Những trang sử vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”; “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Chỉ sau đó vài ngày, thực hiện lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng”, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến công đồn Phai Khắt; ngày 26/12/1944 tiến công đồn Nà Ngần.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập năm 1944. (Ảnh tư liệu). |
Cả hai trận đánh đầu tiên, Quân đội ta đều giành thắng lợi, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam trước các kẻ thù xâm lược. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng quyết định thống nhất lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân) thành Việt Nam Giải phóng quân.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Năm 1946, Vệ quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Theo Sắc lệnh số 71 ngày 25/5/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, biên chế thống nhất theo từng trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Cùng với 25 chi đội ở Nam Bộ, lúc này ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn, tổng quân số lên tới 8 vạn người. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu.
Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ (7/5/1954) đã khẳng định sức mạnh của chiến tranh nhân dân và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta khi đánh thắng đội quân viễn chinh hiện đại của thực dân, chấm dứt hoàn toàn sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, tạo điều kiện vững chắc để nhân dân ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, QĐND Việt Nam lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Nam, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hơn 30 năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề. Chúng ta chuyển sang một nhiệm vụ cách mạng mới, trong đó QĐND Việt Nam được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ: “Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng CNXH; ... bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất”. Đồng thời “tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH”.
Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, Quân đội ta đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch…
Ngoài ra, QĐND Việt Nam còn làm tốt nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Trên mặt trận xây dựng kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng tuyến đường sắt thống nhất Bắc – Nam; khai hoang xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp; xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông… góp phần nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo nơi ăn, ở, làm việc cho bộ đội, tăng thêm của cải cho xã hội. QĐND Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh chính quy và hiện đại đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới mà Đảng và nhân dân giao phó.
Hiện nay, thông qua đối ngoại quốc phòng, Quân đội đã chủ động mở rộng quan hệ quốc phòng với 80 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và tất cả các cường quốc; lập cơ quan tùy viên quốc phòng tại 29 nước, kiêm nhiệm tại 7 nước và đã có 45 nước lập cơ quan tùy viên quốc phòng tại Việt Nam. Từ năm 2006, Quân đội đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm cao, góp phần củng cố vững chắc vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Thông qua đối ngoại quốc phòng đã tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, tiếp thu các tri thức quân sự hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến... để không ngừng tăng cường thực lực của nền quốc phòng toàn dân, nâng cao sức mạnh phòng thủ và tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại và từng bước tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, bảo đảm các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đại tướng là cấp quân hàm sĩ quan Quân đội cao cấp nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam với cấp hiệu 4 ngôi sao vàng. Theo quy định hiện hành, quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia ký quyết định phong cấp. Đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 12 quân nhân được phong quân hàm Đại tướng. Trong đó, có 02 quân nhân được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1948) và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1959). |