Người thuyền trưởng có biệt danh 'Hiệp sỹ trên biển'
Đầu tháng 8/2015, ông Ninh và các thuyền viên tàu ĐNa 90072TS đã vớt một thi thể trôi dạt tại vùng biển cách Đà Nẵng hơn 150 hải lý chở về đất liền lo hậu sự, an táng và xây mộ chu đáo. Trước đó, không ít lần tàu ông Ninh cứu ngư dân bị nạn trên biển, lai dắt tàu hỏng máy về đất liền. Ông kể rằng, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống đánh bắt hải sản ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, năm 14 tuổi, ông đã xuống tàu theo cha ra biển.
Sóng gió biển khơi đã tôi luyện ông trở thành một thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. Với khát khao đổi đời luôn cháy bỏng, ông kiên trì tích lũy, để rồi khi chưa đến 30 tuổi ông đã có tàu của riêng mình. Khi vốn nhiều hơn, ông bán tàu nhỏ đầu tư đóng tàu công suất lớn.
Cách đây hơn 10 năm, ông đưa gia đình đến phường Hòa Minh định cư và trở thành con chim đầu đàn trong hoạt động khai thác hải sản của quận Liên Chiểu. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu 2 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có tàu ĐNa 90541TS công suất 600 CV, hạ thủy cuối năm 2012…
Ông Ninh bảo, vừa xây xong mộ cho người quá cố và đang chuẩn bị ra khơi. “Thực ra việc vớt và đưa thi thể người không quen biết từ biển xa về đất liền chôn cất là sự đấu tranh tư tưởng rất gay cấn của ngư dân trên tàu. Có người, khi vừa phát hiện đã giục ông tăng tốc cho tàu vượt nhanh qua để tiếp tục đánh bắt; bởi hải sản đánh bắt được chưa nhiều, nếu trở về sẽ thua lỗ nặng…
Nhưng, ông thẳng thừng với anh em đi cùng, phải vớt thi thể người bị nạn lên và quay về đất liền ngay, càng nhanh càng tốt; bởi lương tâm không cho phép bỏ đồng loại, đồng bào của mình, dù họ đã bị tai nạn qua đời. Thế là mọi người thống nhất vớt thi thể người quá cố đưa lên tàu, rồi quay về đất liền. Tuy chuyến đi biển bị thua lỗ cả trăm triệu đồng, nhưng ai nấy đều thanh thản trong lòng...
Ông Lê Văn Ninh. |
Ngồi trên tàu neo đậu tại cảng cá Thọ Quang, nhìn đăm đăm ra biển hồi lâu, ông Ninh cho biết thêm rằng, đây là lần thứ 2 tàu ĐNa 90072TS vớt thi thể người bị nạn từ biển lên đưa về đất liền. Trước đó, tàu ông Ninh cũng vớt được một thi thể người bị nạn, sau khi đưa về đất liền, đặt cho người đã khuất một cái tên ghi trên bia mộ là Lê Văn Được để hằng năm cúng giỗ, hương khói…
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) TP Đà Nẵng nhớ lại, cách đây 3 năm, nếu không có tàu ĐNa 90072TS của ông Ninh cứu kịp thời, có lẽ 7 ngư dân trên tàu của tàu ông Trần Văn Út, ở Sơn Trà, đã vĩnh viễn nằm lại với biển.
Lần đó, giữa lúc sóng to gió lớn, tàu ông Út bị hỏng máy, điện báo cấp cứu về đất liền. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP Đà Nẵng đề nghị Trung tâm cứu hộ, cứu nạn hàng hải khu vực 2 đưa tàu ra cứu hộ. Khi tàu cứu hộ kéo tàu bị nạn về đất liền, dây kéo đứt và tàu cá bị chìm; cả 7 ngư dân trên tàu rơi xuống biển. Tàu ông Ninh đánh bắt gần đó, nhận tin báo đã nhanh chóng đến cứu hộ và vớt 7 ngư dân lên tàu đưa vào bờ an toàn...
Cũng như bao ngư dân khác, hơn 2/3 thời gian mỗi năm, ông Ninh có mặt giữa đại dương bao la. Sau mỗi chuyến đi biển dài ngày, ông chỉ lưu lại nhà cùng vợ con dăm ba bữa rồi lại tất bật ra khơi. Mọi công việc gia đình ông phó thác cho người vợ. Mấy năm nay, đứa con trai bị suy thận, thế nhưng, vì mưu sinh trên biển cả, ông ít có điều kiện ở nhà chăm sóc con. Từ đầu năm đến nay, tàu ông bám biển 6 chuyến, chuyến nào cũng thu nhập khá…
Nói về thuyền trưởng Lê Văn Ninh, ông Nguyễn Thanh Bê, Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu cho biết: Không chỉ dạn dày kinh nghiệm trong đánh bắt hải sản, ông Ninh còn là ngư dân kiên trường bám biển Hoàng Sa và có sự hỗ trợ rất thiết thực đối với các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Hầu như năm nào, tàu ông Ninh cũng giúp đỡ các tàu khác khi gặp sự cố trên biển.
Nghĩa cử cao cả của thuyền trưởng này được bà con ngư dân, chính quyền, Hội Nông dân địa phương ghi nhận và đánh giá rất cao. Nhiều năm qua, ông Ninh đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố; được UBND TP Đà Nẵng và Hội Nông dân các cấp tặng bằng khen, giấy khen…