Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do
Kỳ 2: Bộn bề hệ lụy
Để vào được một điểm cư trú của bà con di cư tự do người Mông tại tiểu khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), PV Báo CAND phải vòng qua địa phận tỉnh Đắk Lắk, sau đó men theo con đường mòn dẫn vào rừng, đi ngược lại địa phận tỉnh Lâm Đồng bằng đường quanh co mịt mù đất đỏ. Điểm di dân tự do chúng tôi tiếp cận có trên 110 hộ với gần 600 nhân khẩu, đây là các hộ đến từ tỉnh Hà Giang, Lào Cao, Điện Biên và Lai Châu trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2015.
Với sự hỗ trợ tích cực của huyện Đam Rông và sự phấn đấu vươn lên của chính bà con, cuộc sống của nhiều gia đình đã ngày một no đủ hơn. Các hộ phần lớn đều có đất canh tác, trong đó chủ lực là hai loại cây cà phê và sắn (cây mỳ).
Hộ anh Thò A Sẻn được biết đến là gia đình khấm khá bậc nhất làng. Anh có 3ha cà phê, thu hoạch trung bình 3 tấn mỗi năm. A Sẻn chỉ tay ra phía đầu bờ rào: “Nhà kia kìa, Sùng A Chỉnh thu hoạch nhiều hơn”. Đó là hộ đang chất nhiều gạch và xi măng trước sân để chuẩn bị làm nền. Theo Ma Seo Cháng, trung bình mỗi hộ khoảng 1 tấn cà phê trở lên và 1 tấn sắn. Nhiều hộ đã có tivi, sử dụng năng lượng mặt trời, xe máy thì hầu như nhà nào cũng có…
Tại điểm di cư tự do này đã có trường học, thuộc điểm Trường tiểu học Liêng Srônh. Cô giáo Ka Iêng dân tộc người Châu Mạ, ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tình nguyện vào ăn ở cùng bà con để “gieo chữ”.
Thanh niên tình nguyện vào dạy chữ cho người dân di cư tự do làng Mông Tây Sơn, xã Liêng SRônh, huyện Đam Rông. |
Theo già làng Ma Seo Cháng, ngoài sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, lực lượng Công an, đoàn kinh tế quốc phòng tỉnh Lâm Đồng và các tổ chức đoàn thể vẫn thường xuyên tới thăm hỏi, khám và bốc thuốc cho bà con, hướng dẫn bà con cách sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, nhờ đó mà cuộc sống tại điểm di dân tự do này ngày càng được cải thiện.
Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng di dân tự do cũng diễn ra ồ ạt từ sau năm 2000. Một bộ phận dân di cư đến từ các tỉnh phía Bắc đã chọn các thôn Ea Ul, Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông làm nơi sinh sống. Người dân di cư tự do thường sinh đẻ rất nhiều, cùng với đó là hệ lụy nghèo khó.
Anh Sính Hi Chá và chị Sùng Thị Cỡ, xã Cư Pui cưới nhau được 14 năm và nay có tới 7 người con nhưng anh Chá chưa có ý định dừng lại vì chưa sinh được con trai để “nối dõi tông đường”. Còn vợ chồng anh Giàng Chúng Vừ vì muốn có con gái nên đã sinh đến con thứ 7 mới đạt được nguyện vọng...
Sinh đẻ nhiều, trình độ canh tác lạc hậu, nhận thức hạn chế... là những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn, nghèo khổ của người dân di cư tự do. Bên cạnh đó, nơi sinh sống của bà con di dân chủ yếu phân tán ở vùng sâu, vùng xa, xen lẫn trong các khu rừng, cách xa trung tâm xã, không có đường giao thông đi lại nên việc phát triển kinh tế, hỗ trợ các chính sách của nhà nước còn gặp không ít hạn chế.
Ông Lê Quang Dân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, di dân tự do đã làm phát sinh tranh chấp đất đai, ồ ạt phá rừng để lấy đất sản xuất, khiếu kiện kéo dài và phát sinh nhiều vấn đề buộc chính quyền địa phương phải giải quyết như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng...
“Người dân di cư tự do phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Từ chuyện chăm sóc y tế đến giáo dục và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Rất nhiều trường hợp người dân thuộc diện di cư tự do gặp khó khăn chúng tôi muốn giúp đỡ nhưng họ không có sổ hộ khẩu, là điều kiện bắt buộc để được hưởng các chính sách an sinh xã hội theo quy định!..”, ông Lê Quang Dân nói.
Theo ông Dân, tại Đắk Nông, nhiều hộ dân di cư tự do tới sinh sống ổn định đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được nhập khẩu. Nguyên nhân là những hộ này sinh sống và canh tác trên đất lâm nghiệp, không phải chỗ ở hợp pháp. Theo Luật Cư trú, các hộ này không đủ điều kiện để nhập khẩu. “Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nhân hộ khẩu, người dân cũng không được hưởng các chính sách về phúc lợi xã hội!..”, ông Lê Quang Dân cho biết thêm.
Theo ông Cil Ha Drang, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lâm Đồng, di dân tự do làm gia tăng đột biến dân số cơ học tại vùng nhập cư làm cho chiến lược dân số bị đảo lộn trên cả 3 mặt là quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng của Lâm Đồng không cân xứng với mức tăng dân số cơ học tự phát nên đã phát sinh nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tranh chấp đất đai, nạn phá rừng làm rẫy, môi trường sinh thái bị tổn hại.
“Đời sống vật chất và tinh thần của người dân di cư tự do trong những năm qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó một bộ phận không nhỏ thường xuyên thiếu đói, bệnh tật, thất học... nhất là những điểm di dân tự do thuộc bà con dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc”, ông Cil Ha Drang nói.
Ông Lê Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, di dân tự do đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, mâu thuẫn giữa người di dân tự do với đồng bào sinh sống tại chỗ.
“Một số vụ đã xảy ra xô xát, tụ tập đông người, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Có những trường hợp còn sử dụng hung khí gây thương tích, làm gia tăng tình trạng đói nghèo và tiềm ẩn những yếu tố bất ổn về an ninh, chính trị, quốc phòng trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, một số phần tử xấu đã lợi dụng di dân tự do để xuyên tạc, kích động đồng bào gây rối trật tự, chống phá chế độ, ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực Tây Nguyên.