Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội nhân dân việt nam (22/12/1944 – 22/12/2014), 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014)

Người trai Hà Nội hạ gục B52

Thứ Ba, 16/12/2014, 10:19
Trong căn phòng khách ấm cúng của gia đình họ Vũ trên phố Đặng Dung (Hà Nội) có đặt bàn thờ gia tiên; ở một góc là bức ảnh người thanh niên có nụ cười tươi tắn trong bộ quân phục bám đầy tuyết trắng giữa mùa đông của xứ sở Bạch Dương. Đó chính là Thượng úy phi công, Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Thiều.

Trên chiếc tủ nhỏ đặt kế bên có bức tượng đồng bán thân của người anh hùng đã hi sinh giữa tuổi thanh xuân. “Bức tượng này do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng gia đình” – ông Vũ Xuân Thăng, người anh ruột của phi công Vũ Xuân Thiều cho biết. Bên cạnh bức tượng là chiếc tủ kính nhỏ có đặt bức tượng đá trắng tạc con đại bàng trong tư thế dũng mãnh, một số kỉ vật và mảnh xác chiếc B52 đã bị Vũ Xuân Thiều bắn rơi…

Nhớ về người em thân yêu của mình, ông Thăng luôn dùng đại từ nhân xưng “Chú Thiều nhà tôi”. Bùi ngùi dòng kí ức, ông Thăng kể: “Chú Thiều nhà tôi nếu còn sống thì năm nay 67 tuổi, chú ấy sinh năm 1945” – ông nói rồi cho chúng tôi xem bản gốc giấy khai sinh (bằng chữ Pháp) của Vũ Xuân Thiều vẫn được gia đình lưu giữ cẩn thận. Ít người biết rằng, tuy là phi công chiến đấu xuất sắc, thuộc tổ bay đêm, nhưng lúc còn bé Vũ Xuân Thiều từng bị ngã gãy xương quai xanh.

Ông Vũ Xuân Thăng (bìa trái) xem lại những kỉ vật của người em và di ảnh Anh hùng, liệt sĩ Vũ Xuân Thiều.

Gia đình Vũ Xuân Thiều có 10 anh em, Thiều là thứ bảy. Ngay từ thuở nhỏ, Thiều đã bộc lộ sự say mê mãnh liệt với… máy bay và bầu trời. Hầu như quyển vở nào của cậu bé Vũ Xuân Thiều cũng có những phác họa về máy bay. Đang học năm thứ 3 Khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, Vũ Xuân Thiều giấu gia đình đi khám tuyển phi công. Lần đầu, các bác sĩ không phát hiện chiếc xương quai xanh từng bị gãy, nhưng đến phần quay tròn thì Thiều bị loại. Về nhà, Thiều quyết tâm tập luyện để thi lại. Hằng ngày, Thiều dành thời gian tập thể dục, nhất là môn “quay tròn” nhằm rèn luyện khả năng chịu đựng của một phi công tương lai. Lần khám thứ hai, Thiều vượt qua được các bài tập kiểm tra. Về nhà, Thiều khoe với Bình, cô em gái gần gũi nhất: “Thực ra anh cố chịu đựng, chứ lúc ra khỏi phòng kiểm tra, phải chạy một mạch vào chỗ khuất, nôn thốc nôn tháo. May mà các bác sĩ không phát hiện”.

Vũ Xuân Thiều được Đại học Bách khoa Hà Nội xét đặc cách tốt nghiệp và anh lên đường sang Liên Xô học lái máy bay. Với niềm đam mê học tập và khát vọng mãnh liệt sớm trở về bảo vệ bầu trời Tổ quốc, Vũ Xuân Thiều đã nhanh chóng nắm vững chiến thuật, kĩ thuật chiến đấu; sử dụng tốt máy bay Mig 21 (loại hiện đại có trang bị đánh ban đêm)… Năm 1968, Vũ Xuân Thiều hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo phi công chiến đấu, trở về nước và được phiên chế vào đội bay chiến đấu ban đêm. Ông Thăng cho chúng tôi xem bức thư của Vũ Xuân Thiều gửi bố mẹ, viết ngày 22/5/1972 tại một sân bay bí mật. Thư có đoạn: “Khi cuộc chiến tranh đến giai đoạn tàn khốc nhất, Mỹ hủy diệt các thành phố, những chiếc máy bay B52 sẽ được dùng vào đêm nhiều hơn và đó sẽ là thời cơ của chúng con… Cấp trên bảo với chúng con rằng: đừng nghĩ đến những chiếc F4, mà hãy nghĩ đến những chiếc B52”.

Lần lượt giới thiệu với chúng tôi một số kỉ vật của người em, ông Thăng bùi ngùi: “Chú Thiều nhà tôi lúc hi sinh mới 27 tuổi đầu, chưa kịp lập gia đình. Nhưng chú ấy đã có bạn gái”… Người bạn gái của Vũ Xuân Thiều là một thiếu nữ Hà thành tài sắc, tên là Hoa, cũng là bạn học với Bình, cô em gái của anh. Tình yêu giữa họ nảy nở và ngày càng nồng thắm… Một thời gian sau, Hoa sang Liên Xô học tập và họ không bao giờ còn được gặp lại nhau.

Ông Thăng kể tiếp: “Thiều rất lãng mạn. Chú ấy viết thư cho Hoa, chỉ dùng loại giấy pơ-luya màu xanh đẹp nhất mua được hồi ấy… Thiều còn ép khô những lá thông hái ở căn cứ đóng tại Sóc Sơn (Hà Nội), gửi sang Liên Xô tặng Hoa. Từ đất nước vĩ đại ấy, Hoa tìm mua được một bức tượng con đại bàng trắng tạc bằng loại đá đặc biệt, có thể phát sáng ban đêm, gửi về tặng Thiều. Bức tượng ấy có ý nghĩa như một lời chúc Thiều và chiếc Mig 21 sẽ như một con đại bàng dũng mãnh hạ gục những “Thần sấm”, “Con ma” và cả B52 của Mỹ”!

Cuối tháng 12/1972, Hà Nội hào hùng trong những ngày khói lửa “đất rung, ngói tan, gạch nát”. Lúc 21h41’ ngày 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Anh Thiều được Sở chỉ huy đóng ở Thọ Xuân dẫn đường vòng ra phía sau đội hình một tốp B52 có rất nhiều máy bay tiêm kích bảo vệ. Đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều mưu trí vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích và tiếp cận được B52…

Để bạn đọc hình dung được việc Mig 21 của ta phải cực kì khó khăn, nguy hiểm như thế nào mới tiếp cận được B52, xin được nói thêm, B52 là loại vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ (cùng với tên lửa hạt nhân và tàu ngầm nguyên tử). Khi B52 cất cánh, thường có 3 chiếc mỗi tốp (có thể xuất kích cùng lúc nhiều tốp B52) và bao quanh mỗi tốp là rất nhiều các máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay gây nhiễu điện tử… để bảo vệ “pháo đài bay B52”. Do vậy, “đến gần” được B52 phải cực kì mưu trí, dũng cảm. Mỗi chiếc B52 có tới 8 động cơ nên cũng rất khó bị rơi nếu một động cơ bị hỏng. Ngày 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng cũng tiếp cận và phóng 1 đạn ở khoảng cách 2km. Quả tên lửa tầm nhiệt đã phá hủy một trong 8 động cơ nhưng chiếc B52 này vẫn lết về hạ cánh tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Lan… Trong lần rút kinh nghiệm trận đánh này, Sở chỉ huy nhận thức rõ, để đảm bảo an toàn cho phi công ta thì cự ly hiệu quả nhất để tiêu diệt B52 là 2km, vì nếu gần hơn thì máy bay ta sẽ không kịp thoát khỏi vùng nổ của chiếc B52 chứa đầy xăng và vũ khí. Đến lượt mình phát biểu, Vũ Xuân Thiều đã hạ quyết tâm tiếp cận ở cự li gần hơn và sẽ phóng 2 quả tên lửa để bảo đảm chiếc B52 phải rơi tại chỗ. Điều này đồng nghĩa Vũ Xuân Thiều khó thoát khỏi vùng nổ và có thể hy sinh!

Trở lại trận đánh đêm 28/12, Sở chỉ huy theo dõi, chỉ đạo sát sao đã đưa Vũ Xuân Thiều đến vị trí nhìn được B52 bằng mắt thường. Vũ Xuân Thiều quyết tâm vượt qua các máy bay tiêm kích và đã ở rất gần chiếc pháo đài bay nặng nề. Nhận lệnh từ Sở chỉ huy, anh phóng liên tiếp 2 quả tên lửa. Do đã ở cự li quá gần, chiếc Mig 21 không thể thoát khỏi quả cầu lửa khổng lồ bùng lên từ chiếc B52 bị trúng 2 quả tên lửa... Tại Sở chỉ huy thời khắc ấy, những người có mặt đều lặng đi khi dấu mục tiêu (chiếc B52) và chiếc Mig 21 của Vũ Xuân Thiều cùng lúc biến mất trên màn hình rađa.

Sáng hôm sau, đồng chí Phạm Ngọc Lan (người chỉ huy trực tiếp của Vũ Xuân Thiều) và một số đồng đội đi trực thăng lên xã Tạ Khoa (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và tận tay sờ vào xác chiếc B52 Mỹ đã trở thành một đống sắt vụn ven rừng. Chiếc Mig 21 đầy thương tích nằm cách xác chiếc B52 không xa. Những người đồng đội đã bật khóc khi tìm được thi thể Vũ Xuân Thiều, anh bị một vết thương sâu ở sau gáy nhưng nét mặt đầy sự bình thản…

Hai mươi hai năm sau ngày hi sinh, Vũ Xuân Thiều được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện anh đang an nghỉ tại khu mộ của gia đình ở nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội). Tên anh đã được đặt cho một đường phố và một trường phổ thông cơ sở của Thủ đô.

Trần Duy Hiển
.
.
.