Những con tàu đắm và cuộc bán đấu giá cổ vật tại Hà Lan

Thứ Năm, 04/05/2006, 08:34

Chỉ tay vào những chiếc hũ hoa văn tinh xảo, cổ vật từ con tàu cổ bị đắm khu vực Hòn Cau, ông Thân, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh BR-VT nói: “Đã có 270.000 hiện vật thu được từ con tàu đắm, trong đó hàng chủ yếu là chóe, bình, hũ, lọ, ấn, dĩa, tô, đồ dùng bằng gốm với kỹ thuật chế tác điêu luyện”.

Nằm trong chương trình lễ hội Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) 2006, từ ngày 11 - 20/4/2006, một cuộc triển lãm quy mô lớn theo phương thức mở về kho báu dưới lòng đại dương đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, UBND và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh BR-VT tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên tỉnh, số 160 Hạ Long, TP Vũng Tàu. Ngoài lễ hội bắn súng thần công, việc triển lãm kho báu dưới lòng đại dương với 1.000  cổ vật thu được từ việc trục vớt 10 con tàu cổ trên vùng biển Việt Nam.

Hàng chục cổ vật từ Hà Nội vừa chuyển đến BR-VT bằng đường bộ được đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Hà Nội hộ tống một cách thầm lặng nhưng không kém phần long trọng. Tiến sĩ (TS) Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng là người kín đáo nhưng cũng không giấu nổi sự hồi hộp, căng thẳng trong chuyến đi này.

Câu chuyện xung quanh bàn trà với TS Phạm Quốc Quân, chúng tôi hiểu rằng, mỗi một con tàu chở cổ vật bị đắm không đơn thuần là một kho báu bởi sự liên quan của nó đến số phận của ngư dân trong vùng cũng như những bí mật về đời sống, cơ hội giao thương của các cư dân cổ.

Hơn 100 cổ vật từ con tàu cổ bị đắm  ở Hòn Dầm (Phú Quốc) từ thế kỷ XV cũng được trưng bày tại triển lãm này. Từ năm 1980 đến 1989, cổ vật từ con tàu đắm này đã từng nuôi sống hàng trăm, hàng ngàn gia đình ngư dân Phú Quốc... Do có vụ kiện  tụng về sự cố mất đồ cổ mà các thợ lặn vùng Hòn Giỏi, Hòn Thơm mò được từ Rạng ông Đực rồi cất giấu trong các bụi cây, bờ cỏ ở Hòn Dầm mà nồi cơm của không ít ngư dân Phú Quốc bị thủng.

Trong chuyện này, dĩ nhiên Nhà nước và phần đông người dân có lợi, nhưng với không ít ngư dân Phú Quốc, việc trục vớt tàu cổ ở Hòn Dầm lại chẳng hay ho gì, và từ sự không hay ho ấy, với nhiều kiếp đời ngư dân lam lũ, lâu nay kho báu dưới lòng đại dương vẫn là những bí ẩn thôi thúc họ tìm kiếm trong vô vọng mỏi mòn.

Gần 20 năm trước, dư luận kéo các ngành chức năng ở Kiên Giang vào cuộc với con tàu cổ khu vực Hòn Dầm để rồi sau đó các nhà khảo cổ Việt Nam tiếp tục trục vớt thêm hơn một chục kho báu khổng lồ dưới lòng đại dương. Theo các chuyên gia khảo cổ, thực ra con tàu cổ bị đắm ở Hòn Dầm đã được ngư dân Kiên Giang phát hiện từ trước giải phóng; thế nhưng có lẽ vì bận việc chiến tranh, nên chính quyền chế độ cũ đã quên phéng mất chuyện trục vớt con tàu cổ; và gần 20 năm sau, khi được khai quật, cổ vật từ con tàu cổ bị đắm (dài 30 mét, rộng 7 mét với hàng chục khoang, mỗi khoang 1,5 đến 1,8 mét) đã bị thất thoát hàng ngàn hiện vật có giá trị. Hơn 10.000 hiện vật của con tàu đắm đã được lấy lên khỏi lòng đại dương, trong đó chủ yếu là đồ gốm sứ Sawankhalok của Thái Lan có niên đại thế kỷ XV.

Những cổ vật được trục vớt sau nhiều năm bị "lãng quên".

Trong số những cổ vật thu được từ tàu cổ Hòn Dầm tham gia trưng bày lần này có một số đồng tiền Trung Quốc hiệu “Vĩnh Lạc Thông Bảo” (1403-1424). Đây là chứng cứ quan trọng giúp các nhà khảo cổ học khẳng định niên đại chính xác của con tàu. Tuy nhiên, chủ nhân cùng hải trình của con tàu này đến nay vẫn nằm trong vòng bí ẩn, dù rằng nó đã vạch lên hải trình của con đường tơ lụa gốm sứ trên biển một mốc son về sự đa dạng và phong phú chủng loại hàng hóa trên tàu.

Thùng nhỏ nhất với ký hiệu K3 chứa một số bình gốm niên hiệu “Đại Thanh Ung Chính niên đế” (1723-1735) đã bị biến dạng vì lửa là cổ vật được lấy lên từ tàu đắm thuộc vùng biển Cà Mau. Được ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận) phát hiện trên ngư trường Cà Mau muộn màng hơn, nhưng tàu cổ Cà Mau lại được tiếp cận nhanh và ít tốn kém nhất. Tại tọa độ 7o41'2 vĩ Bắc đến 105o 29'18 kinh Đông, một xác tàu có nguồn gốc từ Trung Hoa được làm bằng gỗ Kim Giao đế nạc có kích thước 24x8 khi bị chìm đã mang theo gần 2.000 cổ vật, chủ yếu là đồ gốm sứ Trung Hoa với hoa văn tinh xảo được sản xuất từ những năm đầu thế kỷ XVI.

Chỉ tay vào những chiếc hũ hoa văn tinh xảo, cổ vật từ con tàu cổ bị đắm khu vực Hòn Cau, ông Thân, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh BR-VT nói với tôi: “Chú xem, mỗi cổ vật này đều gắn với linh hồn bao người đã khuất. Đợt khai quật khảo cổ học tàu cổ Hòn Cau đồng nghĩa với cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đầu tiên ở Việt Nam đã thành công mỹ mãn. Đã có 270.000 hiện vật thu được từ con tàu đắm, trong đó hàng chủ yếu là chóe, bình, hũ, lọ, ấn, dĩa, tô, đồ dùng bằng gốm với kỹ thuật chế tác điêu luyện”.--PageBreak--

Cho tôi xem những đồng tiền cổ có niên hiệu Khang Hy và thỏi mực chữ Hán “Canh Ngọ niên”, ông Thân giải thích: “Nhờ chúng, các nhà khảo cổ học không mấy khó khăn để xác định chính xác đây là cổ vật thuộc các lò gốm sứ nổi tiếng thời bấy giờ, như lò gốm Cảnh Đức Trấn, Sơn Đầu, Đức Hóa được sản xuất ở Trung Quốc vào đời Khang Hy (1662-1772).

Cuộc nói chuyện giữa hai vị giám đốc bảo tàng một già một trẻ rốt cuộc cũng chỉ đến khảo cổ học và cổ vật. Quá khứ của những ngày đãi cát... tìm tin về kho báu trong mỗi người bất chợt hiện về. Cuối năm 1989, thiên hạ rỉ tai về chuyện một nhóm ngư dân ở Long Hải phát hiện ra một con tàu cổ bị đắm trên vùng biển Côn Đảo. Không lâu sau, vào khoảng giữa năm 1990, hàng loạt các cổ vật như bình, hũ, lọ... bằng gốm sứ với hai màu xanh lam, trắng đủ loại chiều cao, kích cỡ, trong đó có rất nhiều cổ vật bị hàu bám đã xuất hiện trên thị trường cổ vật TP HCM.

Nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, đi đầu là Báo Công an TP HCM, tung tích của những người dân chài phát hiện ra chiếc tàu cổ bị đắm đã được xác định - anh Nguyễn Văn Đê và Nguyễn Văn Vàng, đều là ngư dân ngụ tại ấp Hải Hà, thị trấn Long Hải. Khi thị trường đồ cổ ở đường Đồng Khởi, TP HCM dậy sóng, đồng thời với việc một số đường dây buôn bán cổ vật bằng đường bộ từ TP HCM quá cảnh sang Campuchia, tiếp tục “chảy” sang Thái Lan, Pháp, Anh bị phanh phui cũng là lúc Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Visal (Bộ Giao thông vận tải) khảo sát thành công vị trí tàu cổ bị đắm trên vùng biển Hòn Cau - Côn Đảo.

Tháng 9/1990, Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (lúc đó còn là Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo) phối hợp với Visal và Công ty Hallistrom Holdnys Oceanic (Thụy Điển) khai quật khảo cổ học dưới nước tàu cổ bị đắm này.

Trước ngày Festrival biển BR-VT 2006, khi nghe tin BR-VT mở rộng khu trưng bày cổ vật thu được từ 10 con tàu đắm, không ít du khách trong và ngoài nước do tò mò, háo hức đã đến Bảo tàng Tổng hợp để tìm hiểu. Câu chuyện của các cán bộ bảo tàng khơi dậy trong mỗi chúng tôi hình ảnh của những thương cảng tơ lụa gốm sứ sầm uất gắn liền với tên tuổi của Hội An, Vân Đồn cách đây hàng trăm năm... Năm 1992, có 1.011 lô hàng với tổng số 2.800 cổ vật được chọn ra từ 270.000 cổ vật thu được ở Hòn Cau đã được đem bán đấu giá tại Hà Lan với giá trị thu được 6,7 triệu USD.

Việt kiều Mỹ, Gieny Nguyễn, cho tôi hay rằng chị đã từng chứng kiến cuộc bán đấu giá cổ vật từ tàu đắm Hòn Cau, Côn Đảo 14 năm về trước. Lúc đó chị còn là thiếu nữ, được may mắn cùng cha sang Hà Lan du lịch theo lời mời của một người bạn Pháp. Chị quả quyết với chúng tôi rằng, sau việc bán đấu giá cổ vật Hòn Cau các nhà khảo cổ học nước ngoài đã nhận định rằng đây là cuộc đấu giá hay nhất và khôn khéo nhất trong lịch sử bán đấu giá cổ vật thế giới. Tại buổi bán đấu giá, một số biểu ngữ đã được tung ra trước cửa trụ sở Công ty Christie's Amsterdam - đơn vị tổ chức bán đấu giá với nội dung: “Không bán cổ vật cho người Mỹ vì nước Mỹ đang cấm vận Việt Nam”.

Sau này người Mỹ và Việt kiều Mỹ mới nghiệm ra rằng thực chất đây là một sự thỏa thuận ngầm giữa Công ty Christie's Amsterdam (công ty tổ chức bán đấu giá) và Công ty Hallistrom nhằm tạo ra lực hút mãnh liệt từ phía người Mỹ. Kết quả là cuộc đấu giá đã biến thành một cấp bán hàng trung gian “nóng” chưa từng thấy, trong đó nhiều lô hàng được nâng lên 4-5 lần so với giá ban đầu, nhiều lô hàng sau khi đấu giá trúng đã được nâng lên 4-5 lần so với giá ban đầu, nhiều lô hàng sau khi đấu giá trúng đã được bán lại với giá gấp 3-4 lần. Rốt cuộc, cuộc đấu giá đã thành công mỹ mãn. Ngoài việc được hưởng lợi 59% trong tổng số 6,7 triệu USD, cuộc đấu giá này đã đánh dấu sự mở cửa và hội nhập của Việt Nam trên trường thế giới

(Còn nữa)

Ngọc Luận
.
.
.