Quảng Nam: Gian nan con chữ trên đỉnh Trà Dơn

Thứ Năm, 27/12/2007, 09:04
Với thầy, trò Trường THCS bán trú Trà Dơn (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) rau dớn, măng rừng, cá khô... là tất cả của một bữa ăn thường ngày. Ngoài buổi học ở trường, buổi còn lại học sinh phải lên rừng kiếm thức ăn. Cuộc sống quanh năm khốn khó nhưng chưa bao giờ cái chữ đến muộn với những học trò vùng cao này.

Núi rừng nuôi cái chữ

Nằm cách thị trấn Tak Pỏ chừng 20km, Trà Dơn không phải là xã khó khăn nhất mà là xã rộng nhất và dân cư thưa thớt nhất của huyện miền núi Nam Trà My. Đường bộ từ trung tâm xã đến các thôn có khi cán bộ, giáo viên phải mất một ngày cắt rừng. Thậm chí, tuyến đường DT 616 đến trung tâm xã bị mưa, lũ làm hư hỏng phải cuốc bộ hơn 1 giờ đồng hồ.

Trời mây heo hút, núi rừng bạt ngàn, Trường THCS bán trú Trà Dơn lọt thỏm giữa rừng già. Được thành lập từ năm 2006, đây là nơi học tập của gần 300 học sinh dân tộc Ca Dong, là nơi công tác của gần 20 cán bộ, giáo viên. Gọi là trường bán trú nhưng gần 80% học sinh phải ở nội trú tại trường. Được hỗ trợ sách, vở, gạo và một chiếc áo ấm, còn lại học sinh phải tự túc hoàn toàn.

Trong dãy nhà lụp xụp, do các học sinh dựng nên, là hàng chục bếp ăn được kê tạm bợ bằng đủ thứ gạch, đá. Đã gần trưa, Hồ Văn Thứa (lớp 8/2), mới đi kiếm thức ăn từ rừng về.

Cởi vội chiếc gùi đựng toàn những măng rừng, rau dớn... em Thứa cho biết: Em phải vào rừng kiếm gần một buổi mới có được chùng ấy thức ăn, đủ để ăn trong ngày.

Cuối tuần về nhà, bố mẹ chỉ cho có dầu, bột ngọt, đường... nên bọn em phải tự đi kiếm đồ ăn. Nhưng có khi cả tháng, bố mẹ chẳng làm ra tiền thì cũng chẳng có gì mang theo nên chỉ biết luộc măng chấm với muối ăn qua ngày.

Nương nhau mà học

Ngoài em Thứa, trong trường còn có gần 250 em trọ học cũng có hoàn cảnh tương tự. Chung cái nghèo, chung ước mơ đổi đời từ con chữ, các em nương nhau mà sống, dựa nhau mà học.

Bố mẹ mất từ năm còn học mẫu giáo, 3 anh em của Hồ Văn Thải (lớp 7/2) phải tự lo tiền ăn học. Anh, chị của Thải là Hồ Văn Thác và Hồ Thị Thoa hiện đang là học sinh Trường THPT bán trú huyện Nam Trà My. Nhà ở tận thôn 5, xã Trà Dơn, để về đến nhà, Thải phải cắt rừng đi bộ gần một ngày.

Cuối tuần, 3 anh chị em mới về nhà gặp nhau đúng một đêm, sáng hôm sau lại phải lên trường. Gần 7 năm nay, chưa bao giờ em được mặc quần áo mới, ngoài những quần áo anh chị để lại, em còn được bạn bè cùng lớp, cùng thôn cho mặc áo chung. "Sáng chủ nhật đến trường, bạn bè nào cũng mang theo đường, dầu, muối… còn em chẳng có gì để mang theo, đành phải ăn nhờ các bạn. Em phải học thật nhiều cái chữ để mai mốt lớn lên được làm chú bộ đội" - em Thải nói.

Cô Nguyễn Thị Sáu, giáo viên trong trường tâm sự: Cuộc sống quá khó khăn nhưng các em học sinh ở đây rất đoàn kết. Trong trường không chỉ có em Hồ Văn Thải mà còn có nhiều em khác cũng mồ côi nhưng được bạn bè giúp đỡ nên mới có cơ hội học tập. Những em ở cùng thôn thường nấu ăn chung, cùng đi kiếm thức ăn và cùng hình thành một nhóm học tập.

Nỗi lo lở núi

Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngọn núi phía sau trường bỗng nhiên sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối đất, đá theo dòng nước ào xuống, lấp bức tường phía sau hơn 1 mét đất, nhiều nhà nấu ăn của học sinh bị vùi trong đống đất đá. Cả thầy và trò bỏ trường chạy giữa giờ học.

Thầy Quốc Anh, dạy môn Lý cho biết: Lúc đó khoảng 9h30', tôi cùng các em đang học trong phòng bỗng nghe tiếng nhiều học sinh la hét và bỏ chạy. Thầy và trò vừa ra khỏi trường thì đất đá ào xuống, may mà không có ai bị thương. Nhưng bây giờ chỉ cần một đợt mưa lớn, quả núi kia thế nào cũng ập xuống, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Đến ngày mùa, nhiều học sinh lại bỏ học để về giúp bố mẹ làm rẫy, có em đã bỏ học cả tuần. Ngay cả những ngày giáp hạt, kinh tế gia đình khó khăn cũng có em bỏ học. "Năm nay mưa lũ liên miên, trâu bò chết, lúa rẫy bị thất thu thì nguy cơ bỏ học càng tăng, nhất là khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán" - thầy Anh cho biết.

Cô Minh Tiên, giáo viên dạy văn, cho biết: Học sinh ở đây thua thiệt nhiều lắm. Cái ăn, cái mặc, chỗ ngủ... thiếu đã đành, ngay cả quyển sách giáo khoa cũng không có để mà học. Nhưng em nào cũng chăm, cũng ngoan nên các thầy cô rất thương. Nếu không có tình thương thì chẳng có ai sống nổi ở cái nơi trời mây heo hút này

Hoàng Minh
.
.
.