TP HCM: Nỗi niềm chim trời ở Láng Le - Bàu Cò

Thứ Sáu, 05/03/2010, 09:06
Láng Le - Bàu Cò là địa danh nổi tiếng ở huyện Bình Chánh nói riêng, TP HCM nói chung. Không chỉ vang danh là vùng đất chiến khu anh dũng, nhắc đến Láng Le-Bàu Cò là nhắc đến hình ảnh chim bay kín trời, cá lắm lội dít sông, đặc biệt là chim. Nhưng cùng với thời gian, sự đối xử phũ phàng của con người đã biến vùng đất chim muông ngày nào bặt dấu các loài lông vũ.

Tên đất là tên chim

Rời trung tâm thành phố, chúng tôi hướng về phía Tây tìm đến Láng Le-Bàu Cò với hy vọng được chiêm ngưỡng ngàn cánh chim chao lượn trên những cánh rừng từng một thời chở che quân dân Bình Chánh, vây quân thù trong kháng chiến chống Pháp-Mỹ.

Qua Khu chế xuất Tân Tạo, qua những cánh rừng phòng hộ nằm ven những con kênh xáng, sau hơn 30km đường trường, rồi cũng đặt chân đến vùng đất chiến khu. Dưới chân cầu treo Láng Le - Bàu Cò, cụ Trần Văn Sủi, năm nay 78 tuổi, nhà ở ấp 4, mở đầu câu chuyện chim cò bằng việc chia vui: "Ngày trước việc đi lại, học tập của bà con, các cháu học sinh ở ấp 1, 3, 4 đều phải cậy những con đò, sang sông trong cảnh tai nạn sông nước rình rập. Trăn trở trước điều đó, lãnh đạo xã đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân trong địa bàn thành phố chia sẻ khó khăn này với bà con. Năm 2006, bằng nguồn kinh phí 240 triệu đồng từ sự đóng góp của Hội Từ thiện phường Tân Định, quận 1 (170 triệu đồng) và các nhà hảo tâm (70 triệu đồng), cầu treo Láng Le - Bàu Cò được xây dựng và hoàn thành, thỏa lòng ước mong bấy lâu của hàng ngàn người dân vùng Láng Le nghèo khó".

Nói về địa danh Láng Le - Bàu Cò, cụ Sủi nhớ lại: "Ngày trước nơi đây là vùng bưng biền, lau sậy um tùm, cây rừng phủ kín, mọi việc đi lại đều phải cậy ghe xuồng. Ngày ấy còn hoang vu nên chim trời nhiều lắm, đặc biệt là cò và chim le le, một giống chim nước. Cứ sáng sáng chiều chiều, vô số đàn cò cùng le le sà xuống các bưng bàu bắt cá, réo gọi rần trời. Có những lúc cò về đông đến độ chúng tạo thành những áng mây trắng khi chập chờn trên những cụm rừng tràm, lúc sà trên mặt các con kinh xáng rất đẹp. Cái tên Láng Le - Bàu Cò từ đó được khai sinh. Rồi khi giặc Pháp xâm chiếm miền Đông Nam Bộ, để chống Pháp, cán bộ Việt Minh chọn nơi đây làm căn cứ và lập nên Chiến khu Láng Le - Bàu Cò".

Theo cụ Bảy Thoại, bạn đồng niên với cụ Sủi, ngày trước chim cò ở Láng Le-Bàu Cò "lủ khủ" nhưng chẳng ai săn bắt bởi "cá nhiều kinh thiên động địa". Cụ Bảy khẳng định: "Cá nhiều nên bà con chẳng ai động đến chim. Và cũng vì cá nhiều nên chim cò đổ về Láng Le - Bàu Cò sinh sống dữ lắm. Thế nên các cụ xưa mới lấy tên chim cò đặt cho tên đất đấy!".

"Bóng hình của thời quá vãng!"

Trong trí nhớ của các bậc cao niên trên vùng đất chiến khu, từ những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, Láng Le - Bàu Cò có thể nói là vùng đất phương Nam thu nhỏ vì tập trung đủ "mặt" chim cá đặc trưng. "Cò thì có gần chục loài như cò bợ, cò nhạn, cò quắm… Ngoài ra còn có chim cuốc, bìm bịp, bồ nông, bói cá, già đẫy… Ngày ấy dân Láng Le - Bàu Cò sống cùng chim muông, con người và chim muông đối đãi với nhau chân tình, như bè bạn. Ngày ấy thấy bóng người đám cò chẳng buồn vỗ cánh bay. Bây giờ thì làm gì còn cảnh ấy" - cụ Bảy nuối tiếc nói.

Chiều dần buông trên cầu treo Láng Le-Bàu Cò. Đợi mãi nhưng chúng tôi chẳng thỏa được ước mong ghi lại hình ảnh những đàn chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ. "Làm gì còn cò, còn le mà mấy chú đợi với chờ" - bà Lê Thị Hai,  nhà ở tổ 7, ấp 3 ta thán: "Muốn gặp cò, le, cuốc cuốc… mấy chú vào quán nhậu kia".

Nói về nguyên nhân này, bà Hai phân tích: "Ở đây chính quyền quyết liệt giữ rừng nhưng giữ sao xuể. Rừng thì mênh mông trong khi cán bộ chuyên trách thì có hạn, canh đầu trên thì phường săn giăng bẫy, giương súng đầu dưới. Cũng khó mà xử lý được đám người kia bởi họ không vào rừng cấm mà săn chim cò ở khu dân cư, đôi khi họ còn đánh bẫy...". Cụ Sủi có cách giải thích khác. Cụ nói "Bảo Láng Le-Bàu Cò bặt bóng chim cò là không chính xác, cũng còn lai rai theo kiểu thi thoảng mới thấy vài ba mống".

Theo cụ, chim trời hiếm dần kể từ năm 1990 trở lại đây. "Kẻ bẫy người bắn, lại thêm nạn bùng nổ dân số, xe cộ chạy ầm ầm khiến chim cò sợ nên bay đi. Đã vậy dư lượng thuốc trừ sâu hiện diện trên khắp bưng biền khiến lũ cá hết đường sống... Láng Le - Bàu Cò không còn giữ được hiện trạng như chính tên gọi của mình cũng vì những lý do ấy"

Thành Dũng
.
.
.