Quảng Nam: Cảnh báo tai nạn từ hoạt động du lịch ở hồ Phú Ninh

Thứ Năm, 26/05/2011, 12:00
Vụ chìm thuyền nhà hàng nổi Dìn Ký trên sông Sài Gòn, tỉnh Bình Dương, làm 16 người chết, một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mối hiểm họa khôn lường của việc sử dụng phương tiện đường thủy thô sơ chở người ở các ghe, thuyền, nhà hàng nổi tại các lòng hồ không đảm bảo an toàn. Theo quan sát của chúng tôi tại hồ Phú Ninh, Quảng Nam, những chiếc thuyền không giấy phép, bất chấp nguy hiểm vẫn đưa khách du lịch đi dạo.
>>Tài công trên chiếc tàu bị chìm trên sông Sài Gòn là... nhân viên tạp vụ

Dưới cái nắng gay gắt ở xứ Quảng, trong hai ngày 24 và 25/5, chúng tôi có mặt tại điểm du lịch sinh thái hồ Phú Ninh và các con sông trên địa bàn Quảng Nam tìm hiểu hoạt động của tất cả các ghe, thuyền đưa khách, được biết: Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh do doanh nghiệp Hùng Cường làm chủ (có giấy phép kinh doanh), đa số là kinh doanh du lịch sông nước dưới lòng hồ, thuyền, ghe thu hút khách du lịch đến với Phú Ninh.

Ngoài doanh nghiệp Hùng Cường tổ chức du lịch ra thì ở đây có rất nhiều xuồng nan của người dân cũng đua nhau làm du lịch nếu khách muốn đi dạo quanh hồ. Việc xuồng nan hoạt động trên hồ nhiều năm qua, không có chiếc nào đăng ký hoạt động, việc này rất nguy hiểm cho khách tham quan du lịch.

Trung tá Nguyễn Hồng Thịnh - Trưởng đồn Công an Phú Ninh cho biết: "Doanh nghiệp Hùng Cường có 5 chiếc thuyền chở khách, nhưng qua đợt kiểm tra vào ngày 30/4 và 1/5 vừa qua, chúng tôi phát hiện toàn bộ những chiếc thuyền này đã hết hạn đăng ký hoạt động. Chúng tôi đã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy Quảng Nam lập biên bản và yêu cầu đơn vị đăng ký cho thuyền trên, nhưng không biết đến nay (24/5) đơn vị này đã đăng ký hay chưa?".

Trung tá Nguyễn Hồng Thịnh cũng cho biết đã từng xảy ra những vụ chết đuối do du lịch bằng thuyền như ngày 15/7/2007, có một nhóm thanh niên gồm 17 người đã đến thôn 6, xã Tam Ngọc thuê hai chiếc ghe nan (xuồng nan - PV) để đi dạo chơi trên lòng hồ Phú Ninh. Đến 15h cùng ngày, một vụ lật thuyền đã xảy ra tại hồ nước Phú Ninh, làm 6 người thiệt mạng.

Chiếc ghe này đã hết hạn đăng ký hoạt động nhưng vẫn được dùng để đưa khách qua sông.

Ông Trần Quốc Bảo - cán bộ quản lý của khu du lịch sinh thái Phú Ninh cũng than dài cho những chiếc thuyền có giấy phép hết hạn, nhưng hoạt động vẫn tốt: Tôi được đơn vị Hùng Cường ủy quyền quản lý được 1 năm, đến cuối tháng 5/2011 là giấy ủy quyền hết hạn, khi hết giấy ủy quyền thì tôi xin nghỉ làm ở đó luôn. Khi tôi hỏi nguyên nhân vì sao anh nghỉ làm, ông Bảo trả lời, vì tôi thấy đa số hoạt động du lịch ở đây không được tốt, thuyền, ghe thì không đảm bảo an toàn cho khách, đơn vị có 5 chiếc thuyền hoạt động đưa khách, nhưng có hai chiếc chạy tạm tạm, còn những chiếc kia coi như "gửi gắm cho trời".

Ông Bảo nhấn mạnh thêm, đa số những chiếc thuyền đưa khách đi tham quan quanh hồ ở đây giấy phép đăng ký đã hết hạn lâu lắm rồi, chỉ là hoạt động "chui". Nếu có sự việc đáng tiếc xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai, tôi không đành lòng với chuyện đó. Nhiều lần tôi thấy ghe, thuyền không đảm bảo, tôi nói với đơn vị sửa chữa, nhưng nhiều lần ý kiến của tôi được đơn vị "bỏ ngoài tai".

Còn ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, cho biết: Ngay sau vụ tai nạn lật thuyền vào tháng 7/2007 thì UBND tỉnh Quảng Nam đã có Chỉ thị số 39/CT-UBND ngày 27/8/2007 nghiêm cấm các loại ghe nan đi lại trong lòng hồ, nếu phát hiện thì tịch thu và tiêu hủy, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cho khách du lịch. Hiện chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan Công an, Kiểm lâm, Ban quản lý khu du lịch sinh thái Phú Ninh kiểm tra 24/24h, nếu phát hiện người dân dùng ghe trái phép trên hồ thì tịch thu chiếc ghe đó.

Tăng cường kiểm tra hoạt động chở khách du lịch của phương tiện thủy trên cả nước

Ngày 24/5, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trong cả nước yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động chở khách du lịch của phương tiện thủy. Trong văn bản, Bộ GTVT cho biết: Những sự cố đối với tàu du lịch không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản mà còn gây bức xúc trong dư luận.

Bộ GTVT cho biết, theo thông tin ban đầu cho thấy các vụ tai nạn có nguyên nhân từ việc không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của phương tiện, cách thức vận hành và người điều khiển phương tiện. Thêm vào đó là tác động tiêu cực của thời tiết. Bởi vậy, Bộ GTVT yêu cầu UBND các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra các phương tiện kinh doanh du lịch bằng đường thủy nội địa, đặc biệt tập trung vào tàu gỗ, tàu du lịch nhiều tầng, nhà hàng nổi. Đối với các trường hợp không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có đầy đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn, các bến khách không đủ an toàn, hoạt động trái phép cần kiên quyết đình chỉ. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để có thể kịp thời đối phó.

Nam Phương

Kiểm tra đột xuất các tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn

Tối 24/5, Thanh tra giao thông đường thủy (thuộc Sở GTVT TP HCM) phối hợp CSGT đường thủy (Công an TP HCM) đã tiến hành kiểm tra đột xuất 3 tàu nhà hàng: Tàu Bến Nghé, Sài Gòn và Mỹ Cảnh hoạt động trên sông Sài Gòn tại khu vực bến Bạch Đằng (quận 1).

Qua công tác kiểm tra xác định, các tàu này thực hiện tương đối nghiêm túc quy định về đăng kiểm, an toàn giao thông đường thủy đáp ứng đủ số lượng áo phao theo quy định, có lối thoát hiểm dành cho hành khách khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, các áo phao (rất nhiều cái được trang bị mới) được bọc kỹ trong nilon cột chặt vào thành tàu và để dưới gầm bàn, nếu khi xảy ra sự cố, trong lúc hoảng loạn, hành khách cũng khó kịp lấy áo phao để mặc vào người.

Thông tin hướng dẫn vị trí đặt áo phao cho hành khách cũng chỉ ghi bằng tiếng Việt, trong khi đó tại các tàu nhà hàng rất đông hành khách là người nước ngoài, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các tàu xử lý, khắc phục. Trước đó, khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất tàu 168 đang neo đậu tại bến Bạch Đằng, phát hiện một số lỗi về an toàn. Cụ thể, tàu 168 được cấp phép chở 350 hành khách, nhưng số áo phao tại thời điểm kiểm tra trên boong chỉ có 210 chiếc, tàu cập bến tại vị trí không được cấp phép.

Thậm chí có tàu, hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo vệ sinh môi trường mà xả thẳng ra sông Sài Gòn. "Sau khi kiểm tra toàn bộ các tàu nhà hàng hoạt động trên sông, thanh tra giao thông sẽ tiếp tục rà soát việc chấp hành quy định an toàn đối với các phương tiện thủy chở người khác, như ca-nô cao tốc, tàu cánh ngầm, tàu du lịch...", ông Trần Văn Quý, Đội phó Đội Thanh tra giao thông thủy số 2 nói. Sắp tới, TP HCM sẽ mở đợt tổng kiểm tra liên ngành về tình trạng an toàn của tất cả các phương tiện đường thủy hoạt động trên địa bàn.

V.Vĩnh - N.Minh

An Khang
.
.
.