP Hải Phòng hơn một lần lặng đi khi đứng trước bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ CAND đã ngã xuống qua các thời kỳ để bảo vệ ANTT, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc được đặt nghiêm trang tại khu vực trung tâm Tượng đài “Bảo vệ An ninh Tổ quốc”.

Trung tá Cương bảo rằng, với những hy sinh, mất mát của các anh, các chị - những người lính CAND tiền nhiệm thật xứng đáng để cho các thế hệ CAND sau này noi theo. Và để bày tỏ sự tri ân đối với người đi trước, những cán bộ Công an như anh hiện nay không ngừng tận tụy với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an giao phó. Mãi xứng danh người lính CAND “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Đại tá, Nhà giáo ưu tú Đặng Việt Xô, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND, dẫn đầu đoàn công tác nhà trường “về nguồn”, tặng quà gia đình cán bộ chính sách Công an tỉnh Tuyên Quang lần này vẫn xúc động như lần đầu tiên đặt chân lên nơi khởi nguồn lịch sử CAND này. Ông bảo, lần nào cũng vậy, mỗi lần đặt chân lên vùng đất địa linh, nhân kiệt – Nha Công an Trung ương nơi đây là mỗi lần trong lòng lại bồi hồi, xao xuyến khó tả. Suy nghĩ phải làm sao kế tục cha anh, góp phần vào công cuộc bồi dưỡng giáo dục cho các học viên CAND trưởng thành, ra đời hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp yên bình cho xã hội lại dội về.

Vừa trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Nha Công an Trung ương, thầy Đặng Việt Xô vừa cho hay, hoạt động về nguồn, giáo dục tư tưởng chính trị lối sống cho các cán bộ, đoàn viên thanh niên đang công tác, theo học tại nhà trường luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu không ngừng đẩy mạnh. Qua hoạt động về nguồn tại các điểm di tích lịch sử, nhất là tại Khu di tích lịch sử CAND Việt Nam, các em – những học viên CAND sẽ có thêm hành trang kiến thức, tư tưởng chính trị người lính CAND trước khi ra thực tiễn cho mình.

Càng đi tham quan, càng lặng ngắm các gian trưng bày kỷ vật, nơi làm việc một thời của lực lượng CAND như: Nhà Ty Tình báo, Nhà Ty Trật tự - Tư pháp, Nhà Ty Chính trị, Nhà làm việc của đồng chí Giám đốc Nha Công an Trung ương… chúng tôi càng thêm khâm phục về tinh thần quật cường của những cán bộ, chiến sĩ CAND Việt Nam. Các thế hệ đi trước đã vượt khó, kiêu dũng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Giữ vững độc lập chủ quyền Tổ quốc.

Khu Di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam tại thôn Đồng Đon – xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là nơi ở và làm việc đầu tiên của Nha Công an Trung ương từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950.

Toàn bộ nhà ở và làm việc của các bộ phận trong Nha Công an TW được phân bố trên 2 quả đồi lớn thường được gọi là đồi A và B. Hai quả đồi này nằm liền nhau và sát cánh đồng Lũng Cò trước đây có sân bay gần suối Lê. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rừng núi, xóm làng rộng lớn thuận tiện cho việc đi lại hội họp. Phía sau hai quả đồi có núi Đền bao bọc, địa thế kín đáo và hiểm yếu rất thuận lợi cho việc bảo vệ.

Trong thời gian này, Nha Công an Trung ương đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan đầu não của Trung ương.

Và cũng tại đây đã chứng kiến những bước trưởng thành của toàn lực lượng, là nơi Nha công an Trung ương ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng, là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với CAND. Khu di tích đã được tôn tạo khôi phục và khánh thành vào năm 2000.

Xuân Huy
.
.
.