Những người xoá mầm tội ác

Chủ Nhật, 12/12/2004, 07:52

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên những cánh rừng giữa đại ngàn Tây Nguyên vẫn còn hằn sâu những vết lằn bom đạn và đặc biệt, còn nguyên những tấn chất độc hóa học rải rác khắp nơi. Và ở đó có những người lính quên mình để âm thầm ngăn mầm hậu họa.

Ngày 10/8/1961, chiếc máy bay trực thăng mang ký hiệu H-34 của không lực Hoa Kỳ đã thực hiện chuyến bay dọc quốc lộ 14 từ Kon Tum đi Đắk Tô và mở đầu chiến dịch rải chất độc hóa học xuống chiến trường miền Nam Việt Nam.

Chiến dịch rải chất "khai quang" mang mật danh "Ranch Hand" có mục đích diệt tận gốc màu xanh của rừng để tìm quân giải phóng. Trong vòng hơn 10 năm, quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam khoảng 100 triệu lít chất độc hóa học, trong đó phần lớn là chất độc da cam chứa hàm lượng dioxin rất cao.

Hàng ngàn tấn chất độc hóa học của Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam không chỉ gây tác hại trực tiếp đối với con người và môi trường tự nhiên lúc bấy giờ mà còn đeo bám dai dẳng mãi về sau.

Ngày 10/8/1961 đánh dấu "đen" về sự hủy diệt của chất độc da cam đối với Việt Nam. UBTWMTTQ Việt Nam đã lấy ngày này hàng năm làm "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam".

Tây Nguyên hiện có khoảng 5.000 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trong số đó trẻ em là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao. Khu vực này có những nơi đã từng là tâm điểm gánh chịu hậu quả chất độc hóa học của Mỹ rải xuống từ những năm 1961 - 1972, vẫn chưa có sự sống của tự nhiên hồi sinh. Có nơi vẫn còn nguyên những thùng chất độc hóa học chưa phân hủy khiến người dân địa phương luôn phải đối mặt với sự hủy hoại của dioxin đe dọa từng ngày…

Những người lính quên mình vì cuộc sống nhân dân

"Không có cách nào khác, những người lính chúng tôi phải cố gắng mày mò, khắc phục những hậu quả chiến tranh để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Luận, trợ lý hóa học, Tổ trưởng Tổ xử lý chất độc hóa học thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Gia Lai, vừa tâm sự với chúng tôi vừa tất bật với công việc chuyên môn của mình.

Giọng Huế chậm rãi, tính chất công việc cũng chậm rãi từng tí một. Hay nói đúng hơn là anh cân nhắc, thận trọng từng ly từng tý. "Không cẩn thận như thế làm sao được! Nguy hiểm và nguy hiểm lắm!". Câu nói cửa miệng phải thực hiện khi tiến hành xử lý chất độc hóa học là "mặc khí tài, đeo mặt nạ, đi găng tay". Không chỉ riêng anh mà tất cả anh em trong tổ xử lý chất độc hóa học đều phải bảo đảm nghiêm ngặt khâu an toàn này, nếu sơ sẩy một chút là nguy hiểm khôn lường. Người có công khá lớn trong "trận tuyến" xử lý chất độc đặc biệt nguy hại này là Trung tá Ngô Sơn (Phó tham mưu trưởng cơ quan quân sự huyện Chư Prông). Bắt đầu chiến dịch thu gom và xử lý chất độc hóa học còn sót lại ở Tây Nguyên từ năm 2000 đến nay, những người lính làm "nghề đặc biệt" này đã phải vật lộn với muôn vàn khó khăn, vất vả ở những nơi rừng cao núi sâu hiểm trở. Không trừ một nơi nào trong vùng rừng núi này, nếu ở đó còn chất độc hóa học của Mỹ sót lại là không có dấu chân của họ.

Một trong số nhiều thùng chất độc hoá học còn nằm lại ở núi rừng Tây Nguyên.

Đợt thu gom mới nhất của các anh từ ngày 18 đến 22/11 ở khu vực sườn núi phía Tây từ huyện Đắk Pơ đi Kông Chro (Gia Lai) với 15 thùng chất độc còn nguyên trạng nằm rải rác dọc tuyến núi non hiểm trở. Để gom được từng gói chất độc ấy về điểm thiêu hủy an toàn, khâu đầu tiên là phải tháo ngòi nổ. Cũng nguy hiểm và "lạnh xương sống" như tháo ngồi nổ của quả bom "khổng lồ" nhất Đông Dương vừa qua ở Ia Grai - Gia Lai. Bình thường mỗi thùng phi chứa từ 10 túi nhỏ trở lên, chỉ cần "xì" một lỗ nhỏ trong những túi nhỏ ấy thì coi như… tiêu.

Dù phải chịu nghèn nghẹn trong hơi thở khí tài nhưng các anh vẫn phải nén nhè nhẹ từng động tác một để rút được ngòi nổ ở các thùng phi. Sau khâu xử lý khá nhạy này, bước tiếp theo là dùng phương tiện đục vỏ phi để nhặt từng gói chất độc gùi về điểm thiêu hủy an toàn, cách xa khu dân cư và tránh nguồn nước ít nhất từ 1km trở lên. Những túi chất độc được cho vào trong các thùng nhựa đặt ở các hố sâu đào sẵn rồi cho dung dịch vào từng thùng, khẽ khàng cho mũi dao rạch thủng những túi hóa học để hòa lẫn trong dung dịch và châm lửa đốt. Đợi đến khi những làn khói xám đã bị khử độc bốc lên hết mới dùng củi để đốt cả thùng nhựa và lấp đất. Các anh phải nén chịu và "nín thở" cho đến khi trên các hố được cắm những chiếc cột bê tông đánh dấu có dòng chữ "Khu vực xử lý chất độc hóa học" thì mới rời chân về nơi nghỉ ngơi.

Cứ thế, lặng lẽ ngày đêm trên đất trời Tây Nguyên, các anh đã hòa theo nhịp của thời gian, của dòng đời, len lỏi trong khắp các khu rừng sâu, núi cao để làm nhiệm vụ đặc biệt này vì cuộc sống yên bình cho nhân dân

Ngọc Như
.
.
.