Sự thận trọng của "nhạc trưởng" Kế hoạch phản gián CM-12

Thứ Sáu, 26/10/2007, 17:38
Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch CM-12, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm thực sự đóng vai trò là một “nhạc trưởng” tài ba. Ông yêu cầu phải tính toán thận trọng, tỉ mỉ cho hoạt động của “Tổ đặc biệt” kể cả lời văn dùng trong các bức điện trả lời trung tâm và các hiện tượng có liên quan đến Kế hoạch CM-12 đều phải rất chú ý.

Sau phiên liên lạc kết nối thành công của “Tổ đặc biệt” do ta chủ động, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm trở lại TP HCM. Trước khi lên xe, ông giao cho đồng chí Nguyễn Phước Tân được toàn quyền quyết định việc tổ chức đấu tranh với địch tại Minh Hải.

Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm có nhiều kinh nghiệm đấu tranh với kẻ thù qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hoàn cảnh kháng chiến và yêu cầu cao của công tác chiến đấu  khiến điều kiện học tập, nghiên cứu khó khăn, nhưng kiến thức và kinh nghiệm nghiệp vụ an ninh của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm vẫn luôn được nhiều người kính nể.

Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm có một thư ký rất tận tụy và mẫn cán. Đó là Đại tá Tô Văn Đức, thường được gọi theo cách Nam Bộ là Tư Đức. Đồng chí Tô Văn Đức trước khi vào miền Nam chiến đấu là cán bộ giảng dạy của Trường đại học An ninh (nay là Học viện An ninh).

Sau này, Đại tá Tô Văn Đức là Hiệu trưởng Trường đại học An ninh nhân dân tại TP HCM. Đại tá Tô Văn Đức là người giúp việc rất đắc lực cho Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và dường như cũng bù đắp cho người thủ trưởng của mình những vấn đề mà ông không có điều kiện nghiên cứu...

Đồng chí Cao Đăng Chiếm (bên trái) và đồng chí Nguyễn Thời Bưng (lúc đó là tham mưu trưởng QK9) ở Minh Hải trong thời kỳ Kế hoạch CM-12

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch CM-12, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm thực sự đóng vai trò là một “nhạc trưởng” tài ba. Cùng một lúc phải chỉ đạo nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, nhưng ông đã hướng sự tập trung của mình vào những vấn đề, vụ việc trọng tâm, đồng thời cũng không bỏ qua các tình tiết có liên quan.

Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo các cấp công an, các đơn vị, ông thường xuyên  nhắc nhở là phải chăm lo xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, làm tốt các công tác cơ bản, thường xuyên, đồng thời phải luôn luôn sẵn sàng hoàn thành tốt cả những nhiệm vụ đột xuất.

Trong Kế hoạch CM-12, có rất nhiều việc chứng tỏ tài chỉ huy của Thượng tướng Cao Đăng Chiếm. Trong phạm vi bài báo này, chỉ xin được nêu lên một vài sự kiện tiêu biểu, đáng nhớ.

Ngày 27/5/1981, đồng chí Cao Đăng Chiếm điện yêu cầu đồng chí Nguyễn Phước Tân và đồng chí Hồ Khiết xác định lại một số vấn đề không thống nhất trong báo cáo của Công an Minh Hải và đồng chí Hồ Khiết về tên toán trưởng Nguyễn Văn Thạnh đã bị bắn chết.

Đồng chí Thứ trưởng cho rằng: “Những chi tiết này rất quan trọng vì càng cụ thể, càng chính xác bao nhiêu thì kế hoạch đánh địch mới tốt bấy nhiêu”.

Đồng thời, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm còn nhận xét là các bản cung của của các đối tượng quan trọng “sơ sài quá” và cần “tổ chức nghiên cứu tập hợp kết quả hỏi cung, khai thác để đánh giá lại tình hình một cách cụ thể, chính xác, cẩn thận để chủ trương biện pháp đối phó toàn diện”.

Đồng chí còn nêu tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ là “Đảm bảo tuyệt đối bí mật và phải làm cho địch mất cảnh giác, phải làm chủ tình hình, không để bị động đối phó, quán triệt tư tưởng tiến công, tiến công không ngừng, đánh địch từng bước vững chắc, có kế hoạch, chống tư tưởng nôn nóng, hời hợt, qua loa, đại khái, thoả mãn thành tích”.

Tất cả các kế hoạch tác chiến của các đơn vị tham gia Kế hoạch CM-12 đều được báo cáo cho Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm. Ông nghiên cứu và xử lý thường là rất nhanh và cụ thể.

Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm luôn nhắc nhở vấn đề giữ bí mật vì đây là một vụ án lớn, phải đối đầu với các cơ quan đặc biệt các nước có tầm cỡ. Âm mưu ý đồ của họ là rất lớn, rất xảo quyệt nên quyết tâm của ta phải rất cao.

Ông yêu cầu phải tính toán thận trọng, tỉ mỉ cho hoạt động của “Tổ đặc biệt” kể cả lời văn dùng trong các bức điện trả lời trung tâm và các hiện tượng có liên quan đến Kế hoạch CM-12 đều phải rất chú ý.

Trong những ngày cuối tháng 8/1981, công việc chuẩn bị rất khẩn trương để "đón" chuyến xâm nhập đầu tiên của địch theo kế hoạch của ta.

“Tổ đặc biệt” được các đồng chí Trần Phương Thế và các đồng chí Công an huyện Trần Văn Thời như Năm Trực, Mười Lắm... bố trí đi thực địa ở bãi biển, nơi dự kiến cho tàu địch vào để đón “hàng” và bắt giữ bọn xâm nhập.

Để tổ chức khai thác có hiệu quả, nhanh chóng và bí mật, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chỉ đạo cho đồng chí Lê Minh Học, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng triệu tập một số cán bộ chỉ huy an ninh của Công an các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Long An, Cửu Long, Đồng Tháp... về chờ sẵn ở Công an Minh Hải để trực tiếp hỏi cung, khai thác bọn xâm nhập trong chuyến này sau khi chúng bị bắt.

Kế hoạch được báo cáo lên đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng và được đồng chí Bộ trưởng phê duyệt.

Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đích thân xuống trại Rạch Ruộng vào ngày 9/9/1981.

Trận đầu thắng lợi như ý muốn. Ta đã bắt giữ tất cả gián điệp biệt kích xâm nhập và thu toàn bộ vũ khí địch đưa vào.

Sau thắng lợi của chuyến mở đầu, chúng ta lại tiếp tục chuẩn bị đối phó với kế hoạch tiếp theo của địch mà Lê Quốc Túy gọi là “Chiến dịch Hồng Kông II”, “Chiến dịch Hồng Kông III”, “Đại đội đặc biệt 124”, các chuyến xâm nhập của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh vào nội địa.

Chỉ trừ khi phải ra Hà Nội để họp hoặc phải giải quyết các vụ việc cấp bách, còn không Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đều trực tiếp có mặt ở Minh Hải để chỉ đạo việc đón bắt bọn gián điệp biệt kích trong các chuyến xâm nhập quan trọng của chúng.

Đợt Mai Văn Hạnh vào Minh Hải lần đầu vào tháng 4/1982, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm xuống Minh Hải để chỉ đạo thực hiện kế hoạch "đón" hắn. Ông ở ngay “Sở chỉ huy tiền phương Kế hoạch CM-12” là “nhà thiếc” ở Bạc Liêu.

Để đảm bảo bí mật công tác chỉ đạo đối với Kế hoạch CM-12, lãnh đạo Bộ sử dụng một mạng lưới thông tin liên lạc đặc biệt do đơn vị X đảm nhiệm.

Ở Hà Nội, tất cả những thông tin liên quan đến kế hoạch, thông qua tuyến liên lạc đặc biệt này được đơn vị X trực tiếp báo cáo cho đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng.Thường thì việc này do đồng chí Tống Ngọc Minh thực hiện. (Đồng chí Tống Ngọc Minh sau này được phong hàm Thiếu tướng và là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh).

Còn ở TP HCM, tất cả các báo cáo từ Minh Hải về đều do bộ phận phía Nam của đơn vị X mà trực tiếp là đồng chí Hồ Xuân Nhân, (sau này là Đại tá, Phó Cục trưởng) chuyển báo cáo cho Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm.

Mỗi lần gửi điện báo cáo đồng chí Phạm Hùng hay cho “Tổ đặc biệt”, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm thường gọi đồng chí Hồ Xuân Nhân sang nhận điện trực tiếp để về mã và cho hiệu thính viên chuyển qua điện đài đặc biệt.

Thường thì đồng chí Cao Đăng Chiếm vừa suy nghĩ vừa đọc cho đồng chí Nhân chép rồi hỏi lại đồng chí Nhân đọc có hiểu không, sau đó trực tiếp ký tên dưới các bức điện ấy.

Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Cao Đăng Chiếm vốn đã có thời kỳ cùng làm việc ở Sở Công an Nam Bộ do đó rất hiểu nhau và thân mật với nhau. Vì vậy, trong các bức điện gửi báo cáo đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Cao Đăng Chiếm vẫn thường dùng bí danh hoặc tên thường gọi là “Sáu Hoàng” và “Bảy Hồng”.

Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Cao Đăng Chiếm đã chỉ thị bằng mọi cách làm cho Túy phải bộc lộ cơ sở của chúng ở trong nước. Về việc này, qua một số bức điện mà Túy “chỉ thị” cho “Tổ đặc biệt”, ta đã tìm được một số cơ sở của tổ chức  này mà chúng đã xây dựng từ trước hoặc móc nối sau này.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 26/4/1982, đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đã chủ trì cuộc họp gồm các đồng chí lãnh đạo Tổ An ninh K4/2 và giám đốc hoặc phó giám đốc phụ trách an ninh của 13 tỉnh Nam Bộ để đánh giá về kết quả đấu tranh trong đợt công tác đặc biệt vừa qua và kết quả đấu tranh với các nhóm, cơ sở của địch trong nước.

Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm là người làm việc có nguyên tắc và tính Đảng rất cao. Ông tuân thủ sự chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Hùng và yêu cầu cấp dưới phải đảm bảo thực hiện đúng chủ trương và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Trong các cuộc họp của lãnh đạo Bộ,  ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng Trần Đông và Trần Quyết luôn được đồng chí Cao Đăng Chiếm nghiên cứu và tiếp thu.

Trong lần Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh xâm nhập Việt Nam, ngày 20/5/1982, đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm  chủ trì một cuộc họp quan trọng và xác định: “Trọng tâm đối phó có ý nghĩa quyết định đợt này là việc mưu mẹo đấu trí với C4 và C5 đảm bảo thắng lợi theo ý định của ta”.

Trong thời gian này, Ban chỉ đạo Kế hoạch cũng được bố trí tại một điểm cách cơ sở không xa. Quá trình theo dõi việc Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh gặp gỡ các đối tượng K, HK, phải được báo cáo kịp thời cho Ban chỉ đạo. Sau từng buổi, từng ngày, từng đối tượng gặp, ta cần phân tích, đánh giá được những diễn biến tư tưởng và ý đồ hành động của C4, C5 để chỉ đạo bổ khuyết kịp thời.

Trong trường hợp bất trắc dẫn tới nguy cơ bại lộ phải bình tĩnh phân tích, tỉnh táo xử trí để đảm bảo đạt được yêu cầu của kế hoạch đề ra. Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12 đã thống nhất những công việc trọng tâm và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí cán bộ lãnh đạo và chỉ huy để tổ chức thực hiện.

Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm trực tiếp chỉ đạo chung tại “mặt trận”. Và kết quả đấu trí với Lê Quốc Túy - và Mai Văn Hạnh trong chuyên án này đã thành công.

Sau khi lãnh đạo Bộ quyết định kết thúc Kế hoạch CM-12 vào tháng 9/1984, ta vẫn tiếp tục tổ chức đấu tranh với tổ chức của Lê Quốc Túy bằng Kế hoạch ĐN-10. Lực lượng An ninh lại tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh mới kéo dài suốt 3 năm nữa, buộc Lê Quốc Túy phải đưa hết quân đã huấn luyện ở nước ngoài về nước.

Trong thời kỳ này, đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh nhân dân cùng đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm tiếp tục chỉ đạo đấu tranh với bọn gián điệp biệt kích Lê Quốc Túy.

Các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Trần Tôn Thất, Thi Văn Tám và nhiều đồng chí khác đã trực tiếp tổ chức thực hiện các phương án nghiệp vụ câu nhử địch một cách sáng tạo và thành công. Cuối năm 1987, ta hốt mẻ lưới cuối cùng, bắt các toán xâm nhập qua Campuchia về Kiên Giang. Đầu năm 1988 Lê Quốc Túy chết vì bệnh thận và Kế hoạch ĐN-10 kết thúc.

Thắng lợi của Kế hoạch CM-12 là một chiến công lớn của Lực lượng An ninh Việt Nam, đập tan âm mưu và ý đồ chống phá rất nguy hiểm của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam.

Sau này, trong mỗi cuộc gặp mặt kỷ niệm Kế hoạch CM-12, các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ an ninh đã từng tham gia chiến dịch phản gián lớn này đều khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của người “nhạc trưởng” Cao Đăng Chiếm.

.
.
.