Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2013):

Nụ cười chiến thắng ở Hội nghị Paris

Thứ Ba, 22/01/2013, 20:49
Hình ảnh vị Trưởng đoàn Xuân Thuỷ với tác phong lịch lãm, nụ cười tươi luôn gây thiện cảm với người đối thoại, đã khiến báo chí Pháp và phương Tây gọi đó là nụ cười chiến thắng ở cuộc hoà đàm Paris.
>> Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nghị Paris về Việt Nam

Tròn 45 năm trước, sau cuộc đọ sức chiến lược Mậu Thân 1968, Hoa Kỳ buộc phải tính tới việc đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để tìm lối thoát trong danh dự ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, theo cách gọi của họ. Nhận định rõ tính chất quyết liệt, căng thẳng của cuộc đàm phán lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo tối cao đã lựa chọn đồng chí Xuân Thuỷ, một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm và uy tín, làm trưởng đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris.

“Hôm nay tôi cũng đến Paris/ Nắng mới tươi thêm lá quốc kỳ/ Độc lập hoà bình tranh thắng lợi/ Nhớ lời Bác dặn lúc ra đi”. Đó là những câu thơ của đồng chí Xuân Thuỷ khi vừa tới Paris bắt đầu cuộc đàm phán với Mỹ. Để đi tới cuộc đàm phán này, một phần quan trọng là nhờ thắng lợi xuân Mậu Thân của quân và dân ta.

Đến cuối tháng 3/1968, Mỹ buộc phải tuyên bố tạm ngừng ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và hai bên đạt được thoả thuận sẽ đàm phán tại Paris, thủ đô nước Cộng hoà Pháp.

Từ trung tuần tháng 5/1968, Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp nhau tại Paris, bắt đầu cuộc hoà đàm gay cấn và kéo dài hiếm có trong lịch sử ngoại giao của thế giới (từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973).

Trên cương vị Trưởng đoàn, đồng chí Xuân Thuỷ đã kiên định, khôn khéo trong đàm phán; làm tốt công tác ngoại giao nhân dân, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận và chính giới Pháp nói riêng và quốc tế nói chung… Hình ảnh vị Trưởng đoàn Xuân Thuỷ với tác phong lịch lãm, nụ cười tươi luôn gây thiện cảm với người đối thoại, đã khiến báo chí Pháp và phương Tây gọi đó là nụ cười chiến thắng ở cuộc hoà đàm Paris.

Ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên Phó ban đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ nước ta tại Pháp, từng là thành viên đoàn đàm phán, Thư ký riêng của đồng chí Xuân Thuỷ trong nhiều năm. Nhớ về người thủ trưởng tài năng, đức độ của mình, ông tâm sự: “Tôi có 10 năm liền là Thư ký riêng của anh Xuân Thuỷ, trong đó có 5 năm tại Hội nghị Paris. Anh Xuân Thuỷ đã đi xa, nhưng tôi có cảm giác như anh vẫn đang ở bên cạnh chúng ta. Đó là cái chất con người, cái nghĩa tình thắm thiết mà anh để lại”.

Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán Xuân Thủy (người ngồi hàng trước, thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (thứ ba từ trái sang) tại Lễ kí Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Trước ngày Đoàn ta sang Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh cử đồng chí Xuân Thủy làm Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán. Hai ngày trước khi đoàn chúng tôi lên đường, Bác Hồ đã mời anh Xuân Thuỷ đến nói chuyện và dặn dò những điều cốt tử trong đàm phán. Lúc mới sang Paris, đoàn ta có 37 người nên gọi tắt là Đoàn 37.

Lúc đầu mọi người đều nghĩ rằng việc đàm phán sẽ không kéo dài lắm, nên cơ quan đại diện của ta ở Paris (khi đó ta chưa có Sứ quán) bố trí cho đoàn ở tại một khách sạn nổi tiếng giữa Paris, có tên là Lutétia. Sau một tuần lễ, khi nhận hoá đơn thì thấy quá đắt đỏ, cùng với lí do đảm bảo an ninh, nên đoàn đã đề nghị và được các bạn Pháp bố trí lưu trú ở địa điểm mới là Trường Đảng Maurice Thorez của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Chúng tôi đã ở đây suốt 5 năm liền, cho đến khi Hiệp định Paris được kí kết.

Nhiều thành viên trong đoàn đàm phán vẫn nhớ mãi hình ảnh vị Trưởng đoàn giản dị nhưng luôn lịch sự, chu toàn trong mọi việc. Trong quá trình Hội nghị Paris, có rất nhiều đoàn của Mỹ gồm đủ thành phần, chính trị, tôn giáo, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân… kể cả các gia đình phi công Mỹ đang bị ta bắt giữ ở Việt Nam, đến xin gặp Đoàn đại biểu Chính phủ ta.

Đồng chí Xuân Thuỷ, vốn sức khoẻ không được tốt vì bệnh hen nên rất nhạy cảm với thời tiết Paris mùa lạnh luôn ẩm ướt, hơn nữa ông phải hao tổn nhiều sức lực, trí tuệ trong những cuộc đàm phán kéo dài, có khi thâu đêm; nhưng ông vẫn dành thời gian tiếp họ. Nhiều cuộc gặp gỡ kéo dài với những câu hỏi gay cấn vẫn được ông trả lời đầy đủ, khiến khi ra về, những vị khách đều tỏ ra hài lòng, vui vẻ. Chính vì vậy, họ có cái nhìn khách quan hơn về cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam và lên tiếng phản đối Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh.

Một kỉ niệm vẫn được nhiều người nhớ mãi. Mới bước vào đàm phán, phía Việt Nam chỉ đòi hỏi Mỹ duy nhất một điều là chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc nước ta. Không chấm dứt ném bom thì không bàn đến vấn đề gì khác. Trưởng đoàn Mỹ khi đó là Đại sứ Harriman, một nhà ngoại giao kì cựu từng là Đại sứ Mỹ tại Liên Xô. Hôm đó, vào giờ nghỉ giữa phiên họp và cùng uống cà phê, tuy biết Harriman phải dùng máy trợ thính, nhưng anh Xuân Thuỷ vẫn hỏi: “Ông phải dùng đến máy nghe à?”. Harriman đáp: “Tôi hơi nghễng ngãng, mấy năm nay cứ phải nhờ đến dụng cụ này mới nghe được những gì người khác nói”. Anh Xuân Thuỷ phá lên cười và nói: “À ra thế. Giờ tôi mới hiểu, hoá ra suốt mấy tháng nay chúng tôi chỉ yêu cầu một điều là Mỹ chấm dứt ném bom, vậy mà ông vẫn không nghe ra”. Harriman phì cười trước sự hóm hỉnh, thâm thuý của Xuân Thuỷ và thú thật, chính ông ta đã đề nghị chấm dứt ném bom, nhưng Tổng thống Johnson vẫn không đồng ý…

Nhớ về đồng chí Xuân Thủy, ông Lý Văn Sáu, từng là người phát ngôn Đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, kể lại một kỉ niệm cảm động. Lần đó trong một cuộc tiếp, chiêu đãi thân mật những vị khách Pháp trong đó có những nhà báo nổi tiếng luôn quan tâm đến tiến trình đàm phán; đồng chí Xuân Thuỷ đã chỉ đạo tổ chức chu đáo bữa tiệc và trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của khách.

Ông Sáu nhớ lại: “Chúng tôi biết ông rất mệt và chỉ ăn sơ sài, đã có lúc giữa bữa tiệc ông phải lùi ra sau tấm bình phong để hít thuốc trị cơn hen bất ngờ kéo đến. Ông còn phải dành thời giờ trao đổi với bạn bè về văn minh đông tây kim cổ, về văn thơ, về đất nước Việt Nam mà ông đau đáu. Tôi tự hỏi, con người này từ đâu mà có được tác phong ngoại giao niềm nở, chu đáo, chân tình và tranh thủ được lòng người đến thế. Phải chăng đó là tác phong của nhà cách mạng, của con người cộng sản Xuân Thuỷ”

Duy Hiển
.
.
.