Thực trạng nghành mía đường:

Nông dân đồng loạt quay lưng với trồng mía

Thứ Năm, 13/05/2010, 08:58

Việt Nam có 15 năm phát triển ngành mía đường nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, mía đường nước ta không phát triển mà đang bước thụt lùi. Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu về dự Hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường niên vụ 2009-2010 và giải pháp phát triển trong thời gian tới được Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 11/5.

Theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, trong 3 năm trở lại đây, chúng ta chỉ tăng về số lượng, quy mô các nhà máy sản xuất mía đường, nhưng diện tích trồng mía, sản lượng mía và sản lượng đường đều tụt giảm dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hiện nay, chỉ có 60-70% số các nhà máy hoạt động được 80% công suất, và cũng chiếm đến 5% số các nhà máy chỉ hoạt động được 21% công suất. Trong khi đó, so với Trung Quốc, năng suất mía của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 73%.

Nông dân bỏ trồng mía vì giá thu mua quá thấp.

Ông Thông lý giải, có tình trạng này là do các nhà máy sản xuất ít quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và đặc biệt là tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các nhà máy vẫn diễn ra gay gắt, dẫn đến thu mua mía non. Ông Trần Viễn Thông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh này đã quy hoạch 25.000ha trồng mía hằng năm, tuy nhiên, do giá thu mua lên xuống thất thường, nông dân bỏ mía chuyển đổi trồng các loại cây khác khiến diện tích trồng mía cũng không ổn định.

"Tây Ninh có 3 nhà máy thu mua mía nguyên liệu, dù có đầu tư cho nông dân song không nhiều, không ổn định. Giá thu mua lại phụ thuộc quá nhiều vào diễn biến thị trường và giá một số nông sản khác như cà phê, cao su. Nếu các doanh nghiệp thu mua vẫn giữ mức thu mua và đầu tư vùng nguyên liệu như hiện nay thì chắc chắn người nông dân sẽ tiếp tục bỏ mía để trồng cây trồng khác", ông Thông cảnh báo. Việc thiếu nguyên liệu đã dẫn đến cảnh tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp sản xuất mía đường, đẩy giá đường trồi sụt thất thường.

Tại cuộc họp, GS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đánh giá, nếu vẫn giữ cách tranh mua, tranh bán như hiện nay, ngành mía đường không thể phát triển bền vững được. Trong khi đó, bản thân vai trò của Hiệp hội mía đường còn quá mờ nhạt, không có tiếng nói ngay cả với các thành viên trong hiệp hội nên hầu như không điều tiết được thị trường. 

Thiếu hụt 300.000 tấn đường

Cân đối cung cầu sản xuất mía đường niên vụ này thì tình trạng thiếu hụt đường vào cuối năm vẫn sẽ tiếp diễn. Theo đó, tổng lượng đường sản xuất niên vụ 2009-2010 dự kiến sẽ đạt khoảng 984.000 tấn, giảm so với niên vụ trước đó là 5.000 tấn. Với mức tiêu thụ hiện nay, lượng đường hiện có không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, và dự kiến, nước ta sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 tấn. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã phải đề nghị Chính phủ nâng mức hạn ngạch nhập khẩu đường trong năm nay. Theo đó, tổng hạn ngạch đã cấp trong năm nay là 200.000 tấn. 100.000 tấn còn lại sẽ chờ đến tháng 7 mới có quyết định nhập tiếp hay không, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối khẳng định. Nếu vẫn tiếp tục tình trạng phát triển "ngọn" mà không quan tâm tới vùng nguyên liệu, chắc chắn trong tương lai gần, Việt Nam sẽ không còn mía để sản xuất đường.

Ngọc Yến
.
.
.