Nhà khoa học trẻ phá bom từ trường được giải thưởng Hồ Chí Minh (phần II)

Thứ Bảy, 13/08/2005, 06:09

Anh Hoàng Kim Giao hy sinh trong một lần giúp người dân xã Nam Hưng, Nam Đàn, Nghệ An phá bom. Thịt xương anh đã tan vào đất mẹ nhưng hình ảnh anh vẫn sống mãi trong lòng đồng chí đồng đội và bà con nơi đây. Đối với họ anh đã là một Anh hùng.

Cuối tháng 4/2005, chị Hoàng Liên Thái (Trường THCS Võ Thị Sáu, Q. Lê Chân, TP Hải Phòng, ĐT: 031.780457), em gái của liệt sĩ Hoàng Kim Giao đã tìm đến xã Nam Hưng. Chính quyền địa phương tiếp đón chị ân cần, nhưng theo những người có tuổi nhớ lại thì năm 1968 ở Nam Hưng không có một trường hợp nào hy sinh giống như trong thư chị Lan đã kể, mà chỉ có 2 anh bộ đội hy sinh cùng lúc. Địa phương đã đốt đuốc, mai táng cho các anh vào ban đêm...

Nhờ sự giúp đỡ của các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Giao đã tìm lại được 2 trong số 5 chiến sĩ trong đoàn công tác đặc biệt năm xưa. Đó là các anh Phạm Văn Cư và Lương Ngọc Tước. Những anh lính trẻ năm ấy, giờ tóc đã bạc và đều có cháu nội, cháu ngoại...

Một ngày cuối tháng 6/2005, có hai người phụ nữ tìm về xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, hỏi đường vào nhà Thượng úy, cựu chiến binh Phạm Văn Cư. Ông Cư đi vắng, chỉ có người vợ ở nhà. Khi hai người khách lạ tự giới thiệu là Hoàng Thị Kết và Hoàng Liên Thái - hai em gái của liệt sĩ Hoàng Kim Giao... thì bà vợ ông Cư kêu lên mừng rỡ: “Trời ơi, gần 40 mươi năm rồi, nay mới có người thân của bác Giao tìm về. Chúng em luôn coi bác ấy là ân nhân của gia đình. Không có bác ấy, thì em đã mất chồng, con cháu trong nhà cũng không được đề huề như ngày nay. Cả họ nhà em đội ơn bác Giao!...”.

Thì ra, gần 40 năm trước, khi từ chiến trường trở về, anh lính binh nhất Phạm Văn Cư đã kể hết với vợ con chuyện “bác Giao” đã chết thay cho mình như thế nào. Kể từ đó, vợ con anh đều coi “bác Giao” là ân nhân của gia đình. Ngày giỗ, tết đều thắp hương cho liệt sĩ Hoàng Kim Giao.

Một ngày đầu tháng 7/2005, người viết bài này đã có may mắn được tham gia cùng đoàn cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sĩ tìm về “Tuyến lửa Khu 4” năm xưa để xác minh lại địa điểm Hoàng Kim Giao đã hy sinh 37 năm trước.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Viện Điện tử - Viễn thông Bộ Quốc phòng, để lấy thông tin sơ bộ ban đầu, sau đó lên đường vào Nghệ An. Phải vất vả cả ngày đi một số xã của huyện Nghĩa Đàn, rồi sang tới huyện Nam Đàn, chúng tôi mới tìm được nhân chứng đầu tiên của địa phương: Ông Phan Đình Sơn, 80 tuổi, nguyên là Xã đội phó dân quân của xã Nam Hưng năm 1968!

 Ông Sơn nhớ lại: Bí thư xã Nam Hưng hồi đó là ông Nguyễn Phùng Huy, còn Chủ tịch xã là ông Trần Xuân Hiền (cả 2 người nay đều đã mất). Ông Sơn cho biết: Năm đó, đúng là có mấy chú bộ đội về đây phá bom, không may bom nổ ở đồi Khe Diêm (gần hồ Khe Giấy), 2 chú đã hy sinh cùng lúc, dân quân phải đi nhặt xác, đốt đuốc chôn cất ban đêm...

Cùng với sự nhớ lại của các cựu binh Phạm Văn Cư (ĐT: 0321.878271) và Lương Ngọc Tước (ĐT: 034.854929), còn có sự bổ sung của ông Đặng Sĩ Mốc (ĐT: 034.750.807), nguyên cán bộ của Viện Kỹ thuật Quân sự được cử từ Hà Nội vào Nam Hưng, sau khi Hoàng Kim Giao hy sinh ít ngày, để làm thủ tục chính sách mai táng phí với địa phương; sự thật về cái chết bi hùng của nhà khoa học trẻ đã được làm sáng tỏ...

Đêm cuối cùng và tiếng nổ định mệnh

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tháo gỡ và phá bom từ trường tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, đoàn công tác đặc biệt của Hoàng Kim Giao được lệnh đưa những chiến lợi phẩm đã thu được của địch (gồm “Cây nhiệt đới” và các loại đầu điều khiển nổ của bom từ trường mang ký hiệu MK42, đã được các chuyên gia vũ khí Mỹ cải tiến liên tục từ “modem 0” tới “modem 3”) cùng khí tài trang bị trên xe chuyên dụng ra Hà Nội báo cáo kết quả. Ngày 29/12/1968, đoàn dừng chân xin nghỉ nhờ tại xã Nam Hưng (Nam Đàn, Nghệ An). Biết đây là đoàn chuyên gia phá bom từ trường trên đường về Hà Nội, địa phương đã đón tiếp rất nồng hậu. Đây cũng là thời điểm Mỹ vừa tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, chính quyền xã đã đề nghị đoàn giúp đỡ phá một số quả bom chưa nổ còn nằm lại địa phương, để bà con nhân dân yên tâm sản xuất. Hoàng Kim Giao đã nhận lời, động viên anh em trong đoàn, coi đó là một nhiệm vụ đột xuất...

 Sau nhiều ngày phải ăn đồ dã chiến và lương khô, rồi ngủ ngồi trong xe, các chiến sĩ đã được ăn cơm nóng có rau xanh và ngủ nhờ trong nhà dân. Tối ấy, Hoàng Kim Giao cùng chiến sĩ Lương Ngọc Tước mắc võng chụm đầu bên cạnh xe đặc chủng.

Đã gần 40 năm trôi qua, nhưng anh Tước vẫn nhớ như in cái đêm cuối cùng ấy: Như có điềm lạ báo trước, anh Giao hầu như không ngủ, mà thức nói chuyện suốt đêm. Cứ mỗi lúc thấy Tước im lặng, anh Giao lại hỏi: “Mày ngủ rồi hả em? Ngủ gì mà sớm thế!”. Anh Giao nói rất nhiều chuyện: Về tình yêu, hạnh phúc gia đình, về những dự định cho tương lai khi đất nước hòa bình... Anh còn bảo: hồi chiều, khi đi khảo sát địa hình chuẩn bị cho trận đánh ngày mai, cả nhóm đã phát hiện ra rất nhiều hài cốt bên cạnh một hố bom. Có lẽ bom Mỹ đã thả trúng mấy ngôi mộ của các liệt sĩ thanh niên xung phong? Không hiểu sao anh cứ thấy rờn rợn, bất an và linh cảm một điều gì đó không bình thường vào ngày mai... Mãi gần sáng, Tước mới thiếp đi. Khi tỉnh dậy, đã thấy anh Giao đang chuẩn bị bộc phá và dây cháy chậm cho trận đánh.

Đã hàng trăm lần cùng nhau tháo gỡ bom từ trường, nhưng chưa lần nào anh Giao dặn dò đồng đội lại tỉ mỉ và xúc động đến thế. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều hiểu rằng, mỗi lần vào trận đánh là mỗi lần họ phải trực tiếp đối mặt với tử thần, sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc. Bởi loại bom từ trường này khi đã rời khỏi máy bay đều có chế độ tự hủy. (Nếu không bị kích nổ bởi từ trường, thì chúng sẽ tự nổ không theo một quy luật nào). Và sự hy sinh của các chiến sĩ tháo bom cũng là điều dễ hiểu.--PageBreak--

Đồng hồ chỉ đúng 7 giờ 30 phút, cả đoàn chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 3 người bắt đầu xuất phát. Họ chỉ mặc đồ lót, trên người không có một mảnh nhỏ kim loại. Đó là nguyên tắc sống còn khi tiếp xúc với vũ khí giết người nguy hiểm này. Theo kế hoạch, 2 nhóm sẽ cùng vào trận để tháo ngòi nổ của 2 quả bom từ trường nằm cách nhau khoảng 700 mét.

Nhóm thứ nhất do anh Giao trực tiếp phụ trách có hai chiến sĩ là Phạm Văn Cư và Lương Văn Tín sẽ tháo ngòi nổ của một quả bom từ trường nằm trên sườn đồi Khe Diêm, sát quốc lộ 15. Quả bom cỡ lớn, chứa gần 300 kg thuốc nổ cực mạnh này, nằm xuyên sâu vào lòng đất, chỉ còn hở mỗi phần đuôi. Muốn tháo nó, các chiến sĩ phải sử dụng những gói bộc phá loại nhỏ, nặng chừng 2 lạng (nếu bộc phá lớn hơn, bom sẽ nổ theo), phá đất đá xung quanh. Đánh xong mỗi quả, lại phải dùng tay không để bới đất đá... cho tới khi nào lộ cái “phích” trung gian nối giữa đầu điều khiển và đầu nổ, rồi tháo “phích” để vô hiệu hóa chúng. Chỉ cần một sơ suất rất nhỏ, cũng có thể làm cho bom phát nổ, hậu quả thật khôn lường...

Chuẩn bị đánh bộc phá, anh Giao nói với Cư:

- Hôm nay để anh trực tiếp thao tác, vì anh có kinh nghiệm, nên sẽ yên tâm hơn. Chú xuống cảnh giới cùng với thằng Tín đi.

Cư không chịu, bảo:

- Anh là kỹ sư, trưởng đoàn, còn em chỉ là chiến sĩ... Nếu cần phải hy sinh thì nên “thí tốt”, chứ đừng “bỏ xe”.

Anh Giao mắng át đi:

- Nói bậy nào! Tính mạng con người ai chả như nhau. Nhưng anh chưa có con cái vướng bận gì. Mà nghe nói vợ chú vừa đẻ con trai phải không? Chú xuống đi, để sau này cháu còn được nhìn mặt bố. Anh ra lệnh đó, không bàn cãi nữa, xuống mau!

Đợi cho Cư xuống tới vị trí an toàn. Anh Giao cho nổ bộc phá đầu tiên, rồi một mình hì hục bới đất xung quanh thân bom. 3 quả bộc phá đã đánh xong, bới hết đất mà cái phích trung gian vẫn chưa hiện ra. Tới khi anh Giao gọi mang quả bộc phá thứ 4 lên, thì Lương Văn Tín bảo với Cư:

- Em đã theo các anh đi đánh bom mấy tháng rồi, mà chưa được trực tiếp trận nào. Anh cho em mang bộc phá và dây cháy chậm lên cho anh Giao, rồi ngó xem “mặt mũi thần chết” nó như thế nào, sau này hòa bình rồi, về quê còn có chuyện mà kể với bạn bè chứ!

Tín là lái xe của Bộ Tư lệnh 500 đi phối thuộc, (không thuộc quân số của Viện Kỹ thuật quân sự), nhập ngũ chưa lâu, mới qua tuổi 18, người cao to, trắng trẻo, rất đẹp trai, quê ở An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Thấy Tín nằn nì mãi, nể quá nên Cư gật đầu đồng ý. Anh hồi hộp nhìn theo cái dáng hớn hở của Tín cầm gói bộc phá lúi húi chạy lên sườn đồi, khuất sau mấy bụi sim mua, đoán chừng đã tới vị trí của quả bom... Bỗng, một chớp lửa nhoàng lên, rồi tiếng nổ rung đất, bầu trời như tối sầm bởi khói, bụi và đất đá rơi rào rào. Cư bị sức ép hất ngã, hai tai ù đặc. Anh bật dậy, vừa chạy ngược lên đồi, vừa gào trong nước mắt: “Anh Giao ơi! Tín ơi!...”. Trước mắt Cư, chỉ còn là một cái hố bom rộng và sâu hoắm...

Các anh đã tan vào đất mẹ

Tại tổ phá bom thứ hai, sau khi nghe một tiếng nổ lớn từ phía đồng đội, khói bụi chưa tan hết, lại nghe tiếp 4 tiếng súng nữa (báo hiệu tử vong), ba anh em: Tước, Kiệt và Thái vội bỏ dở công việc cùng chạy lại.

“Anh Giao và thằng Tín hy sinh cả rồi!” – Thấy Cư mặt mũi lem luốc, vừa khóc vừa nói, tất cả đều không cầm được nước mắt.

Buổi trưa hôm đó, theo đề nghị của 4 anh em còn lại trong đoàn công tác đặc biệt, chính quyền xã Nam Hưng đã cử một trung đội dân quân lên khu vực bom nổ, làm nhiệm vụ thu gom thi thể cho 2 liệt sĩ. Họ phải vạch từng bụi sim mua, nhẹ nhàng bới từng nắm đất mới... nhưng cố gắng hết mức cũng chỉ tìm lại được chừng một kilôgam thi thể... Không thể phân định được đâu là của Hoàng Kim Giao, đâu là của Lương Văn Tín, họ đành chia đều thành hai gói nhỏ, đặt vào 2 chiếc quan tài. Theo phong tục địa phương, để linh hồn hai anh có đủ xương cốt, hình hài cho siêu thoát, người ta đã đẽo 2 củ chuối thay đầu người và cho thêm vào quan tài những con cá nhỏ...

Đám tang của 2 liệt sĩ Hoàng Kim Giao và Lương Văn Tín được dân quân đốt đuốc, tổ chức vào lúc gần nửa đêm. 2 ngôi mộ cùng nằm trên một đồi cao lộng gió. Cả xã Nam Hưng đều rơi nước mắt. Hội Mẹ chiến sĩ của xã đã cử một người chuyên chăm sóc mộ và hương khói cho các anh trong những ngày giỗ, tết...

Gần 30 năm sau ngày nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao hy sinh, công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967 – 1972”, đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Đây là giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta tặng cho các tập thể, cá nhân có công trình, hoặc cụm tác phẩm xuất sắc; có ảnh hưởng to lớn, tích cực tới đời sống văn hóa xã hội, hoặc an ninh, quốc phòng... Hầu hết các tác giả vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đều là những người cao tuổi, những văn nghệ sĩ, trí thức lão thành... Và liệt sĩ Hoàng Kim Giao là một trong những người trẻ nhất Việt Nam được vinh dự là đồng tác giả của công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh!

Những ngày cuối tháng 7/2005, chúng tôi tìm về Nghĩa trang Nam Đàn, người quản trang già đã quá quen với cảnh thân nhân gia đình liệt sĩ tới thắp hương, nhưng khi tôi vừa hỏi thăm mộ của Hoàng Kim Giao, ông sốt sắng nói  ngay: “Anh hùng phá bom từ trường hả? Mộ số 326 kia kìa! Anh ấy là người nổi tiếng ở nghĩa trang này mà!”. Thì ra đã từ lâu, trong lòng đồng đội và nhân dân Nam Đàn, Hoàng Kim Giao đã là một Anh hùng! Nhưng anh có xứng đáng được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý đó không? Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến hồi âm của bạn đọc gửi về tòa soạn, hoặc: Viện Điện tử – Viễn thông Bộ Quốc phòng

Đặng Vương Hưng
.
.
.