Nhọc nhằn “đánh bạc với giời”

Thứ Hai, 23/10/2017, 08:10
Ít thì mất một vài trăm triệu, người nhiều thì mất cả tỷ bạc, đó là chia sẻ của ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định về thiệt hại của bà con nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã sau đợt lũ vừa qua.


Với những người nông dân nuôi trồng thủy sản, “đánh bạc với giời” đã trở thành câu nói cửa miệng bởi lĩnh vực này phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết...

Nuôi hai năm, mất một giờ!

Vẻ mặt vẫn còn thẫn thờ sau lũ bão, hai vợ chồng ông Trần Văn Thừa, xóm 10, xã Nghĩa Thắng, ngao ngán chia sẻ với chúng tôi thiệt hại của trận mưa lũ vừa qua. 24ha đầm nuôi cá mú, tôm, cua trôi theo dòng nước mà vợ chồng đứng xa nhìn bất lực. 

Một tuần nay, ông Thừa vất vả thuê người, máy múc đắp lại những đoạn bờ đầm bị nước lũ cuốn trôi. Đất ngâm nước lâu ngày, đắp lên đến đâu lại chảy xuống đến đó. Chỉ qua đợt thiên tai vừa qua, ước tính thiệt hại của gia đình ông lên đến hơn 2 tỷ đồng. 

“Tính giá thương phẩm mỗi kilôgam cá mú khoảng 200 nghìn đồng, 5 tấn cá mú đã là 1 tỷ. 1 tấn tôm sú với giá khoảng 400 nghìn/kg là 400 triệu. 1 tấn cua giá cũng khoảng 400 nghìn/kg. Sơ sơ nhà tôi cũng mất khoảng 2 tỷ đồng sau lũ bão. Trồng cây đến ngày hái quả thì lại bị lũ cuốn trôi. Thiên nhiên khắc nghiệt quá”, ông Thừa buồn bã.

Người dân nuôi trồng thủy sản ở Nghĩa Hưng, Nam Định gia cố, sửa lại bờ đầm bị vỡ do ảnh hưởng đợt mưa lũ vừa qua.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Điệp, xóm 9, xã Nghĩa Thắng, hơn tuần nay vẫn ăn nằm ngoài đầm bãi. Hơn 2ha đầm nuôi cá mú mất trắng, vốn liếng trong nhà mất sạch, vợ chồng anh đến giờ vẫn chưa hết thiểu não. 

“Cơn bão số 10 ập vào, cá nuôi bơi đi vợi. Bão vừa xong, lũ ập về chẳng ai kịp trở tay. Chưa kịp hoàn hồn sau bão thì cơn lũ về nước dâng, nước ngọt tràn vào. Cá mình nuôi là giống nước mặn gặp nước ngọt cứ chết dần nổi ngửa bụng, muốn khóc cũng chả được”, anh Điệp chia sẻ. 

Anh Điệp cho hay, hơn chục năm nay bước chân vào nghề nuôi trồng thủy sản, thiệt hại không ít lần nhưng chưa bao giờ gặp thiệt hại nặng như lần này. Vợ chồng anh Điệp với 2ha đầm nuôi cá mú cũng thiệt hại hơn 500 triệu đồng. 

Anh Điệp chua xót kể, mấy ngày mưa lũ, cả gia đình anh ăn ngủ ngoài đầm để phòng chống. Đoạn bờ nào thấp thì gia cố. 

“Hôm lũ dâng, cả ngày quần quật đến 2 giờ chiều bố con bảo về lều ăn bát cơm. Chưa kịp buông bát đũa thì nước dâng lên quá nhanh. Chỉ trong vòng 30 phút nước đã dâng lên cao hơn mặt bờ đến nửa mét. Đến chiều thì nước lưng lửng bờ đê, cao hơn mặt bờ đầm đến gần 1,5m. Của đau con xót nhưng nhìn xuống đầm trắng xóa mà bất lực. Đầm cá mú gần 2 năm chăm sóc với bao nhiêu công lao, vốn liếng mất trắng chỉ sau chưa đầy 1 giờ”, anh Điệp kể.

Đầu tư nhiều nhưng vẫn rủi ro  

“Trung bình mỗi hộ nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 10 và đợt lũ vừa qua thiệt hại khoảng 200- 300 triệu đồng, có người mất tiền tỷ, đặc biệt những hộ làm ngao, vạng có người còn mất đến cả chục tỷ đồng. Thiệt hại vô cùng lớn”, ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng tâm sự đầy chua chát về rủi ro trong nghề này. 

Theo thống kê chưa đầy đủ thì với khoảng 80ha đầm nuôi trồng thủy sản của địa phương đợt vừa qua cũng đã thiệt hại đến hơn 40 tỷ đồng. Nghĩa Thắng cũng là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Nghĩa Hưng.

Vợ chồng chị Trần Thị Cam, xóm 9, xã Nghĩa Thắng, với 4ha đầm nuôi tôm và cá mú đợt vừa qua cũng bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Tuy vậy, theo chị Cam, con số đó mới chỉ tính giá trị tôm cá bị chết, bị mất, còn nếu tính tổng thiệt hại của các hộ làm đầm còn lớn hơn nữa. 

“Tiền mua nước mặn để cứu đầm cũng không ít. Mưa lũ, nước biển ở gần bờ bị ngọt hóa, cá mình nuôi là cá nước lợ, nước mặn, gặp nước ngọt là chết, do vậy phải thuê thuyền đi ra cách xa bờ biển hàng chục kilômét để lấy nước mặn. Người ta cứ tính 30 nghìn/m³, còn nước còn tát nên lại phải mua nước mặn cứu đầm. Hộ ít thì vài chục triệu, hộ nhiều phải bỏ cả trăm triệu để mua nước nhưng cũng chả cứu được. Làm cái nghề này rủi ro lắm, không gặp thiên tai thì chẳng may bị dịch bệnh, cả đầm cá cứ ngửa bụng lên chết là mất một vài trăm triệu như chơi”, chị Cam chia sẻ. 

Chị Cam cho biết thêm, cách đây 3 năm, gặp đợt rét đậm, rét hại, đầm cá mú nhà chị cũng chết sạch, thiệt hại cũng mất hơn 1 tỷ đồng.

Mất của, nhưng với nhiều người dân ở xã Nghĩa Thắng lại xuất hiện thêm nhiều nỗi lo, đến phân nửa vốn liếng đầu tư vào đầm là tiền đi vay. “Nợ nần đến hẹn phải trả nhưng hiện giờ chưa biết lấy đâu để trả. Vợ chồng tôi cũng đang phải tính toán. Rồi đắp lại bờ đầm từ nay đến cuối năm cũng phải một vài trăm triệu nữa. Sửa lại đầm xong thì lại phải tính toán vốn mà nuôi thả. 30 nghìn một con cá mú giống, lại thêm một khoản tiền lớn. Đau đầu lắm”, ông Trần Văn Thừa tâm sự.

Theo thống kê, thiệt hại trong nuôi trồng thủy hải sản của riêng huyện Nghĩa Hưng đợt vừa qua đã vượt qua con số 500 tỷ đồng. Rủi ro rất lớn nhưng với những người dân đã theo nghề này thì không dễ để chuyển đổi mô hình kinh tế khác. Theo chia sẻ của ông Cao Xuân Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hải thì với những người làm nghề nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ thành công chỉ được 50%. 

“Xã Nghĩa Hải đợt vừa rồi diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng lên tới hơn 157ha, do vỡ bờ đầm, số thủy sản nuôi bị mất trắng. Người làm nghề này một phần có lợi nhuận, một phần hòa, một phần lỗ. Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, dịch bệnh, giá cả thị trường. Thế nhưng với bà con, nếu không làm, không gắn bó với nó thì giờ có thể làm gì khác”, ông Huyền cho biết.

Phan Hoạt - Nhật Trường
.
.
.