Những phụ nữ làm nghề của đàn ông

Thứ Hai, 11/12/2006, 15:34

Sửa xe, khuân vác, vạn chài, lái xe ôm... những công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông. Thế nhưng, với những lo toan bộn bề trong cuộc sống vẫn có những người phụ nữ dường như quên đi phận chân yếu tay mềm, bươn chải với cuộc mưu sinh bằng "nghề của đàn ông".

"Anh ơi" cho về 240 Lê Duẩn nhé"... Áo zin, quần bò bụi bặm, mũ sùm sụp nhưng khi tôi kịp nhận ra "anh ta" đích thị là con gái 100% thì "anh xe ôm" cùng với chiếc xe cà tàng đã hòa vào dòng người đông đúc.

Lần thứ 2 bất ngờ gặp lại "anh xe ôm" vào buổi chiều cuối tháng 11 khi "anh" đang đậu xe chờ khách ở chợ Đống Đa. Không giấu được sự tò mò khi thấy một phụ nữ lại làm nghề này, tôi bắt chuyện làm quen...

Câu chuyện thứ nhất

Chị tên Tống Thị Ngọc Hường. Hường sống cùng mẹ và em gái trong một căn nhà tồi tàn, nằm sâu trong con hẻm nhỏ cạnh chợ Đống Đa. Từ khi chưa đủ 16 tuổi, Hường đã phải gánh những trang trải, lo toan cơm áo gạo tiền và thuốc men chạy chữa hàng ngày cho mẹ già mù lòa đau ốm và cô em gái bị bệnh thần kinh.

Hường ham học lắm, nhưng để nuôi mẹ, nuôi em, cô đành phải chia tay với đèn sách khi đang học dở dang cuối cấp 2. Làm sao đây để kiếm tiền hàng ngày đong gạo, mua thuốc cho mẹ, cho em mà không hề biết bất cứ một nghề nghiệp gì? Hường quyết định dắt chiếc xe đạp ra trước chợ Đống Đa làm xe ôm...

Góp nhặt từng ngày cũng coi như tạm đủ đong gạo và thuốc men cho mẹ và đổi chiếc xe đạp thành chiếc honda cà tàng. Là con gái, lại lái xe ôm nên không ít lần Hường bị trêu chọc, thị phi.

Hường kể: "Có lần đã 9h tối, nhưng cả ngày ế khách, trong túi chỉ chừng dăm nghìn. Ráng chờ khách biết đâu lại kiếm được thêm chút ít, thì bất ngờ có 2 thanh niên nồng nặc mùi rượu sấn sổ đến yêu cầu chở đi. Phát hiện Hường là con gái chúng buông lời sàm sỡ, rủ rê...

Từ chối cuốc xe này, những tưởng được yên nhưng 2 gã say kia đâu có tha. Bất ngờ cô bị nắm tóc giật mạnh ngã dúi dụi rồi bị đánh, bị đạp cho đến khi bà con quanh khu vực chạy đến can thiệp thì bọn chúng mới bỏ đi và buông những lời thóa mạ, tục tĩu".

Sau lần ấy, Hường cảm thấy tủi hổ lắm tính bỏ nghề làm việc khác nhưng nghĩ đến mẹ, đến em, Hường lại cắn răng tự nhủ phải quên đi, Hường quyết định cắt tóc ngắn, áo khoác sùm sụp giả làm đàn ông... Ấy vậy mà cũng đã  gần 20 năm làm nghề xe ôm rồi, bây giờ nếu không nhìn kỹ thì không ai nghĩ cô lại là phụ nữ.

Lần thứ 3 tôi gặp lại Hường, thấy trên áo cô cài một dải khăn đen, tôi hỏi, mắt Hường ngấn lệ... Người mẹ, chỗ dựa tinh thần của Hường đã ra đi. Cô vẫn lái xe ôm...!

Câu chuyện thứ 2

Buổi trưa, mặt trời chói chang trên đỉnh đầu, lốp xe máy lại thủng. Tôi ngao ngán dắt bộ chừng nửa cây số mới gặp được một quán sửa xe bên lề đường. "Thủng lốp hả em? Từ sau bão đến giờ mỗi ngày chị vá cả chục chiếc xe thủng lốp vì mảnh vỡ thủy tinh các loại như vầy".

Tôi ngạc nhiên khi đón tôi không phải là một "bác thợ sửa xe" mà là một phụ nữ trông rất hộ pháp, đậm đà lại làm cái nghề mà đối với phụ nữ xưa nay hiếm.

Quả thật, hết côn, kích, rồi cờ lê, dao bào, chị thoăn thoắt lành nghề như một "anh" sửa xe thực thụ. Chị tên là Nguyễn Thị Cúc, trông già như vầy chứ mới có gần 40 tuổi. Lam lũ cộng thêm 6 cái “rơmóc” nữa nên cứ  ngỡ như 50 tuổi.

Thất học, lấy chồng sớm, bôn ba không biết bao nhiêu là nghề, hết bán hàng rong đến bán vé số, rồi bây giờ cả cái nghề sửa xe này nữa. Chiếm cứ một góc phố hết bơm xe, vá lốp cả ngày trời trơ lưng với nắng, với bụi đường cũng chỉ đủ đong gạo từng bữa cho 8 miệng ăn trong gia đình.

Nở nụ cười thật tươi chị bảo: "Tuy con đông nhưng những đứa nhỏ nhà chị đều được đi học cả. Các cháu chắc là thương mẹ vất vả nên cả 6 đều chăm chỉ học hành và đều học giỏi cả. dù vất vả đến đâu, dù phải làm bất cứ công việc gì nhưng không bao giờ để các con phải thất học như mình. Có học, biết chữ, có ý chí vươn lên cuộc đời của chúng sẽ tươi sáng hơn mẹ...".

Câu chuyện thứ 3

Quần áo bạc phếch, ướt sũng, hơn 20kg cá nục ướp đá, nước chảy ròng ròng trên đôi vai gầy còm, Phan Thị Ngọc Anh vội vàng vác từ trên tàu xuống bến giao cho chủ hàng.

Lấy tay áo lau những giọt nước lạnh buốt đọng ướt trên trán, Ngọc Anh cho biết: "Rời phòng trọ từ lúc 2h sáng, mình ra cảng cá Thuận Phước để vác cá thuê cho đến 8h thì mới vơi. Công việc nặng nhọc, vất vả là vậy nhưng gom góp hết cả buổi cũng chỉ có được 20 ngàn đồng, tính toán 12 ngàn mua gạo, mắm muối và chi phí sinh hoạt cho cả ngày, 3 ngàn để gom trả tiền phòng trọ, còn 5 ngàn mình bỏ "ống" cuối tháng gửi về quê. Đấy là hôm trời yên, biển lặng cá về nhiều, chứ như mấy hôm bão vừa qua tàu không ra khơi được thì mình đói".

Ngọc Anh bằng tuổi tôi, năm nay 30 tuổi ấy vậy mà nhìn già dặn như trên 40. Hỏi về chồng con, chị cúi mặt, đôi mắt buồn bã, xa xăm: "Mình nghèo như vầy, khổ như vầy, đôi lúc thèm được có một mái ấm, với tiếng bi bô của con trẻ nhưng nghĩ đến ba, mạ già đau yếu đang cần thuốc thang để trị bệnh, thêm 2 đứa em đang tuổi ăn, tuổi học nên chẳng dám nghĩ đến chuyện chồng con"...

Ở cảng cá tôi còn gặp và nghe rất nhiều câu chuyện, mảnh đời của những phụ nữ khuân vác cá thuê nghèo như Ngọc Anh, họ từ khắp nơi như Huế, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, mỗi người một hoàn cảnh tìm ra Đà Nẵng gia nhập vào đội quân khuân vác thuê ở cảng như các chị Nguyễn Thị Hoa, Phạm Thị Thu, Đỗ Thị Hiền...

Vất vả là vậy, cực nhọc như thế nhưng chỉ nhận được từ 1 đến 2 ngàn đồng tiền công cho mỗi lần khuân hàng, cũng chỉ đủ đong gạo từng bữa. Tất cả họ đều có một niềm chung làm sao gom đủ tiền cuối tháng gửi về quê cho gia đình.

Đầy bản lĩnh và nghị lực họ sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc vì gia đình, vì chồng vì con. Trong cuộc mưu sinh, họ can đảm đảm đương những công việc mà dường như chỉ dành cho đàn ông

Hoài Thu
.
.
.