Nhiều bất cập trong dự án thuê đất trồng rừng ở Kon Tum
Phía doanh nghiệp thì rừng mới trồng đã cháy gần một nửa, phía chính quyền địa phương thì không tìm đâu ra đất để giao… Để tìm hiểu câu chuyện về dự án khá phức tạp này, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum và được biết, phía UBND tỉnh Kon Tum tạm dừng thực hiện các quyết định cho thuê đất trồng rừng đối với Công ty TNHH cổ phần Innov Green để kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo hồ sơ, ngày 10/3/2008, UBND tỉnh Kon Tum đã chính thức cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH cổ phần Innov Green (Hồng Kông) triển khai dự án đầu tư trồng rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Dự án mang tên: "Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum".
Một khu rừng bị cháy.
Địa điểm mà UBND tỉnh Kon Tum cho doanh nghiệp này thuê đất 50 năm để thực hiện dự án trên địa bàn 52 xã thuộc 7 huyện và TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Theo dự án này, Công ty TNHH cổ phần Innov Green sẽ đầu tư dự án trồng rừng lấy gỗ nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum với tổng số vốn đầu tư 67 triệu USD (100% vốn nước ngoài), thực hiện trên tổng số diện tích 65.000ha, thời gian thuê đất 50 năm.
Trong kế hoạch năm 2009-2010, Công ty TNHH cổ phần Innov Green dự kiến sẽ trồng từ 3.000 đến 5.000ha rừng tại tỉnh Kon Tum. Tuy vậy, tiến độ trồng rừng ở Kon Tum của Công ty này rất chậm so với kế hoạch. Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum đến nay, tỉnh Kon Tum đã giải quyết cho nhà đầu tư thuê 2.278,38ha, trong đó diện tích thuê làm vườn ươm 7,63ha, diện tích trồng rừng 2.270,75ha. Tuy nhiên, phía Công ty TNHH cổ phần Innov Green mới chỉ trồng được 377,6ha nhưng từ ngày 16 đến 17/3 vừa qua đã bị cháy hơn 100 ha ở địa bàn huyện biên giới Sa Thầy.
Đáng nói là trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án cho thuê đất dài hạn trồng rừng quy mô lớn này, không biết phía UBND tỉnh Kon Tum có kiểm tra, khảo sát kỹ lưỡng hay không mà thiếu tính thực tế đến vậy. Việc lập dự án mới này chủ yếu dựa trên cơ sở quy hoạch dự án trồng rừng vùng nguyên liệu giấy Kon Tum trước đây của nhà máy giấy cũ với tổng diện tích trên giấy 125.350ha. Thế nhưng, theo ông Đào Xuân Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, bây giờ thực tế không tìm đâu ra diện tích đất để giao cho Công ty TNHH cổ phần Innov Green vì nơi nào cũng đụng đất của lâm trường, của dân và đất quốc phòng...
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Đào Xuân Quý cũng cho rằng, cần phải giữ đất cho người dân địa phương sản xuất, hoặc liên kết giữa người dân với nhà máy để trồng rừng, bán sản phẩm theo thỏa thuận là điều cần thiết và có lợi cho người dân hơn. Nếu đất được giao cho các doanh nghiệp hết mà cuộc sống người dân địa phương không được cải thiện thì hậu quả về lâu dài rất khó giải quyết