Thăm vùng đất "cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ"

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:07
Trong nhà nhiều người dân Cà Mau, nhất là người dân huyện Thới Bình, hình ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa thường được treo nơi trang trọng nhất. Người dân trên bờ kênh Chắc Băng ai cũng có thể kể vanh vách câu chuyện hơn 60 năm trước.


Cận kề dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 126 của Bác Hồ, tôi về Cà Mau thì được biết vừa qua lễ giỗ lần thứ 30 của má Tư, tức bà Lê Thị Sảnh. Mộ bà nằm ven quốc lộ 63, gần cống Ranh Hạt giáp giữa tỉnh Cà Mau với Kiên Giang.

Cạnh đó là bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”, có hình ảnh Bác đang tưới cây vú sữa, được tỉnh Cà Mau xây dựng nhân kỷ niệm 50 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc. Cách đó vài cây số là Phủ thờ Bác Hồ, cũng có trồng một cây vú sữa...

Trong nhà nhiều người dân Cà Mau, nhất là người dân huyện Thới Bình, hình ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa thường được treo nơi trang trọng nhất. Người dân trên bờ kênh Chắc Băng ai cũng có thể kể vanh vách câu chuyện hơn 60 năm trước. 

Tác giả bên bia kỷ niệm "Cây vú sữa miền Nam".

Ông Huỳnh Minh Tâm (78 tuổi) có gần chục năm tự nguyện trông coi Phủ thờ Bác (ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực). Theo lời ông Tâm, sau khi ký hiệp định Genève, kinh Chắc Băng được chọn là trung tâm khu tập kết 200 ngày để cán bộ miền Nam ra Bắc.

Tại Ranh Hạt (khu vực giáp ranh giữa xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh cà Mau với xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, nằm bên bờ Chắc Băng), má Tư đã đến điểm cán bộ đang tập trung, bày tỏ ước nguyện của mình: “Má muốn gởi các con cây vú sữa ra kính tặng Cụ Hồ và đồng bào miền Bắc”.

Tới ngày tiễn đưa, má Tư hai tay ôm cây vú sữa nhỏ bước tới đưa cho ông Ba Kiên, khi đó là Đại đội trưởng đại đội pháo Tiểu đoàn 307, căn dặn: “Ra đó, các con thưa với Cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về Cụ Hồ, hướng về miền Bắc”.

Trên con tàu Killinski (Ba Lan) ra Bắc, cây vú ấy sữa được chăm nom rất đặc biệt. Mấy ngày trên  biển, sóng gió, nhưng nhờ được thường xuyên tưới bằng nước ngọt nên khi tới Sầm Sơn (Thanh Hóa), cây vẫn xanh tươi. Mọi người trên tàu đều rất vui.

Vào ngày 26/2/1955, đúng ngày mùng 2 Tết Ất Mùi, trong dịp cán bộ, chiến sĩ đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, đại diện đoàn miền Nam là ông Nguyễn Văn Kỉnh đã dâng tặng cây vú sữa ấy lên Bác Hồ. Bác rất xúc động. Cây vú sữa sau đó được Bác trồng trong khu vườn gần nhà làm việc của Bác. Hàng ngày, tự tay Bác chăm sóc, tưới nước cho cây...

Cây vú sữa nằm trong khuôn viên Phủ thờ Bác tại xã Trí Lực được nhân giống ra từ cây vú sữa tại Di tích Phủ Chủ tịch. Ông Tâm nhắc đến chi tiết rằng trước khi mất, Bác có căn dặn một khi đất nước độc lập mà Bác chưa được vào Nam thì Bảo tàng Việt Nam phải chăm sóc, bảo quản thật tốt cây vú sữa của nhân dân miền Nam tặng Bác, sau đó nhân giống cây vú sữa ấy và gửi tặng lại nhân dân miền Nam.

 Thực hiện theo ý nguyện này của Người, cây vú sữa ở vườn Bác được nhân ra 4 cây con để chuyển vào Nam. “Năm đó là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Hay tin các cây vú sữa đã về tới Bạc Liêu, cán bộ, nhân dân Cà Mau lên Bạc Liêu đón trọng thị lắm”, ông Tâm cho biết. Tuy nhiên, khi về tới Bạc Liêu thì chỉ còn sống 2 cây.

Lúc các cây vú sữa về tới Cà Mau thì má Tư đã mất trước đó 4 năm. Cây vú sữa tặng cho gia đình má Tư cũng được trồng nhưng không sống. Riêng cây vú sữa được trồng ở Phủ thờ Bác cũng tưởng không qua khỏi vì bị sâu ăn gần trụi lá. Nhờ được chăm sóc, chẳng bao lâu sau, cây ra lá non rồi sống, cho trái khỏe tới giờ…”.

Ông Tâm miêu tả: "Khi trái chín, trên cuống hơi tím nhạt, xuống một đoạn hơn nửa trái thì xanh dợt, bên trong ruột tím nhạt".

Cà Mau hiện có 3 đền thờ Bác Hồ được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm: đền thờ Bác tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; đền thờ Bác tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình và tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Ngoài ra còn có các đền thờ khác tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi; xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân; đền thờ Bác tại Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời. 

Từ khi Bác mất đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 21 địa phương xây dựng đền thờ, gian thờ Bác Hồ để nhân dân đến thắp hương tỏ lòng tôn kính, học tập và làm theo tấm gương của Bác. 

Ngay tại trung tâm tỉnh lỵ của Cà Mau, cách nay hơn 2 năm, Khu tưởng niệm Bác với quy mô hoành tráng (gồm gian thờ Bác, nhà sàn của Bác theo nguyên mẫu và các công trình văn hoá có liên quan) đã hoàn tất công việc trùng tu, tôn tạo. Cà Mau xác định đây là khu văn hoá đặc biệt để các thế hệ người dân tận cùng cực Nam Tổ quốc ngày ngày đến đây tưởng niệm Bác, thành tâm học tập theo tấm gương, đạo đức và phong cách của Người.

Thái Bình
.
.
.