Tấm lòng son của nhà tư sản ái quốc Đỗ Đình Thiện
- Chuyện ít biết từ người cận vệ của Bác Hồ
- Lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu 2 cuốn sổ tay của Bác Hồ
Một ngày đẹp trời, tại phòng khách ngôi biệt thự quay ra hồ Thiền Quang, tôi được tiếp chuyện GS-TSKH Đỗ Long Vân - con trai ông bà Đỗ Đình Thiện. Hôm nay, ông rất vui vì trong hai người con trai của ông đang du học tại Bỉ, người con cả vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, còn người con thứ hai vừa thi đỗ thủ khoa vào hệ đại học "kỹ sư dân sự".
Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ - GS Đỗ Long Vân tâm sự - mình mới 5 tuổi. Bố mẹ mình đã quyết định ở lại cùng tự vệ thành chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Ông cụ khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Khu Hoàn Kiếm. Bốn chị em chúng mình - mình là út, chị lớn nhất mới 12 tuổi - được các cụ gửi đi sơ tán từ trước ở Vân Đình (Hà Tây), tại nhà một người bạn thân của gia đình là ông bà Quách Văn Thinh. Con đường đi với cách mạng của ông bà Đỗ Đình Thiện khá đặc biệt. Năm 1927, sau khi được gia đình làm lễ dạm hỏi, thay vì làm đám cưới, chàng thanh niên 24 tuổi Đỗ Đình Thiện sang Pháp du học, còn cô gái Hà thành Trịnh Thị Điền ở tuổi 16 bắt đầu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng.
Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. |
Năm 1931, cô Điền bị bắt tại Hải Phòng, rồi chuyển về giam tại Sở Mật thám Hà Nội. Cô gái mảnh mai 19 tuổi đã lĩnh đủ những trận đòn dã man nhưng không chịu khai báo, rồi còn tuyệt thực suốt một tuần lễ để phản đối việc tra tấn và ngược đãi tù nhân nữ. Sợ cô chết, bọn cai ngục phải đưa cô sang Nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức) điều trị. Sau 8 tháng giam giữ, không có đủ bằng chứng để buộc tội, chúng phải trả tự do cho cô.
Trong thời gian cô Điền dưỡng thương tại Nhà thương Phủ Doãn, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo... cũng bị giam trong khu biệt giam ở đây. Sau khi được tha, biết kế hoạch vượt ngục của các đồng chí, cô Điền đã giấu 2 lưỡi cưa sắt nhỏ bằng ngón tay út vào đế một đôi dép dừa, gửi vào cho họ; và họ đã vượt ngục thành công vào đêm Noel năm 1931.
Cùng thời gian này, ông Đỗ Đình Thiện gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia những hoạt động hưởng ứng phong trào cách mạng trong nước. Ông bị mật thám Pháp bắt tại ga xe lửa Matablant (Toulouse) vì đã in và phát truyền đơn cho binh sĩ người Việt Nam trong quân đội Pháp kêu gọi họ khi trở về nước "hãy bất tuân thượng lệnh và hưởng ứng phong trào cách mạng". Tòa án Toulouse đã xử ông Thiện 4 tháng tù giam và trục xuất về nước vì những hoạt động "gây nguy hại cho chính quốc".
Sau khi ông Thiện bị trục xuất về nước và bà Điền ra khỏi tù, thủy chung với lời hẹn ước xưa, họ làm đám cưới. Bị kiểm soát gắt gao, không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông bà Thiện chuyển sang làm kinh tế. Sau bao thăng trầm, bằng chữ Tín, ông bà Thiện đã giàu có dần lên, và đến đầu những năm 1940, ông bà Đỗ Đình Thiện đã nổi tiếng trong giới tư sản Hà Thành với tiệm buôn tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội, nhà máy dệt ở Gia Lâm, và đồn điền cà phê Chi Nê mua lại của một chủ người Pháp với giá một triệu đồng Đông Dương (tương đương 2.000 lượng vàng).
Tháng 8/1943, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La về Hà Nội hoạt động, nhắn tin qua ông Vũ Đình Huỳnh muốn gặp ông bà Thiện. Ông bà Thiện hẹn gặp tại nhà riêng 54 Hàng Gai (đồng chí Nguyễn Lương Bằng đóng vai một người buôn tơ). Được đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho biết về khó khăn tài chính của Đảng, ông bà Đỗ Đình Thiện đã nhiệt tình ủng hộ ngay 3 vạn đồng Đông Dương, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ, khiến đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng phải ngỡ ngàng - như lời đồng chí kể lại sau này.
Nhắc lại sự kiện trên, năm 1972, trong một lần tiếp bà Thiện tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh đã nói: "Khi chúng tôi nhận được số tiền 3 vạn đồng anh chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng".
Từ đó cho đến lúc cách mạng thành công và cả trong những năm đầu của chính quyền cách mạng đầy khó khăn, ông bà Thiện đã đóng góp công sức và ủng hộ cách mạng nhiều lắm, dưới những hình thức như đóng góp vào Quỹ Độc Lập, Tuần lễ Vàng; mua xưởng in Taupin tặng cho Chính phủ; mua đấu giá tranh chân dung Bác Hồ, do họa sỹ Nguyễn Sáng vẽ, để cổ vũ lòng tin yêu của nhân dân đối với lãnh tụ; sáng lập và đóng góp cổ phần lớn cho Ngũ cốc Công ty và Công thương Ngân hàng...
Bà Trịnh Thị Điền. |
Vụ lúa thu 1946-1947, ông bà Đỗ Đình Thiện đã ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu II 200 tấn thóc. Trong thư cảm ơn đề ngày 22/1/1947, Khu trưởng Hoàng Sâm và Chính ủy Lê Hiến Mai viết: "...Với lòng tha thiết của ngài trong công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội Khu II xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch để xứng đáng với sự nhiệt thành ngài đã dành cho".
Trong cuốn "Nhật ký của một bộ trưởng", cố Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, đã nhiều lần nhắc tới ông bà Đỗ Đình Thiện với tình cảm trân trọng và cảm thông sâu sắc. Về sự kiện máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chi Nê của ông bà Đỗ Đình Thiện, Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: "25/2/1947. Cho làm tờ trình về vụ oanh tạc. Số thiệt hại về người và máy móc thì không có gì nhưng về vật liệu trong đó thì cũng khá quan trọng, kể cũng đến non hai triệu đồng... hai vựa cà phê của ông Đỗ Đình Thiện bị tiêu ra tro, cháy trong một tuần lễ vẫn chưa tắt. Trong cuộc kháng chiến này, sự hy sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia rất lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc".
Một ngày tháng 5/1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến 54 Hàng Gai thông báo cho ông Đỗ Đình Thiện: "Bác muốn anh tháp tùng Bác đi Pháp". Ông Thiện đã trả lời bằng một câu hỏi khiêm nhường: "Tôi có thể không đi được không?". "Nếu anh tìm được người đủ tin cậy thay anh thì anh có thể ở lại" - đồng chí Nguyễn Lương Bằng trả lời.
Ít ngày sau, trong chuyến đi thăm Pháp với tư cách thượng khách của nước Pháp, thực chất là hậu thuẫn cho Hội đàm Fontainebleau, Bác Hồ có hai tùy tùng: một thư ký riêng là Đỗ Đình Thiện, và một đại tá cận vệ là Vũ Đình Huỳnh. Chuyến đi này đã được ông Đỗ Đình Thiện ghi chép tỉ mỉ trong "Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp", hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Trong 9 năm kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc, ông bà Đỗ Đình Thiện đã đảm nhận những trách nhiệm khác nhau và trong công việc nào cũng toàn tâm toàn ý, tận tụy vì công cuộc kháng chiến. Khi được ông Nguyễn Lương Bằng mời làm Giám đốc trưởng Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, ông Thiện không chịu nhận lương. Ông nói: "Như thế dễ nói hơn, dễ làm việc hơn".
Hòa bình lập lại, là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều năm, ông vẫn không có lương và vui lòng hưởng đến trọn đời tiêu chuẩn bìa N (là tiêu chuẩn phân phối thời bao cấp dành cho nhân dân, được mua 1 lạng đường và 1 lạng thịt mỗi tháng!). Cuối năm 1971, ông Thiện bị đau nặng, vào nằm điều trị tại Bệnh viện Việt-Xô. Ngày 1/1/1972, ông Đỗ Đình Thiện qua đời ở tuổi 69. Đến phúng viếng và tiễn đưa ông Đỗ Đình Thiện có các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, thành phố...; những người bạn học thời thanh niên sôi nổi tại Pháp như các GS Trần Văn Giàu, Trương Công Quyền... và bạn bè, đồng chí qua các thời kỳ khác nhau.
"Mất của cải, không sợ/Còn trời còn nước còn non, Thì còn của cải bà con họ Hồ/ Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn" - Đó là một đoạn trong bức thư của Bác Hồ gửi gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện khi hay tin ngày 22/2/1947, tám máy bay giặc Pháp oanh tạc đồn điền Chi Nê của ông bà; tuy tài sản bị thiệt hại nặng nề song may mắn mọi thành viên trong gia đình đều bình an. Đồn điền Chi Nê là nơi Bộ Tài chính đặt cơ sở in giấy bạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giải quyết những khó khăn về tài chính của đất nước trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp... |