Nhớ người NSƯT quay những thước phim cuối cùng về Bác Hồ

Chủ Nhật, 09/10/2011, 19:56
Là tác giả của hàng trăm thước phim về những ngày cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSƯT Trần Anh Trà đã ra đi ngày 17/9/2011, tại nhà riêng ở quận Tân Bình, TP HCM, thọ 83 tuổi. Sau gần 1 tuần ông mất, gia đình sắp xếp lại giấy tờ của ông và tình cờ tìm thấy bài báo "Bí mật quốc gia về những giây phút cuối đời của Bác Hồ" đăng trên Báo Văn nghệ Công an cách đây 6 năm, nên muốn được chia sẻ với những người làm báo Công an nỗi mất mát ấy…

NSƯT Trần Anh Trà (nguyên Giám đốc Xưởng phim tài liệu thời sự TP Hồ Chí Minh) chính là tác giả của hàng trăm thước phim tư liệu trong 3 cuốn phim nhựa dài 900m với những hình ảnh độc nhất vô nhị, ghi lại những giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 8 và 9/1969, từng được coi là bí mật quốc gia trong nhiều năm.

Mãi đến năm 1989, sau 20 năm Hồ Chủ tịch ra đi, bí mật về những thước phim mới được đánh thức, khi đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký của Bác Hồ bàn bạc với Xưởng phim Quân đội xây dựng một bộ phim giới thiệu một số tư liệu về những phút cuối cùng của Bác. 3 cuốn phim vô giá đã được đạo diễn Phạm Quốc Vinh nghiên cứu, xây dựng thành bộ phim "Những giây phút cuối đời Bác Hồ". Nhưng cũng phải thêm gần 20 năm nữa, tác giả của chúng mới được mọi người biết đến.

Năm 2005, qua rất nhiều người, nhiều cơ quan trong và ngoài quân đội, người viết bài này mới tìm được địa chỉ của NSƯT Trần Anh Trà, ở 333-14/7, Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nhưng ban đầu, ông từ chối kể chuyện vì: "Chuyện bí mật đó kể sao được?". Hóa ra, ông vẫn nhớ nguyên lời dặn của Đại tá Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ, phổ biến khi ông và nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân vào Phủ Chủ tịch nhận nhiệm vụ, rằng "những gì thấy khi thực hiện nhiệm vụ này phải "sống để bụng, chết mang theo." Sau rất nhiều lần thuyết phục, rằng mọi điều đã được công khai, ông mới đồng ý kể lại. 

Nhà quay phim Trần Anh Trà đang ghi hình ảnh nhà sàn Bác Hồ.

Theo đạo diễn Phạm Quốc Vinh, người công tác tại Xưởng phim Quân đội cùng thời với NSƯT Trần Anh Trà thì ông Trà được lựa chọn cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này là bởi ông là một đạo diễn và nhà quay phim xuất sắc. 2 giải Bông sen bạc cho phim "Chiến thắng Dương Liễu - Đèo Nhông" và "Trận địa sông Cầu" đã khẳng định điều đó.

Một lý do nữa, ông là một người con miền Nam tập kết ra Bắc, một đảng viên tuyệt đối trung thành. Là một trong 2 người vinh dự được có mặt bên Bác Hồ suốt cả tháng trời trước khi Bác mất, để ghi lại những hình ảnh cuối cùng về Người, hơn ai hết, NSƯT Trần Anh Trà hiểu được niềm vinh dự thiêng liêng với lịch sử, với dân tộc đó. Ông bảo, bất cứ lúc nào ông cũng thực hiện đúng yêu cầu của Đảng, nhất là những việc liên quan đến Bác, bởi niềm thành kính, thương yêu Bác Hồ luôn trọn vẹn trong trái tim ông.

Là một đạo diễn và quay phim giỏi, đặc biệt là tác giả của hàng trăm thước phim vô giá về vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, nhưng NSƯT Trần Anh Trà đã sống một cuộc sống giản dị và khiêm nhường trước những vinh dự mà ông đã trải. Cũng bởi thế, mấy mươi năm, cả gia đình lẫn đồng nghiệp hầu như không ai biết ông là một nhân chứng quan trọng và là người trực tiếp ghi lại những tư liệu đặc biệt quí giá về vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.

Chị Trần Thị Phương Lan cho biết: Ba là người khiêm tốn, không bao giờ nói về mình nên cả mẹ và 3 anh em tôi đều hoàn toàn không biết rằng, ba tôi chính là người đã được có mặt bên Bác, quay những thước phim có giá trị đặc biệt với lịch sử như thế. Mãi cho đến khi có bài báo viết về ba, chúng tôi mới biết. Chúng tôi tự hào về ba nhiều lắm…

Xứng với niềm vinh dự của mình, sau khi Bác mất, NSƯT Trần Anh Trà tiếp tục sáng tạo những tác phẩm điện ảnh có giá trị. Ông lại xung phong vào tuyến lửa, ghi lại cuộc sống, chiến đấu của bộ đội qua "Đường dây quyết thắng", "Trên một cung đường mang tên Bác" v.v… Chiến tranh kết thúc, ông có mặt ngay ở Đà Lạt để quay bộ phim tài liệu "Đà Lạt vào xuân", sau đó, phản ánh kịp thời cuộc sống của người lính trong hòa bình qua các bộ phim do ông đạo diễn "Những người trồng lúa của sư đoàn", "Qua đảo Long Sơn" v.v…

Trở thành Giám đốc Xưởng phim tài liệu thời sự TP Hồ Chí Minh, NSƯT Trần Anh Trà lại khẳng định tên tuổi qua hàng loạt tác phẩm và giành giải Bông sen vàng với bộ phim "Người công giáo huyện Thống Nhất" và Bằng khen cho phim "Người S’tiêng".

Là một nghệ sĩ tài năng, ông cũng là một chiến sĩ cách mạng với những phẩm chất cao quý, bởi thế, ông đã vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng 3 và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Bài viết này như một nén tâm nhang kính cẩn thắp trước anh linh ông, xin được bày tỏ niềm trân trọng và tiếc thương một nghệ sĩ tài năng, một chiến sĩ cách mạng.

Thanh Hằng
.
.
.