Nỗi đau từ những vụ án mạng trong gia đình
Gặp chúng tôi vào những ngày tháng 6-2017, tức hơn một tháng sau sự việc xảy ra, người đàn bà đó vẫn không tin đó là sự thật. Ôm di ảnh của hai con thơ, chị Kim Ánh khóc cạn nước mắt.
Nước mắt lưng tròng, chị Lê Thị Kim Ánh kể lại: Quen nhau trong khoảng thời gian ngắn nên sau khi về làm dâu được khoảng 3-4 tháng thì cuộc sống của chị và chồng là Nguyễn Huy Hoàng (29 tuổi, ở khu 5 xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) thường xuyên phát sinh mâu thuẫn.
Hiện trường đau lòng của vụ án Nguyễn Huy Hoàng sát hại hai con thơ rồi tự sát. |
Ngoài những xô xát trong sinh hoạt hằng ngày, còn một nguyên nhân khác là cuộc sống kinh tế quá khó khăn, gia đình chị Ánh thuộc diện hộ nghèo của xã.
Sau khi kết hôn, Hoàng là lao động chính trong nhà còn chị thì làm công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Cái đói, cái nghèo bó buộc cũng khiến con người ta thường xuyên cáu gắt. Theo lời của chị Ánh thì việc xích mích, cãi cọ giữa vợ chồng họ diễn ra như cơm bữa.
Cùng với đó là những mâu thuẫn âm ỉ giữa chị Ánh và mẹ chồng là bà Vũ Thị Nụ (SN 1959, ở khu 5 xã Gia Điền). Theo tâm sự của chị Ánh, nguyên nhân đều bắt nguồn từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày như cách ăn ở sinh hoạt nuôi dạy con cái (vợ chồng Hoàng đã ra ở riêng làm nhà sát với nhà bà Nụ).
Trưa ngày 30-4-2017, anh Hoàng sau khi đi uống rượu về đã viết một lá thư tuyệt mệnh, nội dung thư: “Gửi tất cả mọi người dân làng, đến giờ này 30-4 có thể 3 bố con tôi không còn nữa, không nên truy cứu làm gì cả. Tôi đã nợ ai một cái gì tôi sẽ báo đáp. Khẩn cầu xin chôn ở giữa gian nhà này…”.
Sau đó, anh Hoàng sử dụng 2 chai thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất PARAQUAT đã chuẩn bị từ trước đuổi chị Ánh ra ngoài khóa trái cửa và cho 2 con trai mình là Nguyễn Tiến Minh (2 tuổi) và Nguyễn Tiến Quân (1 tuổi) uống thuốc diệt cỏ, sau đó Hoàng cũng uống để tự tử. Chị Ánh phát hiện đã hô hoán mọi người đến phá cửa để đưa 3 bố con anh Hoàng đi cấp cứu nhưng đã quá muộn.
Cháu Quân được đưa đi Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị đến sáng ngày 1-5 đã tử vong; anh Hoàng cũng tử vong cùng ngày tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Một ngày sau đó, hy vọng cuối cùng của chị là cháu Nguyễn Tiến Minh cũng bị dập tắt.
Theo thống kê của Công an tỉnh Phú Thọ, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra 3 vụ giết người có sử dụng thuốc diệt cỏ cháy và thuốc diệt chuột để sử dụng vào việc giải quyết mâu thuẫn.
Những vụ việc này đều để lại những hậu quả rất đau lòng. Trước đó, Hà Văn Được (24 tuổi ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, Yên Bái có quan hệ tình cảm yêu đương với chị Nguyễn Thị Hoa (23 tuổi, ở Xã Đông Khê, Đoan Hùng, Phú Thọ) nhưng bị gia đình Hoa ngăn cấm.
Trong lúc không làm chủ được cảm xúc của mình, Được đi từ nhà xuống thị trấn Đoan Hùng rồi vào thuê phòng 308 của nhà nghỉ Xuân Dung thuộc khu Đồng Tâm, thị trấn Đoan Hùng, Phú Thọ và gọi chị Nguyễn Thị Hoa (Hoa đang học tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đoan Hùng) ra phòng 308 của nhà nghỉ Xuân Dung để nói chuyện.
Tại đây, Được đã dùng dao nhọn đâm vào ngực chị Hoa làm chị Hoa chết tại chỗ. Sau khi thực hiện hành vi giết chị Hoa, Hà Văn Được đã uống thuốc “trừ cỏ cháy” để tự sát, Được được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Phú Thọ nhưng sau đó đã tử vong.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Các loại thuốc này rất độc hại nên việc cứu sống rất khó khăn.
Trường hợp của anh Hà Văn Hạnh, 31 tuổi và chị Quán Thị Hoa (30 tuổi, ở khu 4 xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) diễn ra mới đây là hy hữu. Trong cuộc sống vợ chồng giữa anh Hạnh và chị Hoa thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân do anh Hạnh thường xuyên uống rượu hay chửi bới, đối xử tệ bạc với vợ con.
Do quá uất ức, khoảng 22h ngày 22-4, chị Hoa đã dùng ½ gói thuốc diệt chuột loại Fokeba 20cp đổ vào chai rượu của anh Hà Văn Hạnh với mục đích để giết chết anh Hạnh.
Đến khoảng 23h30 cùng ngày, anh Hạnh lấy rượu ra uống thì thấy trong người khó chịu. Anh Hạnh đã được người thân trong gia đình đưa đến trạm y tế xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cấp cứu kịp thời nên không chết.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người từ các nguyên nhân xã hội (đặc biệt là liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột để gây án), theo Đại tá Hà Minh Tân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, các ngành chức năng cần làm tốt công tác quản lý các loại tân dược, các loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc có độc tính cao. Cùng với đó, cần tuyên truyền để người dân sử dụng các loại thuốc trên đúng mục đích.
Bên cạnh đó, các ban, ngành đoàn thể ở cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp, phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm tại các khu dân cư; xây dựng các hương ước phù hợp để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng Công an cần nắm chắc tình hình ở cơ sở, kịp thời phát hiện các vụ việc mâu muẫn trong nhân dân, đặc biệt là những mâu thuẫn xuất phát trong gia đình, giải quyết triệt để thông qua chính quyền cấp cơ sở từ khu dân cư đến chính quyền; tránh để từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống gia đình không được giải quyết triệt để dẫn đến các vụ án đáng tiếc xảy ra.