Những người cứu nạn trên biển

Thứ Năm, 22/07/2010, 11:21
Giữa biển khơi khi có bão, tính mạng, tài sản của ngư dân bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng họ có thể yên tâm sẽ được cứu nếu may mắn liên lạc được với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC). Nhận được tín hiệu cấp cứu là tàu của trung tâm lập tức vượt sóng gió, ra khơi làm nhiệm vụ.

Reng, reng, reng…, tiếng chuông điện thoại và bộ đàm vang lên tại Danang MRCC, Giám đốc Trần Văn Long nhấc máy tiếp nhận thông tin và biết được có tàu đang gặp nạn trên biển. Ngay lập tức, hai tàu SAR 412, SAR 274 tập hợp quân số, tiến ra biển Đông, tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Tàu gặp nạn là tàu BURNLEY đang hành trình từ Cảng Hải Phòng về Cảng Sài Gòn, đã bị cháy tại khu vực sinh hoạt.

Toàn thể thuyền viên của tàu đã cố gắng chữa cháy nhưng không dập tắt được. Một thuyền viên trên tàu bị bỏng nặng cần được chuyển tới bệnh viện để cấp cứu, 2 thuyền viên do hoảng loạn và không cẩn thận nên đã rơi xuống biển. Họ có mặc áo phao và yêu cầu được trợ giúp khẩn cấp...  

Đi cùng những người cứu nạn trên tàu SAR 412, tôi chứng kiến cảnh các chuyên viên, thủy thủ của tàu ai nấy đều nhanh chóng triển khai công việc. Khi tàu SAR 412 và SAR 274 ra tới hiện trường, công tác chữa cháy, cấp cứu người bị thương và tìm kiếm 2 người bị rơi xuống biển lập tức được triển khai. Lúc này các hệ thống chữa cháy trên tàu SAR 412 được huy động và chưa đầy 10 phút đám cháy trên tàu BURNLEY đã được dập tắt.

Các thủy thủ trên tàu SAR 412 đang vớt nạn nhân lên xuồng.

Dập xong đám cháy, thuyền trưởng Sơn hạ lệnh cho xuồng cao tốc xuống biển để tiếp cận với 2 nạn nhân đang đuối sức dưới những cơn sóng dữ. Giữa mênh mông biển cả, nhưng những động tác và cách cứu nạn mà Danang MRCC thực hiện rất chuyên nghiệp. "Nếu không nhanh chóng tiếp cận thì nạn nhân có thể sẽ chết giữa biển khơi", thuyền trưởng Sơn nói.

Sau một thời gian tìm kiếm tàu SAR 412 vớt được 1 nạn nhân, tàu SAR 274 cũng vớt được 1 nạn nhân, cả 2 đều đuối sức và được sơ cứu tại chỗ. Tuy vậy, một sự cố khác đã xảy ra. Một thuyền viên vô ý rơi xuống biển và buồng máy bị cháy. Cùng với việc cứu vớt thuyền viên, thuyền trưởng đã xin Trung tâm cho thuyền viên rời tàu. Sau đó, 2 tàu đã thông báo cho các cơ quan liên quan và đưa những nạn nhân về Cảng vụ Đà Nẵng để Trung tâm cấp cứu 115 đưa vào bệnh viện.

Đứng trên mạn tàu bồng bềnh vì những cơn sóng biển, ông Trần Văn Long cho biết: "Trên đây là những tình huống giả định của đợt huấn luyện TKCN trên biển với 2 tàu SAR 412 và SAR 274 có sự giám sát của  Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) và các trung tâm khu vực. Công tác huấn luyện trên biển là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Danang MRCC, nhằm mục đích nâng cao khả năng chỉ huy và các thao tác cứu nạn trên biển. Những năm qua, với nhiệm vụ được giao, chúng tôi luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên nhiều khi cứu nạn trong tình trạng sóng to gió lớn, đến cơm cũng không nấu được mà ăn, sỹ quan và thuyền viên trên tàu đều phải ăn lương khô trừ bữa…".

Băng bó vết thương cho người bị nạn.

Tự hào về công tác cứu nạn trong nhiều năm qua của Danang MRCC Ông Trần Văn Long - Giám đốc Danang MRCC cho biết: Danang MRCC thực sự là "con chim đầu đàn". Anh em TKCN của Danang MRCC bấy lâu nay được Vietnam MRCC đánh giá cao, công tác TKCN đã từng bước tạo thành một hệ thống chuyên nghiệp. Chúng tôi là những người TKCN trên biển  chuyên nghiệp của Việt Nam, vì thế tất cả anh em đều được quán triệt nhiệm vụ một cách rõ ràng. Có khi chỉ chậm 1 phút thì chết một người, nhanh hơn một phút là có thể cứu được đồng nghiệp, người dân trên biển. Vì thế việc huấn luyện thường xuyên được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, công tác TKCN trên biển ở Việt Nam hiện nay khó khăn rất nhiều.

Được biết, Danang MRCC trực thuộc Vietnam MRCC chịu trách nhiệm TKCN trên biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận với tổng diện tích khoảng 1240 hải lý vuông.

Hiện tại, Danang MRCC có 3 tàu cứu nạn là Sar 412, Sar 274, Sar 27-01 với trên 50 thuyền viên và nhân viên cứu nạn được đào tạo bài bản. Phương châm của Danang MRCC cứu người là trên hết, chỉ một vài người bị bệnh trên biển cũng nhanh chóng vào cuộc.

Bên cạnh cứu nạn ngoài biển khơi, Danang MRCC còn mở nhiều lớp tập huấn, huấn luyện an toàn hàng hải (ATHH) và TKCN cho các địa phương; thực hiện phương châm 4 tại chỗ; phối hợp với các Cảng vụ Hàng hải, Ban PCLB-TKCN phát tờ rơi tuyên truyền ATHH và TKCN… qua các đợt huấn luyện và tuyên truyền đã góp phần tích cực, hạn chế tai nạn nói chung và tai nạn hàng hải nói riêng.

Ngoài ra, Danang MRCC còn cập nhật kịp thời các thông tin dự báo thời tiết biển, áp thấp nhiệt đới, gió mùa và diễn biến của bão, kịp thời thông báo cho các tàu thuyền hoạt động trên biển để phòng tránh.

Tuy nhiên, không phải lúc nào Danang MRCC cũng gặp thuận lợi trong quá trình đi cứu nạn vì theo thống kê có tới 85% tàu cá bị nạn thì ngư dân thường không có kiến thức về ATHH, nhất là những lúc bão biển. Trong lúc đó trang thiết bị chưa đủ năng lực, phải có tàu lớn, hiện đại hơn mới đáp ứng những vụ cứu nạn cấp tốc.

Mùa mưa bão đã đến, ngoài việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, Danang MRCC còn là một trong những đơn vị chủ lực phối hợp với nhiều lực lượng, phương tiện máy bay, tàu quân sự, tàu chuyên dụng, tàu cá trong và ngoài nước phối hợp TKCN cứu hàng trăm ngư dân tại khu vực miền Trung gặp nạn sống sót cùng nhiều phương tiện đưa về đất liền an toàn…

Trong 6 tháng đầu năm 2010, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) đã tiếp nhận và xử lý thông tin 84 vụ. Qua tiếp nhận và xử lý thông tin, Vietnam MRCC đã điều động 12 lần tàu SAR hoạt động và tổ chức, điều hành 53 lần các phương tiện không chuyên tiến hành hoạt động TKCN trên biển. Qua đó đã cứu và hỗ trợ được 23 tàu thuyền (có 3 tàu nước ngoài) với 302 lượt người (có 72 người nước ngoài) thoát khỏi mối nguy hiểm trên biển.

Hoài Thu
.
.
.