Quảng Bình: Chặt rừng phòng hộ để… trồng rừng
Kiểm lâm huyện Quảng Trạch đã chỉ định phần lớn người dân phá rừng được quyền trồng lại rừng. Sau đó, số diện tích rừng đó tất yếu thuộc về họ. Đó cũng là nguyên nhân tháng 10 vừa qua, hàng chục hộ dân xã Quảng Hợp đã tổ chức chặt phá hơn 20ha rừng không một chút thương tiếc...
Năm 2004, hơn 32ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Tròn thuộc địa bàn xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, bị chặt phá tả tơi; chính quyền địa phương đã phải đầu tư tiền của, huy động nhân lực trồng lại rừng, tránh hậu quả xấu của thiên tai. Song khi những cánh rừng này chưa kịp lên xanh trở lại thì trung tuần tháng 10 vừa qua, ngay tại khu vực kế cạnh, hơn 20ha rừng xanh tốt khác bị chặt phá trơ trọi. Thực trạng này cho thấy, vấn đề bảo vệ rừng ở xã Quảng Hợp còn rất nhiều điều bất cập.
Cán bộ UBND xã Quảng Hợp dẫn chúng tôi đến khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Tròn. Hàng chục hécta rừng ở đó không còn nữa, chúng đã bị người dân địa phương chặt phá và thiêu trụi.
Ông Tưởng Văn Chế, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết, sau hơn 1 tuần, 20,3ha rừng tại các Tiểu khu 156, 159, 160, 161 thuộc rừng 2A, 2B, 1C bị chặt phá, ngành chức năng mới phát hiện được. Tuy nhiên, thay vì ngăn chặn việc làm sai trái của người dân, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Quảng Bình đã huy động nhân lực nhổ sạch 3ha cây bạch đàn mới trồng của bà con!
Theo ông Tưởng Văn Chế, phía Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Quảng Bình nhổ rừng trồng của người dân là việc làm hoàn toàn trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu không nhổ cây, bà con ngày càng lấn chiếm đất công để trồng rừng, trong khi khu vực này thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây, mặc dù biết rõ đó là diện tích rừng phòng hộ, bà con vẫn lén lút "khai hoang". Mỗi khi bị chính quyền địa phương bắt quả tang, họ "đẻ" ra rất nhiều lý do khác nhau.
Tìm hiểu kỹ, thấy công tác trồng rừng và bảo vệ rừng ở đây có quá nhiều điều bất cập. Năm 2004, sau khi 32,8ha rừng ở khu vực phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Tròn bị chặt phá, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao trách nhiệm khắc phục hậu quả cho Công ty Lâm nghiệp Bắc Quảng Bình, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Quảng Bình và Kiểm lâm huyện Quảng Trạch thực hiện.
Cụ thể, Công ty Lâm nghiệp có nhiệm vụ cung cấp cây giống, Kiểm lâm huyện huy động và hướng dẫn người dân trồng cây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Quảng Bình có nhiệm vụ bảo vệ… Thế nhưng, phía Công ty Lâm nghiệp không hề cung cấp cây giống.
Kiểm lâm huyện đã cho phép bà con tự bỏ tiền túi ra mua cây giống và trồng lại rừng. Có điều, Kiểm lâm huyện đã rất mạo hiểm khi chỉ định phần lớn người dân phá rừng được quyền trồng lại rừng. Sau đó, số diện tích rừng đó tất yếu thuộc về họ. Việc làm này đã tạo nên mâu thuẫn trong nhân dân. Đó cũng là nguyên nhân tháng 10 vừa qua, hàng chục hộ dân xã Quảng Hợp đã tổ chức chặt phá hơn 20ha rừng kể trên không một chút thương tiếc.
Điều đáng nói, bên cạnh sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật của người dân, ngành chức năng Quảng Bình, cụ thể là Công ty Lâm nghiệp Bắc Quảng Bình, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Quảng Bình và Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch đã quá xem nhẹ trách nhiệm của mình, chấp hành chưa nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình!