Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình

Chủ Nhật, 09/05/2010, 07:37
Đô bất ngờ khi cuộc trò chuyện tình cờ lại diễn ra đúng vào ngày Kim Chi, đứa con gái đầu lòng của Đô lên xe hoa về nhà chồng. Hôm nay, khi tiệc cưới của con gái đang bắt đầu thì Đô ngồi trong khu giam tử hình và khóc, nức nở y như một đứa trẻ. Đôi bàn tay bị còng giơ lên, cố che đi những giọt nước mắt nhưng không được. Tôi ngồi lặng đi, trân trân nhìn vào đôi bàn tay Đô mà thoáng rùng mình.

Sau rất nhiều thủ tục, cuối cùng thì các PV của Chuyên đề ANTG cũng đã được phép... sống trọn một ngày trong khu giam dành cho người bị kết án tử hình tại Trại tạm giam Hà Nội - nơi mà trước chúng tôi, hiếm có nhà báo nào được đặt chân tới.

Đó là một khu giam gồm những buồng giam riêng, nằm trong khuôn viên của Trại, được thiết kế dành riêng cho những người bị kết án tử hình, tách biệt hẳn với khu giam chung. Không rộng như các buồng giam chung thường để giam số lượng đông phạm nhân, các buồng giam riêng chỉ có diện tích hẹp với hai bệ xi măng, đủ cho hai người nằm. Tất cả các bị cáo, sau phiên tòa sơ thẩm, nếu bị kết án tử hình là đều phải chuyển vào giam tại khu giam riêng này. Và, họ sẽ sống ở đây, chờ đợi cho tới ngày mà nói theo ngôn ngữ của tử tù là phải đi "trả án", trở về với cát bụi...

Bốn cuộc trò chuyện trong loạt bài dưới đây được các PV ANTG thực hiện ngay trong khu giam tử hình, giữa bốn bề là song sắt, lạnh lẽo và u buồn. Cuối tháng 3, hoa gạo trên đường ngoài cổng trại đã nở đỏ rực, còn ở trong này, dường như mùa đông vẫn chưa qua...

Bài 1: Tử tù Nguyễn Thế Đô: "Ngày nào em cũng niệm Phật để gột rửa tội lỗi”

Đô chờ tôi đã lâu. Bởi, từ trước đó một tuần, ngay khi được các thầy quản giáo cho hay là các nhà báo của Chuyên đề ANTG muốn trò chuyện với các phạm nhân tử hình thì Đô là một trong số không nhiều tử tù trong dãy giam riêng này xung phong được gặp. Chỉ với một lý do duy nhất là để kể lại câu chuyện đau đớn của đời mình. Câu chuyện ấy, theo Đô nếu mà đăng báo thì sẽ còn có ích cho nhiều người. Chỉ thế thôi để Đô chờ đợi gặp tôi...

Nhưng Đô bất ngờ khi cuộc trò chuyện tình cờ lại diễn ra vào buổi sáng ngày 31/3, đúng vào ngày Kim Chi, đứa con gái đầu lòng của Đô lên xe hoa về nhà chồng. Số phận dường như đã ràng buộc đứa con gái bé bỏng này vào những đớn đau của cuộc đời Đô khi em được sinh ra bởi một người cha nghiện ngập và bởi vậy mà ngay từ lúc còn quá nhỏ, em đã phải hứng chịu chung những bi kịch do người cha nghiện ngập gây ra.

Hôm nay, khi tiệc cưới của con gái đang bắt đầu thì Đô ngồi trong khu giam tử hình và khóc, nức nở y như một đứa trẻ. Đôi bàn tay bị còng giơ lên, cố che đi những giọt nước mắt nhưng không được. Tôi ngồi lặng đi, trân trân nhìn vào đôi bàn tay Đô mà thoáng rùng mình. Một cảm giác ớn lạnh từ đâu bỗng xộc tới khi hình dung về Đô, với đôi bàn tay tội ác ấy, như mô tả trong bản án hình sự phúc thẩm số 329/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội:

"Nguyễn Thế Đô là đối tượng nghiện ma túy... Đô đã nhiều lần đến nhà bà Phạm Thị Kim Long ở Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội để mua hêrôin về sử dụng. Do cần tiền và biết bà Long có tài sản, Đô nảy sinh ý định giết bà Long để cướp tài sản. Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 4/9/2007, Nguyễn Thế Đô... đến nhà bà Long đặt vấn đề mua hêrôin về để bán lẻ. Bà Long biết Đô không có tiền nên đuổi Đô về. Lợi dụng khi bà Long đang ngồi hút thuốc lào, Đô dùng một con dao chuôi gỗ bất ngờ chém vào đầu, mặt, người, tay, chân bà Long. Bà Long dùng tay đỡ và tóm được lưỡi dao, Đô rút dao chém tiếp làm lưỡi dao tuột khỏi chuôi dao, bà Long ngã ra sàn nhà. Bà Long kêu cứu, sợ bị lộ, Đô cầm dao cắt 2 nhát vào cổ bà Long, làm bà Long gục xuống chết ngay tại chỗ. Sau đó, Đô kéo tay bà Long lôi vào trong buồng ngủ, lấy một chiếc nhẫn vàng ta mặt đá màu xanh và nhặt chuôi, lưỡi con dao gây án cho vào túi quần rồi tẩu thoát".

- Từ sau cái buổi sáng kinh hoàng ấy tính cho đến hôm nay, anh đã ở trong khu giam tử hình được bao lâu?

- Em giết bà Long vào khoảng 8h sáng ngày 4/9/2007, thì đến 15h cùng ngày em bị bắt giữ trên đường bỏ trốn.  Tính đến bây giờ, em đã ở Hỏa Lò được hai năm rưỡi. Nhưng chỉ sau phiên tòa sơ thẩm ngày 26/12/2007 do bị tuyên án tử hình nên em mới phải đưa vào khu giam riêng này. Do vậy, em ở trong khu giam tử hình này mới được 2 năm 3 tháng.

- Ở trong trại giam, đã bao giờ anh mơ thấy bà Long hiện về, căm phẫn, oán trách kẻ đã đang tâm giết chết bà ấy chỉ với lý do "không bán chịu heroin" cho mình?

- Có, có một lần. Chiều hôm đó, hình như trời đổi gió thì phải. Ở trong buồng giam, giữa mùa hè mà em thấy lạnh rùng mình. Thấy có một con cánh cam từ đâu bỗng sà vào song sắt, em định bắt chơi nhưng vồ mãi chả được. Nó cứ bay dập dờn trước mặt như trêu ngươi, cánh xanh biếc lập lòe giống hệt như cái mặt đá gắn trên chiếc nhẫn vàng mà em cướp được sau khi giết chết bà Long. Giống lắm, cả về màu sắc lẫn hình dáng chị ạ. Và, đêm ấy, em mơ thấy bà Long trở về. Sáng dậy, em khóc rất nhiều. Mong sao hương hồn bà ấy tha thứ tội lỗi cho em.

- Chiếc nhẫn đó là tài sản duy nhất anh cướp được sau khi giết chết bà Long phải không?

- Vâng. Sau khi cướp được, em xỏ ngay chiếc nhẫn vào ngón tay út trái rồi điện thoại cho cháu Kim Chi, con gái lớn của em ra ngõ Yên Thái để gặp. Khi cháu Chi ra, em nói với cháu là tao vừa đâm chết mẹ thằng Phương “chuột” xong (Phương "chuột" là tên con trai bà Long, một người có quen biết với Đô - PV). Thấy người em dính nhiều máu và ngón tay có đeo chiếc nhẫn mặt đá màu xanh lạ, cháu hiểu ngay. Hai cha  con đi bán nhẫn. Được tiền, em đưa cho cháu Chi 950.000 đồng rồi em bỏ đi.

- Lúc đó, anh có nghĩ rằng, mình sẽ trốn được?

- Thực ra, ngay lúc ấy em đã biết rằng, sớm muộn gì rồi mình cũng sẽ bị bắt thôi. Bởi khi ra khỏi cửa nhà bà Long, do hoảng hốt, em đã xỏ nhầm một chiếc dép của bà Long và để lại chiếc dép của mình ở lại hiện trường. Đến khi em đi đến nhà vệ sinh công cộng trên phố Hòa Mã để rửa tay và gột quần áo dính máu thì em mới phát hiện ra. Ngoài ra, em thường xuyên đến mua ma túy ở đây nên Phương "chuột" con trai bà Long cũng quen em, rồi cả những người hàng xóm nhà bà ấy nữa, họ biết mặt em cả. Trốn làm sao được!

- Chắc vì thế mà anh mới đưa hết số tiền bán nhẫn còn lại cho con?

- Con em khổ lắm chị ơi, các cháu cần phải có tiền để sống. Cả hai cháu lúc đó còn đang đi học. Cháu Chi mới học lớp 10, còn cháu Kim Anh mới học lớp 8. Mẹ em thì già, bố em thì liệt, có chút tiền của tích cóp được thì em và thằng em kế em đều nghiện ma túy phá tan hết sạch. Trước đây nhà em ở Trần Quốc Toản rồi phải bán đi mua một căn hộ bé tí xíu như cái tổ chim cheo veo trên tận tầng 4 ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Cả nhà gồm: 3 bố con chú em, 3 bố con em và hai ông bà ở đó. Chú em cũng bị nghiện, vợ bỏ, để lại 2 đứa con, cộng với 2 đứa con em nữa là 4 đứa cháu còn nhỏ và 2 thằng con nghiện, một mình mẹ em cáng đáng tất, khổ lắm.

Nguyễn Thế Đô khóc khi nghĩ đến con.

Cháu Chi đã nhiều lần vật vã đòi bỏ học, ở nhà đi làm giúp bà nuôi em. Ngay hôm trước ngày em gây án, chỉ còn có 2 ngày nữa là khai giảng mà cháu Chi cứ nước mắt ngắn nước mắt dài đòi bố cho nghỉ học vì thương bà, thương em. Cháu Kim Anh, đứa con gái thứ hai của em lại còn bị bệnh về mắt, mắt cháu mỗi ngày một mờ đi, cần có tiền để chữa bệnh. Ngay buổi chiều hôm em bị bắt, chú Quân, Đội trưởng Đội điều tra trọng án ở số 7 Thiền Quang (Trung tá Trần Hải Quân, nay là Phó trưởng Công an huyện Đông Anh - PV), khi hỏi cung em, biết hoàn cảnh bố con em khổ quá nên đã cho cháu Chi 500 nghìn đồng. Em còn nhớ mãi, chú Quân dặn cháu Chi rằng, chú tặng con để con thêm vào đóng tiền học đầu năm. Ngày mai khai giảng rồi, con cố gắng vượt qua khó khăn mà tới lớp.

- Đã khổ thế mà sao anh còn nghiện, làm khổ thêm mẹ già và các con?

- Em bập vào ma túy, không dứt ra được. Em cai nghiện năm lần bảy lượt rồi mà vẫn tái lại. Nhớ những lần cai nghiện, mẹ em già thế mà phải còng lưng đấm bóp cho em suốt đêm để giúp em vượt qua những cơn vật vã vì đói thuốc. Cháu Chi, lúc đó còn nhỏ lắm mà cũng phải lăn vào đấm bóp cho bố. Ở trong tù bây giờ, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh em suốt thôi. Em thương mẹ già, thương các con thơ dại, vì em mà phải khổ. Ma túy làm em u mê đi, ngu dại đi, mất hết cả lý trí. Ma túy cũng làm em trở nên hung hãn hơn, liều lĩnh hơn.

- Cũng tại vì anh nghiện nên vợ mới bỏ đi phải không?

- Thôi, chị đừng nhắc đến cô ta nữa. Cô ấy bỏ đi lâu rồi, bỏ chồng đã đành nhưng còn con. Lúc vợ em bỏ đi, cả hai cháu còn bé xíu, mà cháu Kim Anh thì tật nguyền thế. Bao nhiêu năm các cháu không có mẹ. Bố thì nghiện ngập bê bết. Cháu Chi hôm phiên tòa xử, em khóc ghê lắm, cháu nói trước Hội đồng xét xử rằng: “Từ nhỏ, lúc nào cháu cũng mong mâm cơm nhà cháu có đủ người, mong muốn đơn giản như vậy mà chẳng bao giờ thực hiện được. Lúc nào cũng chỉ có mấy bố con với mâm cơm, nhiều hôm buồn, cháu không nuốt nổi...". Em nghe con nói mà như đứt từng khúc ruột. Các cháu đã không có mẹ mà bố thì lại nghiện ngập bê bết.

Hồi năm 1997, em bị tù 6 năm về tội cướp, thi hành án ở trại cải tạo trong Nghệ An. Năm 2000, sau khi được đặc xá, em về Hà Nội rồi mà "Ban" (từ các phạm nhân thường dùng để gọi các đồng chí Giám thị, Phó giám thị Trại - PV) vẫn thương em lắm. Có lần, Ban ra Hà Nội họp, tình cờ gặp em, thấy em nghiện lại, bết quá, Ban khuyên em từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời đi mà nuôi con khôn lớn. Ban còn đến tận nhà, cho hai đứa con em mỗi đứa 200 nghìn đồng. Em mà nghe lời Ban, từ bỏ ma túy thì chắc sẽ chả bao giờ lại phạm trọng tội để phải trả giá bằng mạng sống như thế này.

- Từ ngày bị tuyên án tử hình, anh đã gặp lại hai con lần nào chưa?

- Mỗi tháng tử tù được gặp gia đình một lần. Vì thế, tháng nào em cũng được gặp mẹ em và hai cháu. Mỗi lần gặp được chừng 20 phút nhưng chả nói được gì nhiều đâu, toàn khóc thôi. Em khóc, con khóc, mẹ khóc. Tháng trước, cháu Chi vào thăm, khoe rằng đã có công ăn việc làm và báo tin là hôm nay sẽ lấy chồng. Mong làm sao cho cháu gắn bó được với một người đàn ông tốt, để cháu được hạnh phúc. Suốt cả tuổi thơ, cháu đã quá khổ rồi. Còn cháu Kim Anh nữa, cháu thì tật nguyền, bà nội thì mỗi ngày một già yếu, cháu biết trông cậy vào đâu.

- Có bao giờ ở trong này anh  mơ thấy các con?

- Lúc nào em cũng nghĩ đến hai cháu. Hình ảnh của Chi và Kim Anh luôn thường trực trong em cả lúc thức lẫn lúc ngủ. Hôm Tòa xử, mẹ em có gửi cho em một tấm hình chụp hai đứa con em và hai đứa cháu con cậu em. Từ bấy, trong buồng giam em luôn luôn để bức ảnh ấy ở trên đầu bệ nằm và suốt ngày trò chuyện với các cháu, y như các cháu đang ở bên cạnh mình. Giờ ăn cơm em cũng bảo, các con ăn cơm cùng bố nhé. Tối nào em cũng nói chuyện với hai con, em kể đủ thứ chuyện như lúc Chi mới sinh thì trông thế nào, lúc Kim Anh đi học lớp 1 thì về nhà khóc nhè ra sao... Toàn chuyện ngày xưa thôi chị ạ. Giờ đi ngủ em cũng nhủ, thôi bố đi ngủ đây, các con ngon giấc nhé. Hôm nay trước khi ra gặp chị, em cũng bảo, các con ơi, bố đi ra ngoài nói chuyện với nhà báo đây.

- Một ngày trong buồng giam tử tù của anh diễn ra như thế nào?

- Hồi mới xử phúc thẩm xong thì đêm nào em cũng thức để chờ đi trả án. Cảm giác sợ hãi chờ đợi ra trường bắn lúc nào cũng đeo bám. Bây giờ thì quen rồi. Em không thức đêm nữa mà ngủ. Sáng dậy từ 5h, làm vệ sinh cá nhân xong rồi bắt đầu cầu kinh niệm Phật. Sáng nào em cũng cầu kinh hai tiếng, mong sao mọi tội lỗi của em được gột bỏ, để em thanh thản trở về với cõi chết. Sau giờ ăn trưa, em lại ngồi chuyện trò với các con em trong ảnh. Rồi ngủ vùi, đợi chờ đến giờ ăn tối. Rồi lại ngủ thôi. Nhưng giấc ngủ với em chưa bao giờ thanh thản cả, bởi những ám ảnh tội lỗi luôn đè nặng lên tâm trí em.

...Trở về buồng giam.

Đô lại khóc. Rất nhiều nước mắt đã rơi trong cuộc trò chuyện này. Cửa buồng giam tử tù ở ngay phía sau lưng nơi Đô ngồi trò chuyện cùng tôi. Đô trở về phía đó và bảo rằng, ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với những tử tù như Đô rất gần, chỉ là một buổi sáng thôi, khi lệnh thi hành án được bắt đầu. Vì thế mà bây giờ sám hối đã là quá muộn nhưng rất cần để được ra đi thanh thản...

(Kỳ sau: Tử tù Trương Văn Tuất: “Lá vàng còn ở trên cây...”, ANTG số 957, thứ Tư ra ngày 12/5/2010)
Bài: Đặng Huyền - Ảnh: Trang Dũng (Chuyên đề ANTG số 956)
.
.
.