Tác nghiệp tại hiện trường vụ sập mỏ than Tân Lạc

Thứ Hai, 31/10/2016, 11:14
Cách đây gần một năm, vụ sập lò than tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình được dư luận cả nước nín thở theo dõi quá trình cứu hộ để đưa các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.


Chúng tôi là những phóng viên có mặt ở hiện trường để ghi lại từng khoảnh khắc nghẹt thở đó. Và câu chuyện làm báo trong điều kiện khó khăn nơi rừng thiêng không điện, không nước là những ký ức không bao giờ quên.

1. Họp giao ban xong, tôi và phóng viên Trần Huy được Ban Biên tập phân công nhanh chóng có mặt tại hiện trường sập lò than. Vì thời gian gấp gáp, chúng tôi không kịp chuẩn bị tư trang, nhận lệnh là lên đường.

Nhiệm vụ của chúng tôi là vừa kết hợp trao tiền xã hội từ thiện cho 3 gia đình có người tử nạn, vừa đưa tin về diễn biến cứu hộ đến bạn đọc.

Đến xã Lỗ Sơn đã là đầu giờ chiều. Đường dẫn vào lò than nằm dưới thung lũng, đi qua những chiếc cua tay áo, con dốc dựng ngược trơn trượt, bốn bề rừng núi bao phủ. Vừa tới nơi, khung cảnh trước mắt hiện lên thật tang thương.

Hiện trường có khoảng 300 người gồm các lực lượng cứu hộ của Công an tỉnh Hòa Bình, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, Trung tâm cấp cứu mỏ, Quân đội, chính quyền địa phương và người nhà nạn nhân ở bên ngoài đang gào khóc, nín thở chờ đợi giây phút người thân được tìm thấy.

Bên trong lò, lực lượng cứu hộ đang khoan, phá từng tảng đá lấp kín đường lò, dò tìm phương hướng các nạn nhân có khả năng đang mắc kẹt. Ở ngoài, lực lượng chủ chốt tiếp nhận từng thông tin dưới lò đưa lên để tìm phương án cứu hộ.

Nhờ sự giúp đỡ của Công an huyện Tân Lạc, tôi và đồng chí Trần Huy được vào sát cửa lò để tác nghiệp. Những hình ảnh đầu tiên về các chiến sĩ Công an xuống lò thay ca đã nhanh chóng được chuyển tải lên trang CAND Online.

Để có thông tin nhanh và hình ảnh sinh động, tôi và đồng chí Trần Huy chia nhau tác nghiệp, đặc biệt là những hình ảnh tiếp cận với lực lượng cứu hộ ngay khi họ vừa bước ra từ đường lò sâu hun hút.

2. Màn đêm sầm sập buông xuống xóm Đồi và nhanh chóng bao phủ toàn bộ khu vực xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Ngoài khu vực cứu hộ với những bóng đèn kéo từ máy phát điện chạy xình xịch suốt đêm là có chút ánh sáng, còn lại bao phủ quanh đó chỉ có bóng đen của những cánh rừng già. Nhóm phóng viên chúng tôi được “ưu ái” vào tận khu vực chỉ huy để chờ tin.

Ai cũng ngóng về cửa hầm, nơi có ánh đèn điện leo lét tỏa ra. Đã gần 23h đêm, cửa hầm có tiếng lao xao. Các phóng viên lại nhỏm dậy hỏi nhau “có phải sắp tìm thấy không?”. Nhưng không phải. Tất cả lại tiếp tục ngóng về phía cửa hầm chờ đợi…

Sương đêm mỗi lúc một lạnh, không mang theo tư trang, ngồi chờ tin mà run lên vì rét. Đồng chí Huy phải dùng bao tải dứa quấn vào người để xua đi cái lạnh và muỗi. Xung quanh chúng tôi lực lượng cứu hộ cũng tranh thủ chui vào tải dứa nằm ngủ dưới nền đất vừa mưa xong.

Một lát sau, phóng viên các báo hầu như đều đã rút hết. Sau khi nhận định đêm nay không thể tìm thấy nạn nhân, chúng tôi mới tạm thời chợp mắt trong một lán của công nhân mỏ than.

Nói về chuyện tác nghiệp ở hiện trường vụ sập lò rất vất vả, phóng viên Trần Huy vai đeo chiếc ba lô nặng trĩu, quần áo ướt đẫm bùn đất nhưng vẫn đội mưa để có bức ảnh đẹp, rồi lại ôm chiếc máy tính chạy đi tìm nơi để sạc điện.

Khó khăn lớn nhất là chúng tôi tác nghiệp trong điều kiện không điện, pin dự phòng đã dùng hết. Để tìm được nơi sạc điện giữa rừng là không thể.

Phóng viên Trần Hằng (thứ nhất từ trái sang) và phóng viên Trần Huy (thứ 4) ăn cơm hộp tại hiện trường vụ sập lò than.

Tất cả đều nhờ vào vài chiếc ổ cắm từ máy phát, nhưng hiện trường thì còn rất nhiều lực lượng phải dùng đến thiết bị điện. Liên quan đến vụ sập hầm riêng phóng viên Trần Huy đã có 5 ngày tác nghiệp với một bộ quần áo duy nhất trên người trong điều kiện không có nước sinh hoạt.

Mọi vật dụng, đồ ăn thức uống ở hiện trường đều được vận chuyển từ ngoài vào. Nước chỉ dùng để uống, nấu mì tôm, luộc trứng cho lực lượng vào lò cứu hộ. Khắc phục những khó khăn đó, phóng viên Trần Huy là một trong những nhà báo đưa tin bài nhanh nhất tại hiện trường đến độc giả.

Không chỉ có vậy, trên nhiều ấn phẩm của Báo CAND, các tổ phóng viên đã truyền tải đầy đủ nhất về diễn biến cũng như những vất vả, nỗ lực của lực lượng cứu hộ. Tôi vẫn nhớ mãi cuộc gọi của đồng chí Huy khi nạn nhân cuối cùng được tìm thấy: “Em xong bài rồi. Việc đầu tiên bây giờ là đi tìm chỗ để tắm”.

Trần Hằng
.
.
.