Nhiều biến tướng bán hàng đa cấp ở Tây Nguyên
- Thu phép hoạt động hàng đa cấp của 4 doanh nghiệp
- Bi kịch đa cấp vẫn sẽ kéo dài, nếu…
- Đằng sau ánh hào quang đa cấp
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, riêng địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum có 23 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp các loại và lôi kéo khoảng 5.000 người tham gia. Thủ đoạn của kiểu kinh doanh bán hàng đa cấp biến tướng tại Tây Nguyên cũng diễn biến hết sức phức tạp...
Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, các đối tượng bán hàng đa cấp nhắm đến là những vùng dân cư có các khoản tiền hỗ trợ, đền bù từ việc thực hiện tái định cư các dự án thủy điện, giao thông...
Cụ thể như khi biết được một số người dân tộc thiểu số Xê Đăng ở xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà (Kon Tum) có được khoản tiền hỗ trợ đền bù của nhà máy thủy điện cho diện tích đất và hoa màu bị ảnh hưởng vùng dự án nên nhân viên cơ sở Thiên Ngọc VIII, thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã đến tận làng Long Đuân lôi kéo người dân tham gia chương trình mua bán hàng đa cấp để được hưởng lợi dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhận lãi suất cao. Vì ham lợi mà gần chục người dân địa phương đã tham gia chương trình mua bán hàng của Thiên Ngọc VIII và nộp số tiền trên 600 triệu đồng, trong đó có gia đình A Tik tham gia hơn 240 triệu đồng.
Hàng đa cấp len lỏi đến vùng sâu Kon Tum. |
Ông A Tik kể, vì tin lời một người quen ở địa phương vận động nên đã tin tưởng tham gia. Lòng tham nảy sinh khi nhân viên Thiên Ngọc VIII mời ông cùng nhiều người khác sang Đắk Lắk dự hội thảo chương trình mua hàng lợi nhuận cao. Công ty sẵn sàng chi trước lợi nhuận hơn 30 triệu đồng khi đăng ký tham gia, gọi là “thù lao”.
Nhiều người dân ở xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, Kon Tum cũng “dính bẫy” khi mua những sản phẩm kém chất lượng mà giá cao với lý do là sẽ thu lãi cao. Nghe giới thiệu mua hàng mà còn được làm hợp đồng để nhận tiền thưởng lớn hơn giá trị mua hàng nên ai cũng tối mắt làm theo. Nạn nhân A Lan ở Đắk Glei kể, mua hàng chỉ 36 triệu đồng nhưng khi làm hợp đồng hứa hẹn tháng đầu tiên sẽ nhận 9 triệu đồng, tháng thứ hai 12 triệu đồng, tháng thứ ba 24 triệu đồng...
Theo Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai, qua phối hợp kiểm tra việc bán hàng đa cấp trên địa bàn đối với cơ sở Thiên Ngọc III (199F Phạm Văn Đồng, TP Pleiku, Gia Lai) và Công ty CP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 (Chi nhánh Gia Lai, 89 Phạm Văn Đồng) cho thấy có nhiều sai phạm. Các sản phẩm kinh doanh của những doanh nghiệp trên chủ yếu là hàng kim khí điện máy, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, cà phê... nhưng không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Cụ thể như Cơ sở Thiên Ngọc III kinh doanh thực phẩm chức năng không có đủ điều kiện kinh doanh.
Ông Bùi Quốc Huân, chủ cơ sở này đã tự giới thiệu với khách hàng tham gia thành viên kinh doanh của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy thì điểm tích lũy phải đạt 6.000.000PV, tương đương với số tiền 10.700.000 đồng. Để đạt được yêu cầu, người tham gia phải bỏ tiền mua lượng hàng của doanh nghiệp này bán với số tiền tương ứng. Ông Huân đã khai với cơ quan chức năng vì mình là đại lý nên được hưởng 6% tiền hoa hồng trên doanh số bán hàng. Vì lợi ích cá nhân nên ông đã không tuân thủ quy định trong quy tắc bán hàng đa cấp.
Đối với Công ty Phúc Gia Bảo 68, Chi nhánh Gia Lai có hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động tại Gia Lai và kinh doanh hàng hóa nhập lậu... cơ quan chức năng đã xử phạt công ty 240 triệu đồng, tịch thu hàng hóa sai phạm trị giá gần 50 triệu đồng...
Riêng Cơ sở kinh doanh Thiên Ngọc III chỉ bị xử phạt 6 triệu đồng. Đáng chú ý là sau khi bị xử lý, Thiên Ngọc III đã “biến đổi” thành Thiên Ngọc Nam Gia Lai và có địa điểm mới tại 844 Trường Chinh, TP Pleiku và tiếp tục lôi kéo nhiều người khác.
Cùng với hành vi lừa đảo của Công ty Liên kết Việt tại địa bàn tỉnh Kon Tum hiện đang được Công an tỉnh Kon Tum làm rõ, còn có hàng chục cơ sở kinh doanh theo dạng bán hàng đa cấp khác đang “biến đổi” từng ngày ở Tây Nguyên để tiếp tục lôi kéo hàng ngàn người tham gia và hậu quả tiền mất tật mang là điều khó tránh khỏi.