Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QDND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009):

Những thương binh can trường

Thứ Sáu, 11/12/2009, 08:44

Mấy hôm nay trở trời, ở Trại thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh) các anh chị ấy đều bị ốm. Khi mang trên mình vết thương cột sống thì nắng cũng đau, mưa cũng đau nhưng khi ông trời giở chứng thì cơn đau như dao đâm lửa đốt. Cạnh phòng tôi có các chị đã mấy hôm nay lúc nào cũng đóng cửa cài then. Đau quá, đau từ gan ruột đau ra không chịu nổi nên có người phải... khóc.

Cũng là ngồi xe lăn sống cùng các chị nhưng là cánh đàn ông nên tôi càng thấu hiểu nỗi đau này. Đạn găm vào xương thịt ai người chả đau nhưng những người mang danh "phận gái", "phận má đào", "bồ liễu"... thì còn đau đớn hơn nhiều. Chị Mai Thị Hương mấy đêm trước bị chuột cắn mất một ngón chân. Chuyện thật xót xa mà nghe cứ như... bịa. Bởi vì vết thương cột sống làm chị liệt nửa người, nửa người không còn cảm giác đau, nóng lạnh nên mới có cơ sự ấy.

Ai đến đây cũng thương mấy chị thương binh. Vào những năm sáu mươi họ là những cô gái trẻ trung nhan sắc. Những năm cả nước "Vì miền Nam ruột thịt" những năm tiền tuyến gọi lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Lên đường, các chị vào Trường Sơn dẫn những đoàn quân trùng trùng ra trận. Lên đường, ra tuyến lửa đếm bom cho đoàn xe ta qua trọng điểm vào Nam. Các chị đối đầu với quân xâm lược và tuổi xuân bỏ lại chiến trường. Nói thì giản dị như thế nhưng ở Trường Sơn tuyến lửa biết bao khổ đau, ác liệt mà các chị đã trải qua (Xin bạn đọc lượng thứ mấy dòng tôi viết). Bây giờ thương tật nặng không đi lại được phải ngồi xe lăn. Việc đại tiểu tiện cũng không làm chủ được nên nhiều lúc các chị phải nằm lên những cái thứ không sạch sẽ ấy.

Chị Hương chuẩn bị bữa cơm chiều.

Ngày ra đi chị Hương là hoa hậu của làng. Chị đã có người yêu. Đôi trai tài gái sắc cùng nhau ra trận hẹn ngày đất nước thanh bình sẽ về làm đám cưới. Họ sẽ sống trọn đời hạnh phúc tại quê hương. Thế rồi chiến tranh ác liệt hai người đi xa xa mãi... Anh ấy không có ngày trở lại, còn chị thì bị thương nặng. Chúng tôi là những người đàn ông bị thương nặng cũng đau lắm. Đàn ông nỗi đau nó lặn vào trong, nó chất chứa ở tận đáy lòng. Còn chị Hương là một ví dụ.

Từ ngày bị thương, chị sống bằng hoài niệm. Ở tuổi sáu mươi, nếu có ngày nắng đẹp lại mang một bộ quân phục đàn ông ra phơi, ngắm nghía. Cái bút máy Trường Sơn, quyển sổ và một tấm hình "người ấy" được chị ấp iu trìu mến. Bữa cơm nào trên mâm cũng thừa ra một cái bát, một đôi đũa. Chị vẫn nhớ mong ai... Nhớ về một thời xa vắng trẻ trung, một mối tình mơ mộng chung thủy.

Bị thương năm 22 tuổi, tới nay đã 40 năm, chị Hương mới duy nhất một lần về thăm quê, thăm mẹ ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Nay mẹ cha già yếu đã về trời... anh em người nào cũng có từng đàn cháu nội ngoại. Nhà cửa không còn chị biết về đâu? Chị Hương bảo mấy năm còn trẻ chị sợ nhất đi đám cưới. Thấy người ta môi son má phấn lên xe hoa mà mình ngậm ngùi tủi phận. Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa...

Mấy năm gần đây thì chị sợ Tết đến Xuân về. Tết người ta về quê xum họp. Tết, những đôi vợ chồng cùng con cái dìu dắt nhau về bên ngoại. Tết, vợ chồng người ta mua hoa sắm Tết thờ cúng tổ tiên... Còn chị, Tết là một, chỉ một. Một mình, một mâm cơm, một giường cá nhân, một bóng... Bưng bát cơm lên mà nào có nuốt được đâu!

Bây giờ chị sống về già. Cần cái kim lên phải cậy nhờ vào cặp kính nặng nề. Nghĩ, lại nghĩ... ngày mai liệu mình có còn đủ sức bưng bát cơm bát cháo mà ăn. Dạo này chị ít ngủ. Đêm nào cũng xuýt xoa vì những cơn đau, rồi những tiếng ho thúng thắng thâu đêm... Nghe đài, đọc báo nghe nói ở đâu ở đâu những người vượt lên số phận. Nhưng số phận chúng tôi nằm trong số phận dân tộc. Một dân tộc có giặc ngoại xâm buộc phải cầm súng mà trở thành dân tộc anh hùng, nhưng không ít đau thương.

Nghĩ đi rồi nghĩ lại mình đã có một thời sống đẹp sống tử tế vì cộng đồng, dân tộc. Dân ta ngày nay đã có nhiều người được ăn ngon, mặc đẹp. Vui. Chúng tôi cầu mong cho đất nước không còn bão táp mưa sa để chúng tôi nguôi ngoai nỗi đau cuộc chiến. Máu xương, mồ hôi nước mắt đồng bào đổ ra phải làm nên một Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, một Việt Nam gấm vóc mạnh giàu...

Phạm Công Liên
.
.
.