Nhớ lời Bác Hồ dạy: Phải tôn trọng cử tri
Trong hơn hai mươi năm vinh dự được bảo vệ Bác Hồ từ tháng 5 năm 1945 đến khi Người qua đời, đồng chí Hoàng Hữu Kháng là một trong 8 người vinh dự được Bác Hồ đặt tên như khẩu hiệu sống: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi.
36 năm tham gia lực lượng cảnh vệ, trong đó có 28 năm là lãnh đạo cục, đồng chí Hoàng Hữu Kháng - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) có rất nhiều kỷ niệm về Bác Hồ. Nhưng có một kỷ niệm rất sâu sắc, đó là lần đồng chí được bảo vệ Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân các cấp tại nhà thuyền (Hồ Tây) vào chiều 27/4/1969. Lần đó tuy bảo vệ Bác tuyệt đối an toàn, nhưng đã để lại cho bản thân ông và các chiến sỹ cận vệ bài học vô cùng quý giá, mỗi lần nghĩ đến lại thấy rất ân hận vì đã có lỗi với Bác.
Thời gian đó, sức khỏe của Bác không được tốt, việc đi lại rất khó khăn. Sắp đến ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, các đồng chí cận vệ rất lo lắng chuẩn bị kế hoạch bảo vệ và tìm chọn trước nơi bỏ phiếu thuận tiện nhất để Bác đến bỏ phiếu không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của Người.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Cục Cảnh vệ chỉ đạo một số đơn vị cử người đi khảo sát một số tổ bầu cử xung quanh khu vực quận Ba Đình thì thấy hòm phiếu số 6, tiểu khu I, khu phố Ba Đình đặt tại nhà thuyền (Hồ Tây) là thuận tiện hơn cả. Vì ở đây phố xá không đông đúc, đường đi từ nhà sàn (nơi ở và làm việc của Bác) đến nơi bỏ phiếu lại gần, đường đi vào nơi đặt hòm phiếu bằng phẳng không có các bậc lên xuống.
Sau khi đi khảo sát về, đơn vị bảo vệ Bác xây dựng kế hoạch và yên tâm triển khai phương án bảo vệ. Khi bàn về thời gian đưa Bác đi bỏ phiếu, có ý kiến đề nghị nên đưa Bác đến bỏ phiếu trước giờ khai mạc. Ý kiến này không được chấp thuận vì như vậy trái với thể lệ bầu cử.
Một ý kiến khác đề nghị bố trí Cảnh sát đứng sẵn, khi Bác đến thì đề nghị cử tri dừng lại để Bác bỏ phiếu trước. Ý kiến này cũng không được chấp thuận, làm như vậy Bác sẽ không hài lòng vì đã có nhiều lần Bác phê bình lực lượng Cảnh vệ để Người xa cách nhân dân.
Đồng chí Hoàng Hữu Kháng đưa ra ý kiến, đưa Bác đi bỏ phiếu vào buổi chiều, vì thời gian này Tổ bầu cử trên không đông người như buổi sáng. Phương án này khả thi hơn cả nên được đơn vị nhất trí và triển khai.
Buổi chiều 27/4/1969, trong không khí của ngày bầu cử Hội đồng nhân dân, trên các tuyến phố biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, các đồng chí cận vệ trịnh trọng lên mời Bác đi bỏ phiếu. Ngồi trên xe cùng với Bác có đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác, đồng chí Phạm Lê Ninh - cận vệ của Bác, đồng chí Hoàng Hữu Kháng đi xe sau để chỉ đạo công tác bảo vệ.
Xe Bác qua cổng Đỏ, vòng qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng rồi dọc theo đường Thanh Niên đến hòm phiếu số 6, tiểu khu I đặt tại nhà thuyền Hồ Tây. Khi Bác đến, tổ bầu cử có ý cho cử tri dừng lại để Bác bầu cử trước. Thấy vậy, Người không đồng ý và gương mẫu chờ đến lượt mình mới lấy lá phiếu và bầu cử. Bác yêu cầu đưa lý lịch của những người ứng cử để Người cân nhắc lựa chọn.
Một nhà báo định chụp ảnh Bác đang bầu cử, Người đã lấy tay che lá phiếu và nói: "Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!". Bỏ phiếu xong, Bác vui vẻ nói chuyện với mọi cử tri và hỏi thăm tình hình bầu cử ở đây, không khí thật vui vẻ và ấm cúng.
Sợ ảnh hưởng đến công việc của Bác, đồng chí Hoàng Hữu Kháng đến mời Bác ra về. Mọi việc tiến hành chu đáo, chặt chẽ theo đúng kế hoạch. Bác ra về không gặp trở ngại nào. Mọi người ai cũng phấn khởi đưa Bác về. Không ngờ về đến Phủ Chủ tịch, Bác xuống xe quay sang hỏi đồng chí Hoàng Hữu Kháng:
- Chú có biết vì sao Nguyễn Hải Thần bị nhân dân ta khinh ghét không?
Bị Bác hỏi bất ngờ, đồng chí Hoàng Hữu Kháng hơi lúng túng, nhưng cố trấn tĩnh. Đồng chí nhớ năm 1945, mỗi lần Nguyễn Hải Thần đi đâu bọn lính bảo vệ ông ta ngồi trên xe lăm lăm súng lưỡi lê tuốt trần và còn đặt khẩu đại liên "diễu võ giương oai". Nghĩ vậy, đồng chí Hoàng Hữu Kháng trả lời:
- Thưa Bác! Vì bọn bảo vệ Nguyễn Hải Thần lố lăng quá!
Bác hỏi tiếp:
- Chú có biết ai bảo vệ an toàn cho Bác không?
Trong thực tế công tác và được Bác dạy bảo nhiều lần, hiểu ý Bác, đồng chí Hoàng Hữu Kháng thưa:
- Thưa Bác! Nhân dân ạ!
Nghe Bác hỏi, đồng chí Hoàng Hữu Kháng thấy cuộc bảo vệ Bác hôm đó có điều gì sơ suất khiến Bác chưa hài lòng. Đồng chí tự kiểm tra lại kế hoạch và phương án bảo vệ vừa thực hiện nhưng chưa thấy gì sai sót lớn.
Sau này, đồng chí cận vệ ngồi cùng xe Bác cho biết, khi Bác đến nơi bỏ phiếu, nhìn thấy vắng cử tri, Người không vui. Khuyết điểm của các đồng chí cảnh vệ là còn suy nghĩ đơn giản, do quá lo về công tác bảo vệ mà thiếu lòng tin vào quần chúng nhân dân, chưa gắn chặt công tác bảo vệ với quan điểm quần chúng