Những người lính thầm lặng trong bức ảnh lịch sử chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập
Tròn 44 năm sau, điều may mắn là cả bốn người lính trên chiếc xe tăng và tác giả bức ảnh đều còn bình sinh. Sau ngày thống nhất đất nước, những người lính lần lượt ra quân và xây dựng cuộc sống bình thường thời hậu chiến như bao người khác...
Xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng. |
Bài 1: Bức ảnh lịch sử và số phận những người lính
Lịch sử là một môn học hấp dẫn với nhiều người. Từ hồi học cấp II, tôi đã luôn quan tâm tìm hiểu những sự kiện trọng đại của đất nước được ghi lại bằng văn bản hoặc hình ảnh, âm thanh... Và bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975” in trong sách giáo khoa năm nào luôn ám ảnh tôi vì nó quá đẹp, thể hiện rõ chất hùng thiêng thời khắc lịch sử đất nước sang trang.
Tâm niệm vậy chứ tôi không thể ngờ sẽ có ngày được gặp những người lính có mặt trên chiếc xe tăng đó và cả tác giả bức ảnh là nhà báo Trần Mai Hưởng.
Nguyên đầu tháng 4-2019, tôi đến thăm nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, người có nhiều bức ảnh “để đời” về đề tài chiến tranh cách mạng. Chu Chí Thành được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012) với cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”, gồm 4 bức ảnh: “Thoát khỏi ngục tù”, “Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về”, “Hạnh phúc của những người chiến thắng” và “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng”.
Những người lính của chiếc xe tăng số hiệu 846 năm nào. Từ trái qua: ông Nguyễn Bá Tứ (pháo thủ số 2), ông Nguyễn Quang Hòa (trưởng xe) và ông Trần Bình Yên (lái xe tăng). |
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những bức ảnh nổi tiếng. Như bức “Hai người lính” của Chu Chí Thành được nhiều người quan tâm và dõi theo số phận nhân vật trong ảnh. Bức ảnh được chụp tháng 3-1973 tại Quảng Trị, ở vùng giáp ranh hai miền đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Trong ảnh, người lính giải phóng vận bộ quân phục quen thuộc, đầu đội mũ tai bèo và người lính quân đội Sài Gòn trong bộ rằn ri, khoác vai nhau thân mật đến mức nếu họ mặc quần áo dân sự thì đó chỉ có thể là hình ảnh của hai người bạn chí cốt…
Về bức ảnh này, báo chí đã nhiều lần đề cập và cuộc đời của hai người lính hai bên chiến tuyến đã được công chúng biết đến. Cả hai người hiện đều còn mạnh khỏe và họ đã gặp lại nhau, gặp lại người chụp bức ảnh giàu tính nhân văn và khát vọng thống nhất, hòa hợp dân tộc.
Sau câu chuyện về những bức ảnh để đời của mình, NSNA Chu Chí Thành nhắc tới nhiều kỉ niệm khó quên của ông với tư cách một phóng viên chiến trường và sau này là Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, người từng nhiều lần giữ cương vị chủ chốt trong các cuộc xét tặng giải thưởng về ảnh báo chí.
Các cựu binh xe tăng 846 và tác giả bức ảnh Trần Mai Hưởng (hàng trước, thứ tư từ phải sang) gặp mặt ngày 20-4-2019.
|
Trong đó, có câu chuyện về bức ảnh nổi tiếng của nhà báo Trần Mai Hưởng là “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975”. Đây là một trong những bức ảnh đẹp ghi lại khoảnh khắc lịch sử diễn ra tại Dinh Độc lập ngày 30-4-1975. Bức ảnh này đã được chụp tức thời và không hề dàn dựng.
Vậy là “hữu duyên” rồi. Tôi thầm reo và càng vui mừng khi NSNA Chu Chí Thành cho hay, cả bốn người lính trên chiếc xe tăng và tác giả bức ảnh lịch sử đều còn sống, hầu hết còn khỏe mạnh. Bốn người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846 gồm các ông Nguyễn Quang Hòa (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Bá Tứ (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quý (trú tại Hải Phòng) và Trần Bình Yên (trú tại Hà Nam), đều xấp xỉ tuổi “thất thập cổ lai hi”.
Cuộc sống của bốn người lính xe tăng năm xưa khá bình lặng và có phần vất vả. Họ đều xuất ngũ sớm, trở về là lao động bình thường, gắn bó với đồng ruộng hoặc làm nghề lái xe, buôn bán nhỏ. Họ không hề nổi tiếng và cũng không mong muốn điều đó, song luôn tự hào vì đã góp sức vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến và có mặt tại Dinh Độc lập trong thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975.
Người chỉ huy chiếc xe tăng 846 là ông Nguyễn Quang Hòa. Sau khi góp mặt vào sự kiện lịch sử tại Dinh Độc lập, ông Hòa tiếp tục làm nhiệm vụ của người lính. Trước khi xuất ngũ, ông là giáo viên Trường sỹ quan Tăng thiết giáp. Trở về với gia đình, ông Hòa giúp vợ làm công việc đồng áng, nuôi dạy bốn người con trưởng thành.
Các cựu binh xe tăng 846 chia sẻ những ký ức một thời khói lửa, đạn bom. |
Khoảng hơn chục năm gần đây, Hà Đông trở thành quận của Hà Nội và cuộc sống đô thị lan nhanh đến làng La Khê, quê gốc và cũng là nơi người cựu binh xe tăng cư trú. Vợ chồng ông Hòa mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ túc tắc mưu sinh để khỏi phải phiền đến con cháu.
Các cựu binh Trần Bình Yên, Nguyễn Ngọc Quý sau khi hoàn thành trách nhiệm của người lính cũng xuất ngũ sớm và trở thành những nông phu thực thụ. Riêng cựu binh Nguyễn Bá Tứ quê gốc Hà Nội. Sau khi xuất ngũ, ông Tứ làm nghề lái xe rong ruổi khắp nơi mưu sinh.
Năm 2011, ông Tứ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo u thanh quản, phải phẫu thuật cắt bỏ thanh quản. Từ đó, sức khỏe ông giảm hẳn, không nói được thành lời và trên cổ lúc nào cũng phải đeo một miếng bạc để che phần cổ mở khí quản. May có người vợ đảm đang, tần tảo với thúng xôi nên cuộc sống gia đình cũng vượt qua cơn bĩ cực.
Trong ba người con của ông Tứ, cô con gái đầu bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha nên sức khỏe và trí tuệ không được như người bình thường. Thế nhưng, vợ chồng ông Tứ cũng như những người cựu binh xe tăng 846 đều luôn vui vẻ, lạc quan vì họ tâm niệm: “Trải qua trận mạc, được trở về sống cuộc sống bình thường là điều may mắn lắm rồi. Biết bao đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống, như anh Ngô Văn Nhỡ hi sinh ngay trước giờ toàn thắng trên tháp pháo khi chỉ huy lữ đoàn xe tăng vượt qua cầu Sài Gòn. Còn bao đồng đội khác đã nằm lại nơi chiến trường, đến nay chưa tìm được hài cốt!”.
* Xem tiếp bài cuối: Hồi ức của những người lính xe tăng 846.