Tháng 5 ở xứ “Mường Trời”
Để nói về loại gạo thảo thơm như tình đất, tình người Điện Biên, đêm từng đêm bên bếp lửa hồng, bà mẹ người Thái bồi hồi kể cho con cháu câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Rằng, từ buổi khai thiên lập địa, có một ải Lậc Cậc đã đặt lưỡi cày thần thoại tận mãi Mường Lò (tỉnh Yên Bái) vào đến Mường Thanh (Mường Then) - dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là Mường Trời. Từ những đường cày của ải, đất lật thành những dãy núi nối nhau trùng điệp bao la. Sau cùng vì mệt, ải nghỉ dưỡng sức từ đó và đã để lại cánh đồng Mường Thanh cho hậu thế ngày nay. Cánh đồng ấy được tưới mát bởi đập Thuỷ nông Nậm Rốm - công trình thuỷ lợi lớn nhất Tây Bắc những năm 60 của thế kỷ trước.
Sự kết hợp giữa yếu tố dân gian và bàn tay, khối óc của con người đã giúp Điện Biên từ một tỉnh thiếu lương thực trầm trọng giờ có gạo chuyển về xuôi, gạo vượt biên giới để đem ngoại tệ về làm giàu cho công cuộc dựng xây.
Hôm nay, 58 năm sau trận thư hùng Điện Biên Phủ, tôi ung dung thả bước giữa lòng chảo Mường Thanh bên sóng lúa dạt dào. Độ này, lúa Mường Thanh óng ả một màu vàng, điểm xuyết bởi những gam màu xanh của lúa muộn tạo nên bức tranh thuỷ mặc kì thú ở Tây Bắc. Nhìn sóng lúa nối nhau chạy xa tít tận chân núi Hồng Mèo, ta không chỉ no con mắt mà còn hả hê tấm lòng về những mùa vàng trên cánh đồng “nhất Thanh”; những thửa ruộng 40 triệu - 50 triệu đồng một hécta cũng nhờ phù sa sông Nậm Rốm mà đơm hoa kết trái, hạt mẩy bông to.
Một góc TP Điện Biên Phủ hôm nay. |
Cũng như con người Mường Thanh, sông Nậm Rốm lúc có giặc thì sục sôi đánh giặc, giặc chạy rồi lại cần mẫn góp sức dựng xây. Một dòng sông chảy qua trận mạc, chảy qua truyền thuyết, chảy qua thi ca, chảy qua hoài niệm, chảy qua những mối tình lãng mạn và chảy qua những mùa vàng no ấm; làm phong phú, ý nghĩa và hấp dẫn thêm tên đất, tên người Điện Biên Phủ…
58 năm một chặng đường lịch sử vẻ vang, vùng đất lịch sử “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” đã vươn lên trong khát vọng dựng xây như có những bước nhảy thần kỳ, làm thay đổi cả thung lũng Mường Trời. Cơ cấu kinh tế có chuyển dịch tích cực, sản xuất hàng hoá phát triển, kinh tế tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, những năm đổi mới tốc độ tăng trưởng đạt từ 9% - 10,0%. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, kiềm chế và làm giảm hoạt động của các loại tội phạm.
Trưởng thành trên mảnh đất anh hùng và trưởng thành trong thử thách, cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên đã luôn phát huy truyền thống, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, mưu trí, chiến đấu dũng cảm, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các tổ chức phản động, tình báo, gián điệp và bọn tội phạm, giữ vững và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong điều kiện còn khó khăn, nhưng sau nhiều nỗ lực vượt bậc, đến nay có trên 57% cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Điện Biên có trình độ đại học và trên đại học; 100% cán bộ quy hoạch lãnh đạo các đơn vị có trình độ đại học, cao cấp lý luận chính trị. 8 năm liên tục (từ 2001 – 2008), Công an tỉnh Điện Biên được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần 2, đặc biệt là năm 2009, Công an Điện Biên đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới...
Cô và cháu trên đồi A1. |
Những ngày này, từ trên tháp chuông của Nghĩa trang - Quảng trường A1, cứ vài tiếng đồng hồ lại có một hồi chuông chiêu hồn tử sĩ nghẹn ngào vút lên không trung, xoáy vào lòng người và lắng lại những dư âm da diết trong từng cõi tâm linh. Như một lẽ tự nhiên, danh từ riêng Điện Biên Phủ với ý nghĩa trang trọng nhất, đã được chuyển hoá thành động từ để chỉ sự đoàn viên, sự quay về trong tinh thần đồng tâm hiệp lực, san sẻ yêu thương.
Chính mắt tôi đã thấy và thấy không chỉ một lần mà là nhiều lần, nhiều người, đứng khóc nức nở trước những hàng bia trắng trong nghĩa trang A1, như thể 58 năm qua nước mắt dồn lại đến bây giờ... Đó là các bác, các anh - những người có chung cái tên gọi giản dị mà rất đẹp là cựu chiến binh Điện Biên Phủ - thuộc các Đại đoàn 304, 308, 312, 316 và 351. Hôm nay về đây chụm mái đầu bạc, soi vào mắt nhau để gặp lại mình, để tiếc nhớ người đã khuất, và để không bao giờ quên quá khứ oai hùng với “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non... ".
Trong sắc nắng tháng Năm nồng nàn ủ theo hương chàm và mùi rượu cần, trong niềm tự hào được sống những ngày đáng sống nhất và đáng nhớ nhất, mỗi chúng ta lại ngân nga khúc hát tự hào, trên mảnh đất từng thấm đỏ máu cha anh và mặn nồng giọt mồ hôi của bao lớp người đi trước.
Kỷ niệm 58 năm ngày chiến thắng, nếu có dịp mời bạn lên đây, để cùng người Điện Biên nới rộng vòng xoè. Trong đêm giao lưu dưới mái nhà sàn khum khum hình cái mai rùa, trước khi ta vụng về đón cần rượu vít cong từ tay các em gái Thái mềm mại, thì các già bản đã làm lòng ta nghiêng ngả bởi câu chuyện như thực như mơ: Rằng ngày xửa ngày xưa, miền đất này có tên gọi “Mường Trời”...