Nơi tận cùng dòng Kỳ Cùng chảy ngược

Thứ Sáu, 14/03/2008, 15:16
Dòng chảy Đông Nam - Tây Bắc độc đáo của sông Kỳ Cùng đã cho xứ Lạng biệt danh "nơi dòng sông chảy ngược", cùng những thắng cảnh, di tích, tài nguyên, sản vật… Suốt hàng trăm km dọc dài trước khi ra khỏi biên giới Việt Nam để mang tên gọi khác (Tả giang, Trung Quốc), sông Kỳ Cùng vẫn lưu luyến uốn lượn khắp núi đồi, đồng ruộng, thôn xóm của Lạng Sơn như một sự tri ân mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, xã giáp biên Đào Viên, huyện Tràng Định (Lạng Sơn)…

Từ Đồn Biên phòng 67 Bình Nghi, chúng tôi thả bộ xuống bến thuyền Bình Nghi, nằm bên hữu ngạn sông Kỳ Cùng, thuộc địa phận bản Nà Mằn, xã Đào Viên.

Sông Kỳ Cùng đang mùa nước cạn, như một dải lụa xanh ngắt chầm chậm len lỏi giữa những bãi đá ngầm. Bến sông chỉ có tám chiếc thuyền sắt đang buộc neo trên bờ nằm đợi hàng.

Bến Bình Nghi là nơi các đoàn xe từ khắp cả nước tập kết hàng nông sản xuống thuyền xuôi dòng xuất khẩu sang Trung Quốc. Không có hàng nhập về, người dân địa phương thường ngược về mua hàng tại các thị trấn hoặc tự cung tự cấp cho mình.

Thường nhật, bến Bình Nghi khá yên bình và vắng vẻ, không có không khí hối hả, tấp nập của những dòng người, xe cộ, hàng hóa như những khu vực cửa khẩu khác trên địa bàn Lạng Sơn.

Lúc này, bến Bình Nghi đang khá nhộn nhịp vì sự xuất hiện của hai chiếc ôtô tải lớn trên thùng chất đầy các sọt xoài xanh còn tươi. Mấy chục người dân bản đang ghé vai vác các sọt xoài lớn, tiếng nói cười rôm rả cả bến sông.

"Hai tuần rồi mới có một đoàn xe hàng đến. Họ không có người đi cùng nên nhờ dân bản vác hàng xuống thuyền. Các lái xe thuê bà con vận chuyển với giá 40.000 đồng/tấn, tức là 600.000 đồng/xe. Từ sáng đến giờ vẫn chưa chuyển xong một xe tải 15 tấn hàng này" - anh Nông Châu Hương, cán bộ Chi cục Thuế huyện Tràng Định, đã ở Trạm thu phí đóng trên bản Nà Mằn này gần một năm, cho biết.

Tôi nhẩm tính: tiền công vác xuống thuyền mỗi sọt xoài nặng chừng 50kg là 2.000 đồng, chuyển hết một xe hàng mỗi người cũng được chừng 30.000 - 40.000 đồng.

Tôi đứng hồi lâu bên bến Bình Nghi nhìn những người nông dân vận chuyển xoài. Từ chỗ đỗ xe trên đường xuống bến sông phải vượt qua một con dốc đứng, dài khoảng một trăm mét. Người lên, người xuống nối đuôi nhau, bụi bay mù mịt.

Nhìn những gương mặt hiền hậu ướt đẫm mồ hôi, tôi tin rằng, người dân bản Nà Mằn chỉ quen với việc trồng rừng, cấy lúa, trỉa ngô, chắc chưa từng biết cửu vạn từ lâu cũng đã là một nghề. Nhưng với việc vận chuyển hàng không thường xuyên này, bà con bản Nà Mằn cũng có thêm chút thu nhập để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Những chuyến thuyền chở đầy nông sản xuất khẩu này sẽ được kiểm tra lại một lần nữa ở Trạm biên phòng cửa khẩu Bình Nghi, đóng ở bản Pác Lạn, xã Đào Viên, cách Nà Mằn khoảng 8km theo đường sông. Không thể theo chân những người dân sống trên sông nước Kỳ Cùng, chúng tôi đành vượt dốc núi để đến bản Pác Lạn.

Hơn 29km đường gập ghềnh, uốn lượn theo những sườn dốc cao chót vót làm ngán ngại các tài xế xe tải đã từng vượt ngàn dặm từ Nam ra Bắc, đành phải chuyển hàng ở bến sông Bình Nghi.

Pác Lạn là bản giáp biên cuối cùng bên dòng sông Kỳ Cùng, đã có từ rất lâu đời, hiện là nơi sinh sống của 33 hộ dân (154 nhân khẩu) người Tày, Nùng. Thôn xóm yên bình với những vườn đào, mận, nhưng tôi rất ngạc nhiên vì nhìn quanh bản Pác Lạn, chẳng thấy bọn trẻ lê la.

Hỏi thăm mới biết, trẻ nhỏ đã đi bộ hơn 3km đến Trường Tiểu học Đào Viên từ sáng sớm. Các anh chị chúng đi xa hơn, đến trường THCS cách bản chừng 10km để học nội trú từ đợt nắng ấm trở lại. Thôn bản cũng vắng người, chỉ thấy thấp thoáng những bóng người đang phát cây và làm đất trên chót vót những đồi cao.

Ông Nông Văn Tài, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế UBND xã Đào Viên, cho biết: "Đợt rét vừa qua, cả bản bị mất 17 con trâu, cây trồng bị gió táp vàng hết lá. Hiện đang vào mùa làm đất để trồng ngô, lúa, nhưng sức trâu còn yếu quá, chưa ai dám cày bừa vì sợ trâu khuỵu ngã. Người dân bản đang chuyển sang mua loại máy cày tay để cày bừa. Tuy xăng dầu đắt và khó kiếm đấy, nhưng lại để trâu chết còn nguy hơn".

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá, Đồn phó Đồn Biên phòng 67 Bình Nghi Hoàng Mạnh Dầu cho biết: Bên cạnh việc phối hợp thường xuyên với lực lượng dân quân của 29 bản, trong đó có 11 bản giáp biên để tuần tra kiểm soát 29,6km đường biên giới (3,8km biên giới trên sông), việc cùng bà con ổn định, nâng cao đời sống là một trách nhiệm lớn của đồn. Có như vậy thì nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là bảo vệ an ninh biên giới mới hoàn thành tốt được

Lê Hồng Quân
.
.
.