Tấm bản đồ bằng đá trên cao nguyên Lâm Viên

Thứ Năm, 26/01/2006, 09:19

Trong suốt 10 năm ròng, ông Nguyễn Văn Minh, 61 tuổ, ngụ tại số 4 đường Yên Thế, P.10, Tp.Đà Lạt đã bỏ bao công sức tìm đến những địa phương trong toàn quốc sưu tập các loại đá để cho ra đời tấm bản đồ Tổ quốc trên cao nguyên Lâm Viên. Ông bảo rằng đó là tấm lòng để dâng lên Đảng kính yêu.

Để hình thành tấm bản đồ bằng đá với những vùng miền đặc trưng khác nhau, 10 năm qua ông đã tìm về Phú Thọ, đất tổ Hùng Vương để nhặt những viên đá quý. Về Hà Nội, ông đi nhiều nơi để tìm nguyên liệu, đó là các loại đá mang những đặc trưng khác nhau ở nhiều địa phương trong cả nước.

Qua Quảng Bình ông chọn đá ở động Phong Nha -một cửa ngõ vào đường mòn Hồ Chí Minh, một di sản văn hoá thế giới. Qua Ninh Bình ông lựa viên đá ở chùa Non Nước, ở Thanh Hoá ông lấy đá ở Núi Ngọc cầu Hàm Rồng.

Đến Quảng Trị ông lấy đá ở Dốc Miếu - những địa danh gắn với những chiến công oanh liệt của quân dân ta trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thăm biển Vũng Tàu, ông dừng chân ở dãy Bạch Dinh lấy đá-nơi có mỏ khai thác khí đầu tiên.

Dừng ở Yên Bái ông lấy đá ở thuỷ điện Thác Bà - nhà máy thuỷ điện sớm nhất của nước ta. Tới Vĩnh Long, ông lấy đá ở chân cầu Mỹ Thuận - cây cầu treo dài nhất Việt Nam. Tới Hải Phòng ông lấy đá ở khu du lịch nổi tiếng Đồ Sơn. Xuống Cần Thơ ông lấy đá ở bến Ninh Kiều thơ mộng.

Đến cuối năm 2004, ông đã sưu tập được đủ các viên đá biểu trưng cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời, bắt tay vào việc xây dựng bộ sưu tập đá trên tấm bản đồ Tổ quốc. Ông vẽ toạ độ Việt Nam, toạ độ các tỉnh, thành phố theo bản đồ chuẩn. Riêng việc này phải hơn tuần lễ mới xong. Công việc khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật, sự kiên trì, óc thẩm mỹ và sự khéo léo để làm sao mài, đẽo được các viên đá giống với địa danh các tỉnh, thành và gắn chúng lên đó.

Ông quyết định mua bộ đồ nghề gồm máy mài, máy khoan, cưa, đục… và dành một góc nhà làm nơi thi công. Để có thể mài, đục, đẽo đá, ông phải đến học các thợ lành nghề. Để gắn được các viên đá lên mặt gỗ dựng đứng một cách chắc chắn, bền lâu, ông mày mò pha chế được một hợp chất đặc biệt. Là kỹ sư, là một lãnh đạo 40 năm quen cầm bút, nay cầm máy mài, máy khoan, cưa, đục, đẽo đá quả rất khó khăn. Gần 4 tháng ròng, ngày ngày ông mài, đục, khoan, cắt, tạo dáng cho từng viên đá.

Ông tâm sự, phải làm để mỗi viên đá của mỗi tỉnh thành phố giữ được vẻ tự nhiên, nhưng lại hài hoà trong bộ sưu tập. 59 viên đá của 59 tỉnh, thành đứng bên nhau tạo thành một tấm bản đồ bằng đá tự nhiên. Thủ đô Hà Nội và thành phố mang tên Bác, ông lắp thêm 2 bóng điện đỏ. Khu vực biển đảo, ông sơn màu xanh, còn các nước bạn, ông để nguyên màu gỗ và đặt viên đá của nước đó lên. Tấm bản đồ được đóng khung, lắp bánh xe để có thể di chuyển dễ dàng. Tấm bản đồ đã cơ bản hoàn thành trước ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam.

Trên hành trình tìm đá, có lần ông đã bị cơ quan chức năng giữ lại lập biên bản, tịch thu đồ đạc. Rồi phải thật khéo léo nhờ người chèo đò, ông mới lấy được đá ở động Phong Nha… Nhưng khi nghe ông trình bày tâm nguyện, ông đã được đem về những viên đá cho bộ sưu tập thấm đẫm tình yêu đất nước của mình. Còn 5 tỉnh và một số đảo chưa sưu tập được, ông Minh tâm sự: "Tôi có thể nhờ bạn bè gởi về, nhưng tôi không muốn như vậy, bởi tôi đã đề ra nguyên tắc là đến tận nơi để tự tay mình lấy mới có ý nghĩa. Thời gian tới, tôi cố gắng sưu tập tiếp, còn nơi nào không tới được, tôi mới trao nhiệm vụ lại cho con cháu mình!"

Lã Quý Hưng
.
.
.