Người thương binh 34 năm tìm hài cốt đồng đội

Thứ Ba, 18/08/2009, 10:59

Trong chiến tranh, cứ sau mỗi lần im tiếng súng là ông đi gom thi hài các liệt sĩ để chôn cất. Hòa bình, ông lại lặng lẽ cơm đùm gạo bới lặn lội đến những nơi khi xưa từng là chiến trận, lật từng bụi cây, ngọn cỏ, lần dò trong từng thớ đất để tìm kiếm, cất bốc thi hài liệt sĩ, những người năm xưa do chính tay ông chôn cất.

Bây giờ ở vào tuổi 85, mắt không còn nhìn rõ, những cơn váng đầu liên tục hành hạ, song ông vẫn lên đường thực hiện ước nguyện tìm cho bằng hết di hài liệt sĩ. 

Người cựu chiến binh ấy tên là Nguyễn Văn Thỉ, ở thôn Nhỉ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó ở Gio Linh. Tuổi thơ lớn lên trong chiến tranh, hiểu được sự tàn khốc của bom đạn kẻ thù, 18 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Văn Thỉ gia nhập bộ đội, vào Trung đoàn 95, tham gia chiến đấu ở vùng rừng Mỹ Đức, Mỹ Thọ (Quảng Bình).

Rồi ông được đơn vị cho giải ngũ. Về quê, ông tham gia hoạt động bí mật gây dựng cơ sở cách mạng, nuôi giấu bộ đội, thăm dò tình hình địch ở địa bàn từ Bến Ngự về thôn 9, 10 ven biển bãi ngang xã Gio Hải (Gio Linh). Trong những năm Mỹ tăng cường đóng chốt trên vùng đất Gio Linh, ông trở thành "mắt xích" quan trọng của ta và đã phá vỡ nhiều âm mưu nguy hiểm của địch...

Ngày ra tù, đêm đêm ông bí mật gây dựng cơ sở, nắm tin tức. Nhiều lần địch nhăm nhe gọi ông lên tra khảo, đánh đập, nhưng ông một mực nói: "Người chết rồi họ có làm gì được nữa đâu mà các anh lo. Tui chôn cất họ là thể hiện tình cảm, đạo lý "nghĩa tử là nghĩa tận" của người dân Việt Nam".

Ngày đất nước hoà bình, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, song ông vẫn dành dụm đồng lương thương binh ít ỏi của mình đi tìm kiếm đồng đội đưa về nghĩa trang an táng. Ở vào tuổi 85, đôi mắt ông Thỉ bây giờ đã kém, những cơn váng đầu thường xuyên hơn. Nghị lực giúp ông trụ lại được có lẽ chính là sức mạnh của ý chí: quyết tâm tìm bằng hết di hài của đồng đội, những người năm xưa ông từng chôn cất, bây giờ do sự thay đổi của địa hình nên vẫn còn nằm lại đâu đó.

Suốt mấy chục năm nay, hễ có đoàn tìm mộ liệt sĩ nào đến Gio Linh là y như có ông tình nguyện tham gia. Có những người mẹ, người vợ đã ngoài 80 tuổi, quê mãi tận Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa... cũng tìm đến ông. Và ông nhận lời. Thậm chí, nhiều lúc ông mời cả thân nhân gia đình liệt sĩ ở lại nhà ông hàng tháng trời để đi tìm mộ. Ông cười hiền: "Chật bụng chứ chật gì nhà. Sống ở đời cốt ở tấm lòng!".

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thỉ đang cùng đồng đội dò lại danh sách các liệt sĩ chưa tìm thấy trước lúc lên đường.

Hơn 34 năm qua, người lính già ấy đã tìm được hàng chục hài cốt đồng đội đưa vào nghĩa trang an táng, giúp cho hàng chục gia đình thân nhân liệt sĩ tìm thấy người thân. Sẻ chia cùng ông niềm tri ân đó có người vợ thảo hiền, cô du kích Nguyễn Thị Đá, cũng từng là một người lính dũng cảm, bị mất một phần thân thể trong chiến tranh. "Bây chừ cực khổ tui cũng động viên ông ấy đi tìm di hài của đồng đội. Mình từng đi qua những tháng ngày kinh hoàng ấy, chừ mần răng ngồi yên khi bao nhiêu bà mẹ, người vợ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm hài cốt người thân", bà Đá tâm sự.

Hôm tôi về Nhỉ Thượng gặp ông, bà Đá khập khiễng trên đôi nạng gỗ, cái chân phải cụt đến tận háng luôn làm bà mất thăng bằng, bà tất bật tìm xếp tư trang cho chồng chuẩn bị đi tìm mộ liệt sĩ. Hành trang của người lính già chỉ vỏn vẹn có chiếc ba lô đã ngã màu đất, cái mũ cối hoe màu sương nắng và bộ quân phục sờn bạc. Cả cuộc đời lặng thầm vì đồng đội, ông Thỉ vẫn chưa yên lòng, ông nói rằng mình vẫn chưa làm tròn bổn phận với đồng đội...

Phan Vĩnh Yên
.
.
.